Kỳ II: Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, nhiều vùng được giải phóng

PTĐT - Tương quan lực lượng trên chiến trường về mặt chiến lược lúc này nghiêng hẳn về phía cách mạng miền Nam. Lực lượng chiến lược ngụy suy yếu nghiêm trọng, đang tan rã lớn. Khả năng trước mắt của địch không đủ sức phản kích chiếm lại Tây Nguyên, mà chủ yếu co cụm, lập phòng tuyến ngăn chặn ta, trọng điểm là khu vực Nha Trang, Cam Ranh để giữ an ninh vùng Sài Gòn - Gia Định và đồng bằng Sông Cửu Long.

Pháo binh và xe tăng quân giải phóng trên đường hành quân vào giải phóng Quy Nhơn. Ảnh tư liệu

Pháo binh và xe tăng quân giải phóng trên đường hành quân vào giải phóng Quy Nhơn. Ảnh tư liệu

>>> Kỳ I: Buôn Ma Thuột - đòn điểm trúng huyệt và cuộc truy kích thần tốc trên đường số 7
Địch vội vã rút lực lượng dự bị chiến lược Trị - Thiên, ném lữ đoàn 3 dù xuống khu vực đèo Ma Đrắc hiểm trở, lập lá chắn ngăn chặn lực lượng ta từ Tây Nguyên tràn xuống đồng bằng. Nhưng âm mưu và thủ đoạn địch diễn ra trong bối cảnh quân chủ lực, địa phương ngụy đang mất tinh thần và tan rã; ngụy quyền Trung ương đang hoang mang cực độ, cắn xé lẫn nhau, tiềm lực chiến tranh sút kém... Bộ đội Tây Nguyên sung sức, bám sát địch. Ngày 21 tháng 3, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ bổ sung chiến dịch Tây Nguyên cho các đơn vị chủ lực mặt trận: “Tiếp tục phát triển chiến đấu trên 3 trục đường 19, 7, 21, giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa, phối hợp với sư đoàn 3 Quân khu 5 giải phóng Bình Định. Mục tiêu chủ yếu tiêu diệt lữ dù 3, trung đoàn 40 ở Khanh Dương, Phượng Hoàng và tiến xuống chiếm lĩnh Nha Trang, Cam Ranh”.Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên nhanh chóng tổ chức lực lượng phát triển tiến công trên 3 hướng xuống các tỉnh đồng bằng Nam Trung Bộ. Ngày 29 tháng 3, các chiến sĩ trung đoàn 19 sư đoàn 968 và trung đoàn 95A tiến xuống Bình Định hợp điểm với sư đoàn 3 Quân khu 5. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, sư đoàn 968 cùng với sư đoàn 3 tiến công địch ở khu vực Thủ Thiên, Lai Nghi, Phú Phong, Bình Khê, hỗ trợ đắc lực cho nhân dân Bình Định nổi dậy giành quyền làm chủ. Sáng ngày 30, sư đoàn 3 tiếp tục tiến công các cụm quân địch còn lại ở Lai Nghi, Phú Xuân, Phú Hòa 2 và chốt đường rút lui của địch về Quy Nhơn. Trung đoàn 2 sư đoàn 3 đánh chiếm ga Diêu Trì và Sở chỉ huy sư đoàn 22 ngụy ở An Sơn. Phối hợp với sư đoàn 3, các chiến sĩ trung đoàn 19 sư đoàn 968 đánh chiếm núi Trà Lam Sơn (Tây Gò Quánh) diệt tiểu đoàn 3 trung đoàn 40 ngụy. Các chiến sĩ trung đoàn 95A đánh địch ở Phú Phong, lăng Mai Xuân Thưởng 9 giờ ngày 31 tháng 3, thị trấn Đập Đá được giải phóng. Các quận lỵ phía Tây Bình Định như An Túc, Bình Khê và phía Bắc Bình Định như Tam Quan, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phú Mỹ đều được giải phóng...Ngày 1 tháng 4, trung đoàn 19 sư đoàn 968 đánh chiếm và làm chủ sân bay Gò Quánh. Trung đoàn 47 ngụy chiếm giữ Gò Quánh bị ta tiêu diệt.Qua 