Kỳ vọng lớn, thách thức nhiều trên hành trình tỉ đô của trái cây
Sau 'kỳ tích' của sầu riêng, ngành nông nghiệp kỳ vọng danh sách trái cây xuất khẩu gia nhập 'câu lạc bộ' tỉ đô sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, để nối dài danh sách này còn nhiều việc phải làm…
Sầu riêng là một ngoại lệ của ngành cây ăn trái Việt Nam khi xét về tốc độ “bùng nổ” kim ngạch xuất khẩu lẫn vùng trồng.

Dừa có triển vọng lớn mang lại giá trị xuất khẩu cao sau sầu riêng. Ảnh: Trung Chánh
Sầu riêng là một ngoại lệ, dừa sẽ tiếp nối?
Đến thời điểm hiện tại, chưa một loại trái cây nào của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về xuất khẩu lẫn diện tích như sầu riêng. Sản phẩm này có thể xem là “ngoại lệ” vì sự đóng góp cho ngành cây ăn trái cả nước.
Theo đó, năm 2021, thời điểm Việt Nam chưa bán chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, tổng giá trị xuất khẩu chỉ đạt khoảng 178 triệu đô la Mỹ.
Bước sang năm 2022, dù đến tháng 7 cùng năm, Việt Nam và Trung Quốc mới ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch và đến tháng 9 (tức đã gần hết năm 2022) lô hàng đầu tiên mới xuất khẩu sang quốc gia tỉ dân này. Tuy nhiên, cả năm vẫn kịp mang về cho Việt Nam 277 triệu đô la Mỹ, tức tăng khoảng 56% so với năm trước đó.
Đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng thật sự “bùng nổ” khi vọt lên con số hơn 2 tỉ đô la Mỹ, tức tăng hơn 622% so với năm 2022. Năm 2024 đạt 3,3 tỉ đô la Mỹ, tiếp tục tăng 65% so với năm 2023.
Còn kết quả của năm 2024 so với 2022, tức chỉ sau ba năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam tăng đến 1.092%, trong đó, trên 97% kim ngạch mang về nhờ bán vào thị trường Trung Quốc. Đây là kết quả chưa một loại cây ăn trái nào của Việt Nam đạt được trong thời gian ngắn trước đó.
Nhìn sang kết quả sản xuất, từ con số chỉ 32.000 héc ta năm 2015 “nhảy vọt” lên 178.000 héc ta, tức mỗi năm Việt Nam có thêm 16.300 héc ta được trồng mới. Sản lượng cũng nhanh chóng tăng từ 126.000 tấn năm 2015 lên 1,5 triệu tấn vào năm ngoái.
Con số thực tế hiện nay còn lớn hơn rất nhiều, bởi diện tích vẫn liên tục được nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chuyển đổi từ các loại cây trồng khác hoặc từ đất lúa sang sầu riêng.
Ông Nguyễn Như Cường, Phó vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thừa nhận trong nhóm ngành cây ăn trái, sầu riêng là cây trồng đầu tiên “bứt phá” mạnh mẽ, trở thành sản phẩm xuất khẩu nhiều tỉ đô, đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp.
Ngoài sầu riêng, một gương mặt khác đang có triển vọng lớn trong gia tăng xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào kết quả chung của ngành nông nghiệp, đó là dừa.
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dừa Bến Tre (tỉnh Vĩnh Long), cho biết ngành dừa Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh và đứng thứ 5 thế giới về diện tích sản xuất, với 196.200 hec ta, sau Philippines (3,36 triệu héc ta), Indonesia (2,8 triệu héc ta), Ấn Độ (2,2 triệu héc ta) và Sri Lanka là 456.000 héc ta.
Theo ông Đức, ĐBSCL chiếm 90% tổng diện tích dừa cả nước, đạt 175.000 héc ta, trong đó, riêng tỉnh Vĩnh Long (sau sáp nhập giữa Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long) chiếm khoảng 70% diện tích của vùng. “Dừa Việt Nam có cơ hội rất lớn gia tăng xuất khẩu khi thương mại toàn cầu hiện đạt khoảng 13 tỉ đô la Mỹ”, ông Đức cho biết và thông tin, năm ngoái trị giá xuất khẩu dừa cả nước đạt khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ.
Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II thuộc Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết định hướng của ngành nông nghiệp nâng diện tích dừa cả nước đạt khoảng 210.000 héc ta vào năm 2030.
Nhu cầu xuất khẩu tăng cao, nhất là sau khi Việt Nam được xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc, tình trạng khan hiếm nguyên liệu phục vụ cho chế biến đã liên tục xảy ra. Điều này, dẫn đến việc doanh nghiệp trong nước phải chi ra khoảng 7,2 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu trong bốn tháng đầu năm nay, tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ.
Với những triển vọng mới như nêu trên, ngành dừa có khả năng đóng góp trên 1,2 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, thậm chí lên 2 tỉ đô la Mỹ trong những năm sắp tới. Đây là sản phẩm có tiềm năng gia tăng xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp thời gian tới.

"Nối dài" danh sách tỉ đô, còn nhiều việc phải làm. Ảnh: Trung Chánh
“Nối dài” danh sách tỉ đô có được không?
