Kỳ cuối: Tương lai của chính quyền số

Trong trường hợp xảy ra thảm họa, việc số hóa chính quyền kịp thời sẽ giúp bộ máy trung ương có nhiều lựa chọn hơn trong cách ra quyết định đồng thời bảo đảm chức năng quản lý được duy trì.

Vệ tinh trên bầu trời

Bài viết nhan đề "Câu chuyện của starlink ở Ukraine" do Amazon Web Services - mảng kinh doanh DV web của Tập đoàn Amazon đăng tải mới đây - đã "vén màn" phần nào bức tranh ứng phó với thảm họa thông qua việc số hóa của chính quyền.

Starlink (hiện đang được Công ty công nghệ Mỹ SpaceX của tỷ phú Elon Musk xây dựng) là mạng lưới tập hợp các vệ tinh nhỏ được phóng lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất, hoạt động kết hợp với các máy thu phát mặt đất để cung cấp DV truy cập Internet cho người dùng, phòng khi hạ tầng viễn thông mặt đất bị ảnh hưởng do thảm họa thiên tai lẫn con người.

Chính starlink đã cung cấp khả năng truy cập Internet vệ tinh giúp Ukraine xây dựng lại, bảo đảm tính liên tục của các DV công và những DV thiết yếu là chức năng của chính phủ khi xảy ra xung đột quân sự với Nga. