Kỳ II: Những rào cản 'kìm hãm' đầu ra

PTĐT - Mặc dù đã có những bước tiến khả quan trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản song thực tế hiện nay, quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ...

Thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn của trang trại ông Bùi Đức Luận, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao được cấp chứng chỉ an toàn, bước đầu có mặt tại một số siêu thị và cửa hàng tiện ích, song, để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài nội tỉnh thì cần có sự liên kết giữa các hộ để có thị trường ổn định, bền vững.

PTĐT - Mặc dù đã có những bước tiến khả quan trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản song thực tế hiện nay, quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm của tỉnh vẫn còn có những hạn chế và chưa thực sự bền vững. Nhiều địa phương với những đặc sản vùng miền vẫn chưa được nhiều người biết đến, hoặc có biết đến nhưng khó có cơ hội đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng khi thiếu sự liên kết trong lưu thông, phân phối.

>>> Kỳ I: Kết nối cung cầu - hướng tiêu thụ hàng hóa nông sản
Vấn đề tiêu thụ nông sản lâu nay vẫn luôn là nỗi trăn trở của nhiều người, từ nhà quản lý cho tới bà con nông dân. Vậy, nguyên nhân nào khiến cho việc tiêu thụ nông sản gặp khó? Đề cập đến những khó khăn trong tạo dựng chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nhiều địa phương mặc dù có mô hình sản xuất sản phẩm tốt, chất lượng có thể cạnh tranh nhưng rất khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp bán lẻ, nguyên nhân là do sản xuất quy mô quá nhỏ nên rất khó khăn trong việc liên kết với các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, trong khi các hộ sản xuất rất thiếu về công nghệ, vốn và thị trường đang rất mong muốn được kết nối với các nhà phân phối thì các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp liên kết lại rất thiếu thông tin về các vùng sản xuất để có thể liên kết được với những hộ sản xuất. Nhà sản xuất, các doanh nghiệp cùng thiếu thông tin cũng như các chính sách hỗ trợ cho việc liên kết, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong khi người tiêu dùng luôn rất cần có những sản phẩm nông sản tốt. Để đạt được giá trị và hiệu quả kinh tế cao nhất thì sản phẩm nông sản phải được đưa vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị bán lẻ hiện đại. Để có thể đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại đó, các nhà sản xuất hàng hóa nông sản cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hồ sơ (đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, báo giá, hàng mẫu...). Căn cứ trên các thông tin này, phía hệ thống bán lẻ sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm định sản phẩm và đánh giá đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cung ứng hàng hóa vào siêu thị hay không. Với những điều kiện này, quả thực là những trở ngại lớn cho các nhà sản xuất hiện nay, bởi đại đa số các hộ sản xuất, HTX đều hoạt động quy mô nhỏ lẻ, “lỡ cỡ”. Vì thế, sản phẩm vẫn chủ yếu bán cho thương lái bán lẻ ra thị trường còn những đơn đặt hàng lớn của một số siêu thị, nhà máy thì không đủ khả năng đáp ứng về số lượng để cung cấp lâu dài nên đành bỏ lỡ cơ hội trong việc xâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại. Thực tế hiện nay, việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất của tỉnh còn rất hạn chế; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn chưa nhiều, chưa gắn được với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Số lượng và chất lượng đều chưa thể đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối. Đặc biệt, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, hữu cơ; tỷ lệ truy xuất nguồn gốc… còn thấp. Đa phần các sản phẩm nông sản ở các địa phương hiện nay vẫn trong tình trạng mạnh ai nấy làm, dù là vùng sản xuất tập trung hay các làng nghề, sản xuất chưa theo hướng hàng hóa, chưa xây dựng được liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc, khó đáp ứng tiêu chí xuất xứ và tiêu thụ theo hướng thương mại hiện đại. Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng NN và PTNT huyện Đoan Hùng chia sẻ: Bà con nông dân vẫn chưa thoát ra khỏi tư tưởng trồng trọt, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ; hễ nghe, hễ thấy trồng trọt, chăn nuôi loại gì có giá là hăng hái trồng và nuôi ngay, trong khi chưa tìm hiểu kỹ nhiều vấn đề, đặc biệt là không tính đến thị trường tiêu thụ, không dự báo trước giá cả sẽ ra sao khi đua nhau trồng ồ ạt. Thêm nữa, bà con cũng chưa thật sự thay đổi tư duy, mạnh dạn nghĩ đến việc đưa sản phẩm của mình vượt ra khỏi ranh giới “ao làng”. Đây cũng là tình trạng chung của nông dân các địa phương trong tỉnh, để rồi khi mỗi sản phẩm làm ra, bà con lại lo lắng về giá và tiêu thụ bằng cách nào. Trăn trở về vấn đề này, ông Bùi Đức Tuyển - Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc, xã Xuân Áng (huyện Hạ Hòa) cho biết: Sản xuất ra sản phẩm an toàn phải có quy mô lớn, đầu tư nhiều vốn, đòi hỏi phải có trình độ quản lý, trong khi yêu cầu của hệ thống bán lẻ hiện đại lại rất cao. Một vấn đề khác là hiện nay sự chênh lệch giá bán giữa sản phẩm an toàn và sản phẩm thông thường không nhiều, trong khi đầu tư cho sản xuất an toàn cao hơn so với sản xuất thông thường, nên không khuyến khích được người nông dân mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích canh tác, vì thế, việc tìm đầu ra cho nông sản đã khó lại càng khó.Trao đổi với đại diện Siêu thị Co.opmart được biết, tiêu chuẩn duy nhất của Co.opmart đối với các nhà cung cấp đó là phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, tuân thủ các quy định riêng của đơn vị về chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Với hệ thống bán lẻ hiện đại, vấn đề đáp ứng cả về số lượng và chất lượng là hai nhiệm vụ bắt buộc nhà sản xuất, hay doanh nghiệp liên kết phải thực hiện một cách nghiêm túc.

