Lãi suất xuống thấp, dòng tiền gửi rời khỏi các ngân hàng

Tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp và dân cư giảm mạnh trong bối cảnh lãi suất liên tục chạm đáy.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 1/2024, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh.

Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1/2024 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm 2,41% so với cuối năm 2023. Tương tự, tiền gửi của dân cư cũng giảm 0,53% trong tháng 1/2024, xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng.

Đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng 25 tháng liên tiếp trước đó.

Biểu đồ dữ liệu tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào ngân hàng. (Nguồn: SBV)

Lãi suất huy động tại các ngân hàng đã liên tục giảm từ khoảng tháng 3/2023. Đến thời điểm tháng 1-2/2024, lại suất huy động tại các ngân hàng dường như chạm đáy với mức lãi suất thấp nhất là dưới 1,9%/năm, lãi suất cao nhất không vượt quá 5%/năm.

Như vậy, theo số liệu NHNN mới công bố, dòng tiền vào hệ thống ngân hàng đã dịch chuyển trước môi trường lãi suất thấp kéo dài và xuống thấp chưa từng có.

Đến nửa cuối tháng 3, lãi suất huy động tại các ngân hàng mới bắt đầu rục rịch tăng ở các kỳ hạn ngắn.

Sáng nay (2/5), ngân hàng ACB tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng. Lãi suất các kỳ hạn 1-2-3 tháng tăng lên lần lượt là 2,5% - 2,7% - 2,9%/năm.

Tính cả ACB, đến nay đã có khoảng 16 ngân hàng tăng lãi suất huy động, gồm: ACB, Bac A Bank, BIDV, BVBank, CB Bank, Eximbank, GPBank, HDBank, KienLong Bank, MSB, NCB, OceanBank, PVComBank, TPBank, VietinBank, VPBank.

Dòng tiền gửi vào ngân hàng giảm trong bối cảnh lãi suất huy động thấp kỷ lục. (Ảnh: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng lãi suất sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2024 nhưng điều này chưa thực sự rõ rệt vì còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu về vốn trong nền kinh tế.

Ông Thịnh nhận xét, gần đây, các ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất huy động nhưng chỉ là mức tăng nhẹ khoảng 0,1-0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn trung và dài hạn trên 13 đến 36 tháng. Động thái này nhằm mục đích tăng vốn trung và dài hạn. Đây là nguồn vốn có thể thay thế cho vốn chủ sở hữu doanh nghiệp trong các chỉ tiêu đảm bảo an toàn vốn. Điều này giúp tăng độ an toàn trong hệ thống ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập phân tích, Mỹ vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ lãi suất ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát.

Theo chuyên gia này, khi Fed giảm lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa tiền USD và tiền Đồng giảm đi, sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, từ đó tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có nhiều dư địa hơn trong các chính sách tiền tệ.

Công Hiếu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lai-suat-xuong-thap-dong-tien-gui-roi-khoi-cac-ngan-hang-ar868579.html