Làn sóng sách AI tràn vào hệ thống thư viện
Do phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ phân phối sách điện tử tự động, các thư viện tại Mỹ đã vấp phải làn sóng sách AI kém chất lượng.
![Ảnh minh họa. Nguồn: Vecteezy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51467034/9db7705c4112a84cf103.jpg)
Ảnh minh họa. Nguồn: Vecteezy.
Những tác phẩm chất lượng kém được tạo ra bởi AI đang tràn vào hệ thống các thư viện công cộng thông qua các nền tảng cung cấp danh mục sách. Điều này buộc những thủ thư phải tổ chức phân loại một số lượng sách khổng lồ giúp bạn đọc tránh va phải sách do AI làm ra.
Đội ngũ thủ thư quá mỏng để tự kiểm duyệt
Trong bối cảnh sách do AI tạo ra len lỏi vào hệ thống thư viện công cộng tại Mỹ, đội ngũ thủ thư lại không có đủ nhân lực để kiểm soát chất lượng nội dung. Thực trạng này đặc biệt đáng lo ngại khi các thư viện hiện nay chủ yếu dựa vào hai nền tảng phân phối sách điện tử là Hoopla và OverDrive, trong đó Hoopla buộc các thư viện phải chấp nhận toàn bộ danh mục sách của họ mà không có quyền lựa chọn từng đầu sách riêng lẻ.
Sự hạn chế này khiến các thủ thư mất đi khả năng kiểm duyệt sách trước khi đến tay người đọc. Vì vậy, những đầu sách do AI tạo ra, như Fatty Liver Diet Cookbook của Magda Tangy, đã xuất hiện dày đặc trong các danh mục sách. Đáng nói hơn, tác giả Magda Tangy không có dấu vết trực tuyến và trên bìa phụ, Tangy sở hữu khuôn mặt do AI deepfake tạo ra.
Ông Michael Blackwell - Giám đốc Thư viện quận St. Mary - cảnh báo rằng một số cuốn sách có thể hữu ích, nhưng một số khác lại tiềm ẩn nguy cơ sai lệch thông tin nghiêm trọng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51467034/fd1011fb20b5c9eb90a4.jpg)
![Các cuốn sách do AI tạo ra trong những thư viện công cộng tại Mỹ. Ảnh: 404.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51467034/cd6b228013cefa90a3df.jpg)
Các cuốn sách do AI tạo ra trong những thư viện công cộng tại Mỹ. Ảnh: 404.
Công ty Hoopla không công khai dữ liệu về số lượng sách do AI tạo ra trong danh mục của họ, nhưng các tìm kiếm ngẫu nhiên trên nền tảng này cho thấy sự xuất hiện tràn lan của những tác phẩm có dấu hiệu do AI viết, từ AI Monetization of Your Faceless YouTube Channel đến các sách tiểu sử như Elon Musk: Inspirational Quotes and Insights. Nhiều tác giả trong danh mục này, cũng như Magda Tangy, không hề có thật. Dẫu vậy, họ lại xuất bản hàng chục cuốn sách trong thời gian ngắn, bao phủ đủ mọi lĩnh vực từ âm nhạc, kinh tế đến khoa học.
Tình trạng này đặt ra bài toán nan giải cho các thủ thư. Một mặt, họ không có đủ nhân lực để rà soát từng cuốn sách trong danh mục khổng lồ mà Hoopla cung cấp. Một thủ thư giấu tên chia sẻ rằng việc kiểm tra từng tác giả, bìa sách, và nội dung để xác định liệu có phải sách do AI tạo ra hay không đòi hỏi quá nhiều thời gian, trong khi khối lượng sách đáng ngờ tiếp tục tăng mạnh hàng tháng. Mặt khác, việc thiếu nguồn lực khiến họ buộc phải chấp nhận thực tế rằng sách AI đã và đang trở thành một phần của thư viện mà không có cơ chế sàng lọc hiệu quả.
“Hầu hết người dùng thư viện không biết rằng một số sách họ mượn có thể do AI tạo ra và chưa qua chỉnh sửa. Họ mặc định rằng nếu sách có trong thư viện, đó là tài liệu đáng tin cậy. Nhưng thực tế lại không phải vậy”, ông Blackwell cho biết. Vấn đề này không chỉ giới hạn ở sách phi hư cấu, mà còn mở rộng sang tiểu thuyết, như The Unknown Guest của Rylie Dark - một tác phẩm đã được Văn phòng Bản quyền Mỹ xác nhận là “văn bản do trí tuệ nhân tạo tạo ra”.