3 ngày tiến công, sư đoàn 3, sư đoàn 968 và trung đoàn 95A đã tiêu diệt sư đoàn 22 ngụy, đây là sư đoàn chủ lực cuối cùng của Quân đoàn 2 ngụy đã bị xóa sổ.Thừa thắng 13 giờ ngày 31 tháng 3, quân và dân Bình Định tiến công thị xã Quy Nhơn, 16 giờ ngày 1 tháng 4 Quy Nhơn được giải phóng.Cùng lúc các chiến sĩ tiểu đoàn 2, trung đoàn 95A vượt biển đánh chiếm và giải phóng các đảo Hòn Tre, Cù Lao Thu. Ngày 31 tháng 3 được dân quân du kích đưa đường, phối hợp chiến đấu, tiểu đoàn 9 trung đoàn 64 tiến công cứ điểm Hòn Một; tiểu đoàn 8 đánh chiếm đoạn đường số 1 từ Phú Khê đến cầu ván Hòa Khê.Ở phía Bắc Phú Yên, bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh chiếm cầu Ngân Sơn, cắt đoạn đường quốc lộ 1 ở phía Nam Tuy An không cho địch dồn về thị xã tạo điều kiện cho chủ lực tiến công Tuy Hòa. Các chiến sĩ trung đoàn 48, trung đoàn 9 khẩn trương triển khai lực lượng tiến công địch ở thị xã Tuy Hòa.5 giờ ngày 1 tháng 4, các mũi tiến công của sư đoàn 320 bắt đầu đánh chiếm Tuy Hòa. Cán bộ, chiến sĩ sư đoàn quyết tâm “vây chặt, đánh nhanh, diệt gọn”. Sau 45 phút nổ súng các chiến sĩ tiểu đoàn 4 chiếm Ngã Năm, khống chế đường Trần Hưng Đạo, trung tâm thị xã.Cùng lúc ở phía Bắc, các chiến sĩ trung đoàn 48 đánh chiếm căn cứ Chóp Chài, phát triển thành hai mũi dọc đường số 1 và ven biển, tiến công sân bay Đông Tác; một bộ phận trung đoàn 64 vượt sông Đà Rằng đánh vào sân bay, phối hợp với trung đoàn 48. 6 giờ 30 phút, trung đoàn 48 chiếm ty cảnh sát, tiểu khu Phú Yên. Từ hướng Nam, trung đoàn 64 tiến công quận lỵ Phú Lâm, cầu Bàn Thạch. Tiểu đoàn 96 và đại đội 26 đặc công tỉnh đánh chiếm cứ điểm núi Sầm, Quy Hậu, Phước Khánh. Tiểu đoàn 9 trung đoàn 64 và tiểu đoàn 13 bộ đội địa phương diệt địch ở Hòa Hiệp, tiến về bịt chặt phía Đông sân bay.Trên các hướng, các mũi tiến công của ta phát triển nhịp nhàng, chặt chẽ, chói chặt địch trong thị xã và sân bay. Trên biển và sân bay Đông Tác, cuộc truy kích diễn ra phức tạp và ác liệt. Địch cướp thuyền cá chạy ra khơi lên tàu tẩu thoát. Được bà con ngư dân giúp đỡ, các chiến sĩ Sư đoàn 320 dùng thuyền đuổi địch. Trên bờ, súng cối ta bắn chặn, không còn đường thoát, địch phải kéo cờ trắng đầu hàng. Trận tiến công của sư đoàn 320 kết thúc thắng lợi. Toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương ngụy bị tiêu diệt, bị bắt sống và tan rã. Thị xã Tuy Hòa ngày đầu giải phóng đỏ rực màu cờ và màu hoa phượng vĩ. Nhân dân phấn khởi đổ ra hai ven đường hoan hô cách mạng và quân giải phóng trong niềm vui bất tận…Trước nguy cơ Nha Trang, Cam Ranh bị mất, ngày 20/3, địch phải ném Lữ dù 3 là lực lượng tổng dự bị chiến lược trên đèo Phượng Hoàng- Ma Đrắc lập tuyến phòng thủ ngăn chặn ta từ xa. Về phía ta, sau khi Trung đoàn 40 ngụy bị tiêu diệt ở Khánh Dương, sư đoàn 10 được lệnh tiến công Lữ dù số 3 ở đèo Phượng Hoàng- Ma Đrắc. Sáng 30/3, Trung đoàn 24 bí mật tiếp cận Chỉ huy lữ đoàn dù số 3 ở Công Chánh, đêm đó đoàn cán bộ trinh sát đã xác định rõ mục tiêu, hoàn