Kỷ luật cán bộ về hưu: Ốm yếu, bệnh nặng thì xử lý thế nào?
Đa số ý kiến tán thành tính cần thiết của quy định xử lý kỷ luật cán bộ về hưu, song cũng có đại biểu đặt vấn đề nếu người đó ốm yếu, bệnh nặng thì xử lý thế nào.
Chiều 10/6, Quốc hội có phiên thảo luận chung về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Nội dung mới về việc xử lý kỷ luật với cán bộ đã nghỉ hưu được nhiều đại biểu Quốc hội tham gia góp ý kiến.
Nữ đại biểu Hưng Yên Nguyễn Thị Phúc nhấn mạnh việc kỷ luật không vùng cấm là chế tài nghiêm khắc nhằm đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, loại bỏ cán bộ suy thoái, làm trong sạch đội ngũ.
Bà đề nghị Chính phủ cân nhắc, khắc phục một số bất cập. Ví dụ, những văn bản quyết định mang tính pháp lý có chữ ký của cán bộ trong thời gian công tác trước đây, sau khi bị kỷ luật còn hiệu lực không. Quy định thế nào để tránh thiệt hại cho người chịu tác động bởi văn bản đó. Nếu cán bộ đó ốm yếu, bệnh nặng không thể tham gia việc xử lý kỷ luật thì ra sao...
Phân tích dưới góc độ pháp lý, đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu là xử lý hồi tố. Ông đề nghị cân nhắc luật hóa hình thức kỷ luật này, vì thực chất chỉ là “xóa cái danh” của cán bộ, công chức đó.
Ông cũng cho rằng cần xử lý cả về các chế độ, chính sách (hệ số phụ cấp, thưởng...) mà cán bộ, công chức được hưởng nếu họ bị “xóa tư cách”, chức vụ. Ngoài ra, đại biểu Nghệ An phân tích nếu luật hóa thì đồng nghĩa với các quyết định, văn bản của cán bộ đó ký không còn hiệu lực.
Đồng tình, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đề nghị ngoài hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách thì trong luật nên có thêm hình thức như cắt, tước bỏ các quyền lợi về chính trị, vật chất mà cán bộ, công chức đang được hưởng.
“Như vậy tác dụng của việc răn đe sẽ thiết thực hơn”, nữ đại biểu nói.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) góp ý luật chỉ nên nhắm vào việc xóa tư cách là người có chức vụ, còn với công chức thường thì “không có gì để xóa”.