Làm nông nghiệp không dễ - nông nghiệp an toàn... càng khó

Mong muốn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng, họ đã tìm đến với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên con đường đã và đang dấn thân ấy là những khó khăn, thách thức mà chỉ người trong cuộc mới thấu hết.

Chàng trai Phạm Văn Công hy vọng sẽ có thể đưa mô hình trồng dưa theo hướng an toàn lên vùng đất quê nhà Bá Thước.

Có mặt ở nông trại Tây Đô Green farm xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) của vợ chồng anh Lê Phú Thanh và chị Nguyễn Thị Hảo, tôi có chút ngậm ngùi. Giữa mênh mông đất là ngút ngàn... cỏ dại, chủ nhân của nông trại vẫn đang miệt mài “vợ nhổ, chồng phát” để chuẩn bị bước vào lứa rau màu mới. Gương mặt sạm đen vì nắng gió của đôi vợ chồng trẻ có lẽ đã nói lên hết thảy sự vất vả.

Sinh năm 1987, anh Lê Phú Thanh tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật điện tử, có nhiều năm làm việc tại Nam Định. “Năm 2018, vợ chồng tôi về quê nhà (phường Đông Hải - TP Thanh Hóa) và năm 2019, quyết định làm nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên, an toàn. Đó không phải là quyết định nhất thời bồng bột, bởi trước đó, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm nông nghiệp mới thấy, làm nông nghiệp vốn đã khó, làm nông nghiệp thuận tự nhiên lại càng khó”, anh Lê Phú Thanh cho biết.

Không có đất, ban đầu vợ chồng anh thuê 1.500m2 đất ở phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) để canh tác. Anh Lê Phú Thanh ngậm ngùi: “Vậy nhưng, đó cũng là bài học xương máu đầu tiên trên con đường làm nông nghiệp mà tôi phải nếm trải. Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng vào diện tích đất thuê, trong đó chỉ có 20 triệu là vốn của vợ chồng, còn lại là tiền vay mượn của bạn bè, người thân. Sau mới chỉ 1 năm, hầu như chưa có thu hoạch gì thì bị đòi lại đất... xem như mất trắng toàn bộ số tiền bỏ ra. Sau đó, tôi lại được một người quen cho mượn lại nhà màng để trồng dưa, nhưng cũng thất bại vì sâu bệnh, mất mùa, số nợ lại nhiều thêm”.

Không bỏ cuộc. Sau nhiều bài học trải qua, đôi vợ chồng trẻ cũng đã bén duyên với mảnh đất nông nghiệp màu mỡ Hoằng Đạo, từng bước “nuôi dưỡng” nông trại Tây Đô Green farm theo hướng canh tác thuận tự nhiên đến nay đã được 3 năm, bước đầu cho thu nhập dù chưa nhiều song cũng là động lực để người có tâm huyết quyết tâm theo đuổi con đường mà mình lựa chọn.

Theo đó, với hơn 1ha đất nông nghiệp thuê của người dân, đến nay vợ chồng anh Lê Phú Thanh đã đầu tư tổng chi phí hơn 300 triệu đồng (một phần nhà màng, cải tạo đất, mua phân bón hữu cơ, mua máy móc...). Theo đuổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên, an toàn, nông trại Tây Đô Green farm không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ. Thay vào đó, phân trùn quế được ưu tiên sử dụng để cải tạo đất, bón cho cây trồng. Vì không sử dụng thuốc trừ cỏ nên mất nhiều công sức cho việc phát cỏ, đặc biệt là những tháng mùa mưa cũng là thời điểm chủ nông trại cho đất nghỉ ngơi, thì cỏ dại lại càng mọc tốt hơn. “Xác định làm nông nghiệp thuận tự nhiên, an toàn, nói không với hóa chất độc hại là phải sống chung với cỏ dại, chỉ cần người nông dân ngơi tay, cỏ đã mọc tốt, mất rất nhiều chi phí nhân công cho việc trừ cỏ”, vừa phát cỏ, anh Lê Phú Thanh vừa chia sẻ.

Cũng bởi xác định canh tác thuận tự nhiên, đa dạng sinh học, “mùa nào thức ấy”, nên nông trại của anh Lê Phú Thanh luân phiên rau, quả trồng theo 4 mùa. Mùa hè trồng các loại rau, dưa (dưa hấu, dưa lê), mùa đông trồng các loại rau màu; xen kẽ các loại cây dược liệu, thảo mộc. “Canh tác an toàn theo hướng thuận tự nhiên sản lượng đương nhiên sẽ thấp, chi phí sẽ nhiều, vậy nên không ít người dân xung quanh còn tưởng rằng, nông trại của vợ chồng tôi là dự án được nhà nước đầu tư. Ngoài giá trị kinh tế, Tây Đô Green farm mong muốn tạo ra một không gian nông trại an lành thực sự, mang đến cho người tiêu dùng những bó rau, thức quả trọn vị ngon của thiên nhiên, sạch và lành. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng tôi tin rằng, trời không phụ lòng người”, anh Lê Phú Thanh trải lòng hy vọng.