Không dừng lại ở những sản phẩm nêu trên, ngành nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng danh sách tỉ đô đối với ngành cây ăn trái sẽ được nối dài, trong đó, chuối, chanh dây và khóm (dứa) là những sản phẩm có triển vọng…
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết tổng diện tích của những loại cây ăn trái nêu trên đạt khoảng 420.000 héc ta, sản lượng khoảng 6,3 triệu tấn. “Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông nói.
Tuy nhiên, việc khai thác thị trường xuất khẩu của những sản phẩm này vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó, chuối đạt gần 380 triệu đô la Mỹ, chanh dây khoảng 222 triệu đô la Mỹ trong năm ngoái. “Rõ ràng, vấn còn nhiều vấn đề phải làm để có thể đưa những mặt hành này lên tỉ đô”, ông Nam nhấn mạnh.
Câu hỏi được đặt ra, đó là cần làm gì để “nối dài” danh sách tỉ đô cho ngành cây ăn trái Việt Nam?
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết khóm là cây trồng có triển vọng, bởi quy mô thị trường tiêu thụ lớn, đạt khoảng 29 tỉ đô la Mỹ năm 2024, trong đó, hiện có khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu từ Việt Nam, sản phẩm được thị trường chấp nhận. “Khách hàng Nhật Bản chấp nhận mua với mức giá khá cao, khoảng 4.000 đô la Mỹ/tấn khóm cô đặc”, ông dẫn chứng.
Tuy nhiên, để gia tăng khả năng khai thác, theo ông Nguyên, cần chiến lược rõ ràng, bố trí bài bản việc xây dựng vùng nguyên liệu. Trong đó, ngoài việc phát triển hệ thống thủy lợi cho vùng trồng, cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu, bởi chi phí đầu tư ban đầu khá cao, từ 120-130 triệu đồng/héc ta.
Ông Nguyên gợi ý, nên chọn các nông trường để phát triển vùng nguyên liệu, có thể áp dụng mô hình cổ phần hóa hoặc cho thuê đất qua đấu giá. “Đây là cây trồng có đầu ra tốt, cho nên, nếu có chính sách tăng vùng nguyên liệu, thì khả năng đạt tỉ đô là có thể”, ông nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Unifarm, cho rằng lợi thế cạnh tranh và giá trị khác biệt chính là “nền tảng” để chinh phục các mục tiêu để ra.
Theo ông, 16 năm trước, khi bắt đầu làm nông nghiệp công nghệ cao, “năng suất và chất lượng” là điều khác biệt của đơn vị này ở thời điểm đó. “Chúng tôi hình thành farm chuối vài trăm héc ta bán thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó, chọn áp dụng "một tiêu chuẩn cao nhất” được thị trường nhập khẩu chấp nhận, thay vì đi theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau”, ông Liêm cho biết.
Sau thành công nêu trên, theo ông Liêm, Unifarm đã chuyển giao công nghệ, đào tạo quy trình canh tác bền vững đến các hợp tác xã, trang trại, thậm chí doanh nghiệp có nhu cầu để Việt Nam “ghi tên” lên bản đồ xuất khẩu chuối thế giới. “Cách làm này giúp Việt Nam từ quốc gia không ai biết, đến lọt tốp 10 (ở vị trí thứ 9) quốc gia xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới vào năm 2024, đạt 378 triệu đô la Mỹ”, ông cho biết.
Theo ông Liêm, ngành chuối có khả năng đạt tỉ đô la Mỹ dựa trên vùng nguyên liệu sẵn có, khoảng 161.000 héc ta, nhưng vấn đề là phải có giống kháng được bệnh héo rũ Panama. “Rất may, giống Uni 126 của Việt Nam làm được việc này khi có tỷ lệ kháng bệnh đạt 95-98% ở vùng đất có tiền sử nhiễm bệnh”, ông cho biết.
Từ cơ sở có giống kháng bệnh, theo ông Liêm, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng mức giá trị xuất khẩu chuối từ 2.400 đô la Mỹ/hé ta lên 6.500 đô la Mỹ/héc ta. “Với 161.000 héc ta chúng ta có ngay 1 tỉ đô la Mỹ”, ông nói và dẫn chứng, đã đơn vị đạt trị giá xuất khẩu đến 20.000 đô la Mỹ/héc ta.
“Vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, gợi ý nên dịch chuyển sang phân khúc sản phẩm chế biến và khai thác phụ phẩm để gia tăng giá trị. “Đây là hướng đi quan trọng để nâng cao hiệu quả cho cây ăn trái nói chung và chuối nói riêng, thay vì chỉ xuất khẩu tươi như hiện nay”, ông gợi ý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nafoods, lưu ý cần tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, bởi hàng rào kỹ thuật của thị trường nhập khẩu đang được các nước gia tăng. “Chẳng hạn, một số hoạt chất đã được châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đưa vào diện cấm, trong khi ở Việt Nam vẫn được phép sử dụng là không nên”, ông cho biết.
Rõ ràng, Việt Nam vẫn còn sản phẩm có cơ hội gia nhập “câu lạc bộ” tỉ đô như sầu riêng, dừa, nhưng không phải là chuyện dễ, trong đó, vấn đề các vấn đề an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị…, cần phải được chú trọng nhiều hơn.