Kỹ thuật ép 'Cúc' không ngủ ở thủ phủ hoa tết Quảng Ngãi

Đêm về, hàng trăm nghìn chậu hoa cúc ở 'thủ phủ' hoa xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được đánh thức bởi ánh sáng của hàng nghìn bóng đèn điện. Đây là một kĩ thuật phổ biến của người trồng hoa, nhằm biến đêm thành ngày để hoa nở đúng thời điểm Tết Nguyên đán.

Thời điểm này, người dân ở “thủ phủ” trồng hoa ở Quảng Ngãi đang bước vào cao điểm vụ hoa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với cảnh cánh đồng sáng choang khi người nông dân chiếu bóng điện cho hoa cúc... việc chong đèn thâu đêm để “đánh thức”, không cho hoa cúc “ngủ”. Từ 18h hàng ngày, các làng hoa bắt đầu lên đèn lung linh.

Đến với “thủ phủ” hoa cúc ở xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa) vào ban đêm, nhiều người không khỏi thích thú trước khung cảnh lung linh, sáng rực với hàng ngàn ngọn đèn điện cùng lúc được thắp sáng trên những ruộng hoa. Nhìn từ xa, cánh đồng hoa nổi bật trên nền trời tối tăm với những thửa ruộng rực rỡ.

Việc chong đèn trên những ruộng hoa không phải để xua đi bóng tối như ở chốn thị thành, cũng không phải để sưởi ấm mà đây là một trong những kỹ thuật cần thiết được người trồng hoa cúc ở Quảng Ngãi áp dụng để cho cây hoa phát triển nhanh hơn.

Anh Phạm Quốc Duy (trú xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) cho biết, trước khi cúc đơm nụ, để cúc phát triển, người trồng cúc phải cho chúng “ăn” đèn điện xuyên đêm. “Việc thắp đèn điện để biến đêm thành ngày nhằm kích thích cây hoa tiếp tục sinh trưởng vào buổi tối, giúp cây nhanh phát triển. Hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp để lớn lên, cây cúc sẽ cao lớn hơn, thân thẳng và sẽ nở đúng thời điểm Tết Nguyên đán”, anh Duy chia sẻ.

Theo một số người trồng hoa, nếu trồng hoa thông thường không dùng điện thì ngọn sẽ chùn, không vươn cao được, cây hoa chỉ cao khoảng 40cm và sẽ nở rất sớm, không đúng ý định của người trồng. Nhưng khi được “nuôi” bằng đèn điện thì cây hoa có thể cao 70 - 80cm, bông hoa to, cánh dày, màu sắc rực rỡ hơn.

Để điều tiết sinh trưởng cho hoa cúc, họ sử dụng các bóng đèn huỳnh quang loại nhỏ công suất từ 15 đến 20W. Cứ mỗi luống hoa (3 hàng chậu/luống), người dân thắp sáng bằng 5- 6 chiếc đèn điện. Cứ cách 2m treo 1 bóng, các bóng điện được treo cách những chậu hoa khoảng 1m. Việc thắp sáng cho hoa bắt đầu thông thường khoảng từ 18h - 5h sáng hôm sau.

Bà Lê Thị Vỹ (trú xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) cho hay, năm nay thời tiết thuận lợi, vườn hoa phát triển tốt, cây cao, thân thẳng và ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, người trồng hoa không còn tâm lý e dè vì dịch bệnh COVID-19, năm nay, nhiều nhà vườn đã mạnh dạn tăng sản lượng, có vườn tăng gấp đôi. Một số hộ, đầu tư lớn, trồng cả vài nghìn chậu.

Theo chính quyền địa phương, dự kiến sức mua tăng cao nên nhiều nông dân đã mạnh dạn mở rộng sản xuất. Sản lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2023 ở xã Nghĩa Hiệp dự kiến tăng 1,5 lần so với năm trước.

Làng hoa xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) được xem là “thủ phủ” hoa cúc Tết ở Quảng Ngãi. Hằng năm, cung cấp hàng trăm nghìn chậu hoa cho thị trường Tết khắp các tỉnh, thành miền Trung.

Tuy việc trồng hoa cúc nhiều bấp bênh, ăn may theo thời tiết nhưng chưa khi nào người trồng bớt hy vọng một mùa hoa bội thu. Mỗi năm một mùa hoa Tết, nếu thắng lợi, khoản lợi nhuận thu được có thể dành dụm để lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống.

Lung linh "thủ phủ" hoa tết ở Quảng Ngãi về đêm.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-thuat-ep-cuc-khong-ngu-o-thu-phu-hoa-tet-quang-ngai-post1488814.tpo