chỉnh quyết tâm chiến đấu. Từ ngày 31/3, cuộc chiến đấu của Trung đoàn 24 với lực lượng của địch diễn ra vô cùng ác liệt. Nhưng với ý chí và dũng cảm kiên cường, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của quân ta đã chiếm lĩnh được trận địa, bao vây tiến công địch và đánh lui các đợt phản công dữ dội của địch, góp phần đập tan cánh cửa sắt ở đèo Phượng Hoàng- Ma Đrắc. Đến 9h ngày 1/4 , lá cờ nửa đỏ, nửa xanh của quân giải phóng được kéo lên đỉnh cột cờ, báo hiệu một căn cứ lớn huấn luyện của địch đã được giải phóng, lúc 13h, tiểu đoàn 6 (trung đoàn 24) và tiểu đoàn 3 (trung đoàn 28) làm chủ hoàn toàn căn cứ Dục Mỹ. Đứng trước thời cơ thuận lợi Bộ tư lệnh sư đoàn 10 giao nhiệm vụ cho trung đoàn 24 tiến công giải phóng quận lỵ Ninh Hòa ngay trong ngày 2/4. Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu trong đêm ngày 1/4 rạng sáng ngày 2/4 các lực lượng của trung đoàn 24 đã cơ động áp sáp quận lỵ Ninh Hòa, nhưng lúc 8 giờ sáng ngày 2/4 địch đã chạy rút về Nha Trang, tại đây lực lượng vũ trang địa phương đã phát động nhân dân nổi dậy diệt nốt những tên địch ngoan cố giành quyền làm chủ rồi đứng 2 bên đường vẫy cờ hoa mừng đón bộ đội giải phóng.Thừa thắng lực lượng binh chủng hợp thành gồm tiểu đoàn 3 (trung đoàn 28) đại đội 11 (tiểu đoàn 6) và lực lượng xe tăng, pháo cao xạ đã kịp thời truy kích địch dọc theo đường số 1 và tiến vào thành phố Nha Trang lúc 17 giờ; sau khi quân ta diệt nốt những ổ đề kháng cuối cùng của địch tình hình thành phố lúc này rất hỗn loạn bọn ngụy quân, ngụy quyền ở đây đang di tản vợ con tranh cướp, bắn giết lẫn nhau, giành phương tiện xe cộ, tàu thuyền, tiền bạc của cải… Sau khi làm chủ thành phố các chiến sĩ trung đoàn 24 nhanh chóng tuyên truyền vận động hướng dẫn nhân dân thực hiện những chính sách của cách mạng, bộ đội đi đến đâu tình hình an ninh trật tự được lập lại đến đó, nhân dân thành phố reo mừng tặng hoa, tặng quà vẫy chào các chiến sĩ giải phóng quân, cả thành phố rực rỡ cờ hoa đón mừng ngày vui giải phóng.Đêm ngày 3 tháng 4 nhận thấy thời cơ vô cùng thuận lợi để tiến công giải phóng Cam Ranh, trung đoàn 24 cơ động bằng cơ giới phát triển dọc theo đường số 1 về phía Nam, mặc cho máy bay địch quần đảo ném bom và các đồn bốt địch hai bên đường bắn chặn, trung đoàn vẫn tiến công với tốc độ cao, trước sự tiến công dũng mãnh của các chiến sĩ trung đoàn Trung Dũng bọn địch ở Cam Ranh vô cùng hoảng sợ nhanh chóng tan vỡ, chúng cởi bỏ mũ áo vác súng xin hàng. Được nhân dân địa phương giúp đỡ dẫn đường chỉ mục tiêu xe tăng thiết giáp, pháo cao xạ hạ thấp nòng bắn thẳng vào các tàu địch cứu hàng vạn dân thoát khỏi cảnh bị xô đẩy, cưỡng ép di tản, đến 14 giờ ngày 3 tháng 4 quân cảng Cam Ranh hoàn toàn giải phóng, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng.Kim Khoa - Đắc Sinh
(Ban liên lạc Binh đoàn Tây Nguyên Phú Thọ)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202003/ky-ii-chien-dich-tay-nguyen-toan-thang-nhieu-vung-duoc-giai-phong-169921