Làm kinh tế từ trồng cây lấy lá

Giữa vùng hồng D'Ran, Đơn Dương có một nông hộ chuyên cung cấp cây lấy lá làm phụ kiện trang trí, cắm bông từ những cây tùng đuôi chồn, tùng nho, dương xỉ, đảm bảo nguồn thu ổn định cho gia đình.

Ông Thái Văn Bình trong vườn dương xỉ

Ông Thái Văn Bình trong vườn dương xỉ

Thăm hộ gia đình ông Thái Văn Bình, thôn Hòa Bình, thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương mới khâm phục bàn tay cần cù của người nông dân. Ông Bình giới thiệu, ông có 6 sào nhà kính chuyên trồng các loại cây lấy lá phục vụ các vựa hoa dưới Thành phố Hồ Chí Minh. Các loại lá như tùng đuôi chồn, tùng nho, dương xỉ, lá chanh, bạch đàn guini được chăm sóc dưới hệ thống nhà kính và tưới phun sương tự động, mang lại cho gia đình thu nhập ổn định từ nhiều năm nay.

Ông Bình cho biết, năm 2008, ông tìm hướng đổi mới vườn cây bằng cách làm nhà kính, trồng thử nghiệm lá kiểng để trang trí bó bông, chậu bông. Ông cho biết, với giá giống khoảng 20 ngàn/gốc tùng đuôi chồn, 40 ngàn/gốc tùng nho, 8 ngàn/gốc dương xỉ, cộng cả phân bón, một sào chi phí đầu tư khoảng 100 triệu. Vừa gầy giống, vừa tìm mối thu mua, sau 2 năm ông Bình mới tìm được vựa hoa chấp nhận lấy hàng ổn định. Vừa làm vừa mở rộng diện tích, từ 1 sào ban đầu hiện ông đã có 6 sào chuyên trồng lá trang trí cung cấp cho thị trường.

Ông Bình đánh giá, trồng lá cảnh không khó. Như nhà ông chủ yếu canh tác dương xỉ, tùng các loại qua nhiều năm, ông nhận thấy cây lấy lá thường rất ít bệnh tật. Thời gian thu hoạch lại khá lâu, từ 4-5 năm mới phải thay cây mẹ. Quan trọng là khi canh tác, cần cung cấp dưỡng chất một cách bền lâu, đất yêu cầu tơi xốp. Vì vậy, khi làm đất xuống giống, ông sử dụng lượng lớn phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ làm phân bón lót. Cây lấy lá hợp đất xốp, hợp phân hữu cơ và gần như không phải sử dụng phân hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống nước tưới được ông Bình lắp ống, kéo từ thác Hòa Bình về tận vườn, sử dụng van để chia các khu tưới riêng trong vườn. Cây lấy lá yêu cầu nhà kính mái kín nên đối với nhà lưới không đảm bảo vì gặp trời mưa nhiều, cây sẽ hư lá, năng suất rất thấp.

Hiện ông Bình đang thu hoạch các loại lá với giá 20 ngàn đồng/bó dương xỉ 20 cây, 5 ngàn đồng/cành tùng nho, 3 ngàn đồng/cành tùng đuôi chồn.

Ông Bình cho biết thêm, giá ông bán là “giá chết” theo hợp đồng, không thay đổi theo giá thị trường bên ngoài.

Ông chia sẻ: “Trồng cây lấy lá thực ra không thu nhập cao bằng trồng hoa, nhất là gặp các ngày lễ. Nhưng trồng cây lấy lá rất ổn định, trồng theo hợp đồng, giá có trước nên sản xuất bao nhiêu tôi biết là thu hoạch được chừng nào tiền. Trồng cây lấy lá lại ít sử dụng phân hóa học, không thuốc bệnh nên khỏe cho nông dân”.

Ông Thái Văn Bình chia sẻ, trồng cây lấy lá không khó, đầu tư vừa phải, chăm sóc nhàn, thu nhập ổn định nhưng cũng đòi hỏi một số điều kiện như diện tích đất phải rộng, đủ để trồng gối đầu. Vì cây phát triển khá chậm, như dương xỉ trồng 1 năm mới có lá thu hoạch. Vì vậy, khi cây gần tàn, năng suất thấp, phải có đất để trồng thế lứa mới, không được đứt nguồn hàng. Khác với hoa, số lượng vựa thu lá kiểng cũng ít, chủ yếu là thu sỉ sau đó bỏ lẻ cho các shop hoa khác nên phải đảm bảo lượng cung lá lớn, hàng trăm bó/lần cắt. Nếu diện tích đất nhỏ quá thì khó đảm bảo được nguồn cung đều đặn. Tìm được đầu ra ổn định và đáp ứng đúng hợp đồng là yếu tố quan trọng nhất để trồng cây lấy lá.

Bà Phạm Thị Bích Tới, khuyến nông viên thị trấn D’Ran nhận xét, hộ ông Thái Văn Bình là hộ nông dân làm ăn giỏi, có nhiều ý tưởng sáng tạo, dễ áp dụng cho nông dân xung quanh. Diện tích trồng cây lấy lá của ông Bình cũng là mô hình sản xuất hiệu quả, trồng nông sản theo hợp đồng ổn định, góp phần hướng nông dân địa phương tìm hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202008/lam-kinh-te-tu-trong-cay-lay-la-3018123/