Cuối năm 2019, HTX bưởi Xuân Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập được thành lập với tổng số 13 hộ tham gia và được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản hỗ trợ xây dựng thương hiệu, dán tem nhãn để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, người trồng bưởi cần tiếp tục quan tâm để nâng cao mẫu mã, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm.- Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Nên, Giám đốc HTX cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm đã khó, song khi kết nối được rồi lại xảy ra tình trạng, việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài không bền vững. Hiện nay, nhiều HTX chưa thể đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nên đầu ra chủ yếu là do người dân tự tìm kiếm hoặc thương lái đến tận nơi thu mua. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau là do hợp đồng liên kết chưa ổn định và dài hạn. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ với số lượng lớn nhưng chưa hướng dẫn, tư vấn cụ thể cho người dân nên trồng loại gì, thời gian trồng ra sao cho hợp lý. Nói một cách khác, giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Ông Bùi Xuân Trường - chủ một cơ sở sản xuất gà giống, gà thịt ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho biết: Gia đình chăn nuôi với quy mô lớn lại tự tìm thị trường, chủ yếu qua thương lái nên giá thành không ổn định, lợi nhuận thấp. Vì vậy, tôi đã vận động một số hộ chăn nuôi trong xã và các xã lân cận cùng thành lập tổ hợp tác, ký kết hợp đồng với đơn vị bao tiêu ổn định. Song kết quả không như mong muốn, bởi khi thấy giá thị trường đẩy lên cao, các thành viên đã tranh thủ bán cho thương lái, dẫn đến không cung cấp đủ số lượng như đã cam kết, nên đơn vị bao tiêu đã hủy hợp đồng.Theo một số doanh nghiệp, khi tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, doanh nghiệp muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tuy nhiên, trong một số trường hợp, người dân đã tự ý phá vỡ hợp đồng, bán cho thương lái, gây tổn thất, khó khăn cho doanh nghiệp.Một vấn đề nữa cần được quan tâm đó là chất lượng sản phẩm nông sản. Đây cũng là một rào cản lớn trong việc ổn định và mở rộng thị trường cho sản phẩm. Đất nước phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, hướng đến việc tiêu dùng an toàn cho sức khỏe. Do đó, nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Theo đánh giá qua thực tế của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cho thấy, ý thức về nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm của nhiều chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa cao, trong khi công tác quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm của nông sản còn hạn chế nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. “Ranh giới” mong manh giữa nông sản an toàn và sản phẩm không bảo đảm cũng đang là một thách thức đối với sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Với những khó khăn đó, việc tìm giải pháp để tạo điều kiện cho chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản phát triển là vấn đề quan trọng hiện nay nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, cho doanh nghiệp, nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng. Để “khơi thông” được dòng chảy cho sản phẩm nông sản, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ các bên liên quan.

Kỳ III: Khơi thông “dòng chảy” hàng hóa nông sản

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202002/ky-ii-nhung-rao-can-kim-ham-dau-ra-169246