Cách nông trại của vợ chồng anh Lê Phú Thanh một quãng ngắn là diện tích trồng dưa trong nhà màng của Phạm Văn Công - chàng trai sinh năm 1997, quê thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Khác với vợ chồng anh Lê Phú Thanh, Phạm Văn Công tốt nghiệp Đại học Hồng Đức, ngành Bảo vệ thực vật. Năm 2021, Phạm Văn Công đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cho việc trồng dưa trong nhà màng theo hướng an toàn, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên đã thất bại do thiếu kinh nghiệm, sâu bệnh, ngập úng...

Phạm Văn Công cho biết: “Trồng dưa không khó nhưng để canh tác theo hướng an toàn, đạt được các tiêu chuẩn về độ ngọt, độ thơm... thì rất khó. Trong đó, khó nhất có lẽ là dinh dưỡng cho cây dưa, rồi việc xử lý sâu bệnh. Nói chung, làm nông nghiệp, nếu không hiểu đất, hiểu cây thì sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và tất cả đều phải trả giá bằng tiền bạc, công sức. Từ đầu năm 2023, nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của anh Lê Quốc Đạt (khu thực hành, Khoa Nông lâm ngư nghiệp - Đại học Hồng Đức) về phân bón, chăm sóc nên việc trồng dưa đã thuận lợi hơn, cho chất lượng quả tốt. Tôi hy vọng, sau khi có vốn, kinh nghiệm thì sẽ có thể đưa cây dưa lên vùng đất quê nhà huyện Bá Thước, để thay thế cho những cây trồng không hiệu quả”.

Thấm thoát, đã 7 năm cô gái Nguyễn Thị Ngân (thị xã Bỉm Sơn) từ bỏ công việc văn phòng cho thu nhập ổn định để gắn bó với những đồi dứa quê hương. Thời điểm tôi gặp Ngân - cô tổ trưởng tổ hợp tác Amango farm đang thu hoạch nốt những trái dứa thơm ngon để gửi cho khách hàng ngoài Hà Nội.

Sinh năm 1989, sau khi tốt nghiệp ngành Marketing (Đại học Kinh tế Quốc dân) Nguyễn Thị Ngân có nhiều năm làm công việc mình đã học. Tuy nhiên, năm 2016, Ngân quyết định về gắn bó với những đồi dứa quê hương trước sự phản đối của người thân. Nguyễn Thị Ngân nhớ lại lý do quyết định làm cô nông dân trồng dứa: “Bỉm Sơn vẫn được biết đến là đất dứa, vựa dứa của xứ Thanh. Nhưng nhiều năm trở lại đây, người nông dân trồng dứa vẫn thường bấp bênh với câu chuyện được mùa mất giá và ngược lại; cũng vì canh tác thiếu kiến thức, sử dụng tùy tiện các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất mà người nông dân đã vô tình làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và chính mình, khiến những trái dứa thơm ngon “mất” đi giá trị. Thay vì sử dụng thuốc kích thích để quả dứa có trọng lượng to hơn, chín đều đồng loạt nhưng giá lại rẻ, tại sao không để những quả dứa phát triển tự nhiên, chín tự nhiên, hạn chế tối đa hóa chất trên quả, trên đất. Đó là lý do mà Ngân và những người nông dân cùng nhau thành lập tổ hợp tác Amango farm, trồng dứa an toàn, canh tác bền vững. Thực ra, đó chỉ là sự “trở về” theo lối canh tác của cha ông, cách đây khoảng 20 năm về trước mà thôi, năng suất có thể thấp nhưng thực sự an toàn”.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện tại tổng diện tích trồng dứa của tổ hợp tác Amango farm là gần 7ha, cho sản lượng khoảng 60 tấn/năm với thị trường tiêu thụ ổn định. Nguyễn Thị Ngân cho biết thêm: “Canh tác theo hướng an toàn, nên năng suất trồng chắc chắn là giảm, chỉ còn khoảng 65 - 70% so với thông thường. Tuy nhiên, thay vào đó, giá bán luôn cao hơn, được bao tiêu, đầu ra ổn định, đặc biệt là an toàn cho cả người sản suất lẫn người sử dụng. Nếu chấp nhận từ bỏ sự dễ dãi, những cái lợi trước mắt, thì đó mới thực sự là những giá trị của sản xuất nông nghiệp bền vững”.

Câu chuyện của vợ chồng anh Lê Phú Thanh, anh Phạm Văn Công, hay Nguyễn Thị Ngân với những sự lựa chọn theo đuổi làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cũng là niềm vui, hy vọng của xã hội và người tiêu dùng. Bởi, dẫu chưa phải là tất cả, nhưng đã có những thay đổi thực sự trong tư duy, cách làm nông nghiệp. Hướng đến một nền sản suất nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, an toàn.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lam-nong-nghiep-khong-de-nbsp-nong-nghiep-an-toan-cang-kho/28564.htm