Người đọc tải nhầm sách AI mà không hay biết
Thực tế, vấn đề nội dung kém chất lượng trong ngành xuất bản không phải là mới. Từ lâu, giới thủ thư đã gọi những sách tóm tắt sơ sài hoặc nội dung kém giá trị là "vendor slurry".
Sự phát triển của AI tạo sinh đã khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn, hàng loạt sách không qua kiểm duyệt xuất hiện trên nền tảng thư viện, đặc biệt là trên Hoopla. Với chính sách không cho phép thư viện lựa chọn riêng từng đầu sách, nền tảng này buộc các thư viện phải tiếp nhận toàn bộ danh mục của họ, bao gồm cả những cuốn sách bị thổi phồng về số lượng và có chất lượng kém.
Thủ thư tại Thư viện tưởng niệm Edith Wheeler (Connecticut, Mỹ) Luca Bartlomiejczyk chia sẻ rằng các nền tảng phân phối sách đang lợi dụng con số để tạo ấn tượng về một danh mục phong phú.
“Những gì họ đang quảng bá là một kho sách khổng lồ. Nhưng thực tế, rất nhiều trong số đó là nội dung rác mà người đọc không thực sự cần đến. Nếu bạn tuyên bố có 15.000 sách điện tử, nhưng 5.000 trong số đó là sách chất lượng thấp hoặc do AI tạo ra mà không có giám sát nào, vậy thực sự họ đang cung cấp giá trị gì?”, thủ thư Bartlomiejczyk nói.
Các sách tóm tắt do AI tạo ra bắt đầu lấn át kết quả tìm kiếm, làm cho độc giả khó tìm thấy sách gốc mà họ mong muốn. IRB Media - nhà xuất bản có hàng trăm cuốn sách trên Hoopla - là ví dụ điển hình. Hầu hết sách của họ chỉ là bản tóm tắt của những đầu sách nổi tiếng, nhưng chúng lại chiếm ưu thế trong danh mục tìm kiếm.
![Sách tóm tắt đã được nhà xuất bản CliffNotes làm ra từ lâu. Nhưng sách tóm tắt của AI lại không được đảm bảo về chất lượng. Ảnh: Etsy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51467034/7a61948aa5c44c9a15d5.jpg)
Sách tóm tắt đã được nhà xuất bản CliffNotes làm ra từ lâu. Nhưng sách tóm tắt của AI lại không được đảm bảo về chất lượng. Ảnh: Etsy.
Về mặt lý thuyết, sách tóm tắt không phải là vô giá trị - CliffNotes đã làm điều này từ lâu. Dù vậy, khi AI sản xuất hàng loạt những nội dung sơ sài này, sự tràn lan của chúng gây ra sự nhầm lẫn và phiền toái cho người đọc.
“Nếu ai đó tìm kiếm The Women của Kristin Hannah, kết quả hiển thị lại là một bản tóm tắt với chữ 'summary' nhỏ đến mức khó nhận ra, họ có thể tải nhầm sách mà không hề hay biết. Điều này không chỉ làm mất thời gian của họ mà còn khiến thư viện tiêu tốn kinh phí cho những nội dung không xứng đáng”, thủ thư Bartlomiejczyk cho biết thêm.
Trước đó, vào tháng 2/2022, Library Futures và Library Freedom Project đã gửi thư yêu cầu hai nền tảng này giải trình về việc phân phối tài liệu không phù hợp. Tuy nhiên, cả hai công ty đều không đưa ra phản hồi.
Sarah Lamdan - Phó giám đốc Hiệp hội Thư viện Mỹ - nhấn mạnh rằng các thư viện cần có quyền kiểm soát tốt hơn đối với danh mục của mình. "Các nền tảng nên cung cấp danh mục sách cho thư viện cần phân loại rõ sách AI trong hệ thống của mình. Nếu người đọc muốn tiếp cận sách AI, họ cần có được thông tin đầy đủ để có quyết định sáng suốt”, bà Sarah Lamdan nói.