Lan tỏa phong trào làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi lan tỏa rộng khắp trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô. Ngày càng xuất hiện nhiều gương sáng trong phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho sự đổi thay của quê hương.

Ông Đỗ Văn Thơ bên vườn cây mai trắng cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm tại xã Tản Lĩnh. Ảnh: Trọng Tùng

Ông Đỗ Văn Thơ bên vườn cây mai trắng cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm tại xã Tản Lĩnh. Ảnh: Trọng Tùng

Những tấm gương điển hình

Ở thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ), nhắc đến anh Nguyễn Viết Đăng, ai nấy đều biết. Không chỉ là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn năng nổ, anh còn tích cực tham gia phát triển kinh tế. Ba năm qua, anh Đăng đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi lợn nái ngoại. Bên cạnh đó, anh còn nhận thầu khoán 2,5ha diện tích đất công sình lầy, sau đó cải tạo để nuôi trồng thủy sản. Mô hình kinh tế mang lại hiệu quả tích cực, với sản lượng thịt lợn và thủy sản cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn mỗi năm.

Gần 20 năm trước, gia đình ông Đỗ Văn Thơ là một trong những hộ đầu tiên đưa cây mai trắng về trồng ở thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì). Những năm gần đây, nhu cầu thị trường đối với “nhất chi mai” tăng cao. Nhờ đó, hộ ông Thơ cũng ngày một ăn nên làm ra nhờ mô hình ươm nuôi loại cây trồng độc đáo này, với doanh thu lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải, với việc thực hiện có hiệu quả phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô đã có gần 5.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.

Hỗ trợ, động viên kịp thời

Bằng nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo, chất lượng và hiệu quả của các phong trào thi đua ngày một được nâng cao. Không ít hộ có quy mô sản xuất lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động và giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác… Dù vậy, không thể phủ nhận một thực tế là trình độ phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô, nhất là về mức sống của người dân vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực đồng bằng, đô thị. Cơ cấu kinh tế tuy có tiến bộ nhưng sự chuyển dịch còn chậm, năng suất lao động còn thấp...

Để nhân rộng những tấm gương phát triển kinh tế giỏi, thúc đẩy phát triển toàn diện vùng dân tộc miền núi, Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Phúc Hải đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030. Đây là Chương trình phát triển tổng thể quan trọng, được Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu sớm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc, miền núi với đồng bằng, đô thị.

Để vượt lên những khó khăn đang đặt ra trước mắt, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đề nghị UBND TP tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc trong tình hình mới; đầu tư, xây dựng các dự án phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc…

Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh cũng mong muốn Hà Nội cần phát huy hơn nữa vai trò của các hộ gia đình làm kinh tế giỏi, tiếp tục nghiên cứu, có chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc phát triển kinh tế. Đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời những tấm gương đồng bào vượt khó, thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội vào khoảng 12%. Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn khu vực còn 0,96%. Thu nhập bình quân nhiều xã đạt trên 50 triệu đồng/năm. Đến nay, 14/14 xã vùng dân tộc miền núi của Thủ đô đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lan-toa-phong-trao-lam-kinh-te-gioi.html