Kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trở lại 'đường đua' tăng trưởng
Tính tới 15/10/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 388 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo xuất khẩu tôm sang Nhật Bản sẽ phục hồi cuối năm
Báo Công Thương dẫn nguồn số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới 15/10/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 388 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đang dần thu hẹp đà giảm khi kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2023 giảm 10% - mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm.
Tính riêng quý 3/2023, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 135 triệu USD, giảm 26%. Mức giảm trong quý 3 cũng là mức giảm thấp nhất so với 2 quý trước đó.
Chia sẻ về sự sụt giảm này, bà Tạ Thị Kim Thu – Chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhu cầu yếu từ thị trường Nhật cộng với tỷ giá yên/USD giảm mạnh là một trong những yếu tố tác động không tốt tới xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang quốc gia này trong thời gian qua.
Theo bà Thu, trong 3 nhóm sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tôm thẻ chân trắng chiếm 64,1%, tôm sú chiếm 18,5% còn lại là tôm loại khác với 17,4%. Khác với những thị trường khác, tỷ trọng xuất khẩu tôm loại khác của Nhật Bản tương đương với tôm sú. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 238 triệu USD, giảm 26%, giá trị xuất khẩu tôm sú giảm 40% đạt 69 triệu USD. Xuất khẩu tôm loại khác sang Nhật Bản đạt 65 triệu USD, giảm 20%. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm khô sang Nhật tăng 3% trong 9 tháng đầu năm nay.
9 tháng đầu năm 2023, giá trung bình tôm sú đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản dao động từ 18,8-14,1 USD/kg. Mức giá này có xu hướng giảm so với đầu năm 2023, trong khi khối lượng xuất khẩu có xu hướng tăng theo từng tháng. Khối lượng xuất khẩu tôm sú trong quý 3 năm nay cũng ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo bà Thu, thị trường Nhật Bản thường có giá bán tôm bình quân cao hơn các thị trường xuất khẩu tôm khác của Việt Nam. Thị trường này cũng có mức độ cạnh tranh hạn chế và rào cản gia nhập cao do người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng cao - vốn là thế mạnh của ngành tôm Việt Nam.
“Trên thị trường Nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm giá trị gia tăng cao so với các nước chủ yếu xuất khẩu sản phẩm tôm nguyên liệu như Ấn Độ và Ecuador. Kỳ vọng, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong quý cuối năm sẽ tiếp tục thu hẹp mức giảm và có thể phục hồi vào tháng 12”, bà Thu kỳ vọng.
Bà Tạ Thị Kim Thu nhìn nhận, thị trường Nhật có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng nếu đã vào được thì sẽ ổn định nên doanh nghiệp cung cấp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng. Doanh nghiệp cũng cần hợp tác với đối tác Nhật Bản để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của mình.
Tận dụng thời cơ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm
Thông tin Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia nhận định, để tận dụng thời cơ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần tập trung thêm vào khâu quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh của ngành; tăng tính hiệu quả, chuỗi giá trị ngay từ cấp vùng nuôi.
VASEP dự báo, với điều kiện thị trường phục hồi và nguồn nguyên liệu ổn định, năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT vẫn kiên định với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt 10 tỷ USD.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng thẻ vàng của EC; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Đối với thị trường Mỹ, VASEP cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường đàm phán và ký kết các hiệp ước, hiệp định với Mỹ để hạn chế biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Đồng thời thúc đẩy mở cửa thị trường cho những sản phẩm tiềm năng như cá ngừ, mực và bạch tuộc.
Đưa ra giải pháp cụ thể, ông Trần Ngọc Quân khuyến nghị, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm cho mặt hàng thế mạnh như tôm, cá da trơn, cá rô phi để tiếp tục mở rộng thị trường tới các bang, tiểu bang tại Mỹ mà sản phẩm của Việt Nam chưa có mặt.
Đặc biệt là thường xuyên cập nhật xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp và hiệp hội để có kế hoạch ứng phó hiệu quả, có chiến lược kinh doanh hợp lý và thận trọng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo doanh nghiệp nên tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng từ hàng cao cấp đến bình dân.
Doanh nghiệp nên tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ; đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế; lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng của các nước đối tác.
Thông tin trên TTXVN, theo các chuyên gia thị trường của Vasep, tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp tiếp tục bị tác động bởi những bối cảnh kinh tế giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu tiêu dùng hải sản tốt hơn trong thời gian tới.
Trúc Chi (t/h)