'Làm di sản mà không tạo ra sự kết nối sẽ không làm được gì'

Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM nếu làm di sản mà không tạo ra sự kết nối thì sẽ không làm được gì.

Ngày 7-3, lễ khai mạc chuỗi sự kiện TP.HCM - Di sản - Kết nối do CLB Di sản áo dài Việt Nam, trực thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt nam tổ chức diễn ra tại iVietNam Business Center (38 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Đây là hoạt động được tổ chức nhằm tôn vinh các di sản văn hóa, tinh hoa Việt Nam và tạo cơ hội để các tổ chức và cá nhân yêu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tìm hiểu về hoạt động Di sản- Kết nối.

Qua các chương trình, các buổi thảo luận, tìm ra những giải pháp để tôn vinh di sản văn hóa, giá trị thương hiệu Việt, bảo tồn giá trị truyền thống và xây dựng đội ngũ kế thừa.

Phát biểu tại buổi khai mạc, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam cho biết thông qua hoạt động này nhằm kêu gọi các cộng đồng doanh nghiệp về du lịch, di sản… đồng hành cùng với mạng lưới Di sản – Kết nối để đóng góp cho chuỗi sự kiện cũng như những hoạt động của TP.HCM.

Có mặt tại chương trình, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa, TP.HCM cho rằng di sản có xung quanh mỗi người và câu chuyện áo dài cũng đã trở thành di sản.

"Thật sự, sự kết nối hay vô cùng, nếu mà mình làm di sản mà không nghĩ ra việc để kết nối cho mình làm thì sẽ không làm được gì" – bà nhấn mạnh.

Cũng tại lễ khai mạc, CLB di sản áo Việt Nam TP.HCM cũng đã ra mắt ban Di sản – Kết nối và giới thiệu các thành viên của ban.

Bà Phùng Thị Thu Thủy - chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam - TP.HCM, trưởng Ban Di sản - Kết nối cho biết sẽ tạo nên nhiều sự kết nối và đến 23-11, ngày Di sản Việt Nam sẽ thành lập được mạng lưới Di sản - Kết nối

Chia sẻ với PLO, TS. Nguyễn Khắc Thuần, viện trưởng viện nghiên cứu trang phục Việt, cố vấn trưởng cho CLB Di sản áo dài Việt Nam TP.HCM cũng đánh giá cao ban Di sản – Kết nối.

"Di sản là một tài sản có giá trị không phải đối với quá khứ mà còn đối với cả tương lai lâu dài, không phải chỉ đối với thế hệ nhân dân Việt Nam mà còn đối với thế giới bởi vì phàm là di sản văn hóa thì bao giờ cũng có giá trị lan tỏa mạnh mẽ và lâu dài kể cả những người chưa hiểu gì về Việt Nam cũng thông qua di sản văn hóa họ hiểu thêm Việt Nam và ai hiểu nhau thì người đó có ứng xử phù hợp thì đó là điều cực kỳ quan trọng.

Điều quan trọng thì phải có người thực hiện, phải có tổ chức thực hiện người thực hiện đó là những người yêu thích về văn hóa, các nhà nghiên cứu về văn hóa và đặc biệt là những người có điều kiện nhưng chừng đó chưa đủ có tổ chức thì phải có cách thực hiện, kết nối các bên với nhau thì ban di sản kết nối… xuất hiện như một sự đáp ứng quan trọng đó" - TS. Nguyễn Khắc Thuần nói.

NSƯT Hải Phượng cùng các khách mời tham quan triển lãm

Cũng trong sáng cùng ngày, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng đã giới thiệu không gian triển lãm ảnh nghệ thuật khoảng 200 bức ảnh với chủ đề "Di sản quanh ta" và tặng lại bộ ảnh cho CLB Di sản áo dài Việt Nam TP.HCM để có tư liệu nhằm quảng bá di sản trong các sự kiện.

Ca khúc Ở trọ do Hoàng Trang và Nguyễn Đông thể hiện

Một số hoạt động chính trong chuỗi sự kiện TP.HCM - Di sản - Kết nối:

- Triển lãm bộ sưu tập ảnh nghệ thuật "Di sản quanh ta" của kỷ lục gia châu Á Nguyễn Thị Thanh Tâm, tại iVietnam Business Center (38 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM). Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 7 đến 17-3.

- Chiều 8-3 Giao lưu với nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn về cuốn sách Bùi Xuân Phái và thưởng thức bộ sưu tập của danh họa Bùi Xuân Phái, tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TP.HCM.

- Ngày 9-3 Thưởng thức hội họa, âm nhạc và ẩm thực truyền thống tại Nguyen's Art Garden (thành phố Thủ Đức, TP.HCM); tham quan các gian hàng của Bảo tàng Áo dài và giao lưu tại Lễ hội Việt - Nhật (công viên 23-9, quận 1, TP.HCM).

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-di-san-ma-khong-tao-ra-su-ket-noi-se-khong-lam-duoc-gi-post779370.html