Lần đầu rước kiệu liên vùng ở hội Tản Viên Sơn thánh
Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết điểm mới nhất của lễ hội Tản viên Sơn thánh 2020 là màn rước kiệu từ Ba Vì lên đền Mẫu Lăng Sương (Thanh Thủy, Phú Thọ).
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2020 diễn ra trong ba ngày từ 31/1 - 2/2 (tức ngày 7 - 9 tháng Giêng), BTC khôi phục các nghi thức truyền thống. Lễ rước kiệu lần đầu được thực hiện liên vùng. Kiệu rước từ đền Hạ tới đền Lăng Sương (Phú Thọ) bằng ô tô, khi về tới cầu Đông Quang sẽ được rước bộ trở về đền Hạ (Ba Vì, Hà Nội).
Theo truyền thống, lễ rước kiệu sẽ có nghi thức rước bằng đường thủy qua sông Đà. Tuy nhiên do năm đầu phục dựng rước liên vùng nên BTC rước bằng đường bộ để bảm bảo công tác an ninh, an toàn chuẩn bị cho năm sau nghiên cứu đưa nghi thức truyền thống này trở thành nghi lễ chính của lễ hội.
Ban tổ chức cũng chú trọng thực hiện lễ rước nước diễn ra vào rạng sáng ngày 31/1 (từ 0 giờ đến 4 giờ mùng 7 tháng Giêng) từ giữa sông Đà về lễ tế Thánh. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội truyền thống tri ân công đức của Đức Thánh Tản Viên diễn ra trên địa bàn huyện Ba Vì. Ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết, sau khi Tục thờ Tản Viên Sơn Thành được tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể, địa phương chuẩn bị khôi phục nhiều nghi thức để đưa lễ hội trở thành cấp vùng.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thường xuyên tổ chức ngày Rằm tháng Giêng nhằm ngày Đức Thánh sinh, tuy nhiên năm nay lễ hội tổ chức sớm một tuần, diễn ra trong 3 ngày (31/1,1/2, 2/2). Lễ hội cũng thường gắn với lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì và phát động Tết trồng cây.
Đại diện BTC nói rằng, dù tổ chức sớm nhưng đẩy mạnh phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, cà kheo, việt dã leo núi, đẩy gậy…thu hút khách thập phương. Việc tổ chức lễ hội sớm hơn cũng được nhân dân ủng hộ.
Tín ngưỡng phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh tập trung nhất ở khu vực Ba Vì, với hơn 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên với rất nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp thành phố. Địa phương có nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và tâm linh đối với tục phụng thờ Thánh Tản Viên.
Không chỉ sở hữu lợi thế cảnh quan trong đó có nhiều thắng cảnh như Vườn Quốc gia Ba Vì, lãnh đạo huyện nhắc tới tiềm năng phát triển du lịch tâm linh. Theo đó Ba Vì đón hơn 3,2 triệu lượt khách trong đó đông đảo khách tới chiêm bái và hành lễ tại các di tích như đền thờ Bác ở khu K9, cụm đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. “Tuy nhiên lượng khách dù khá đông nhưng chưa xứng tầm tiềm năng”, ông Đỗ Mạnh Hưng nói.
Tổng giá trị sản xuất năm 2019 của huyện ước đạt 30.240 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2018. Trong đó nông, lầm nghiệp, thủy sản chiếm 33,8%, dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm 43,2%, công nghiệp, xây dựng chiếm 23%.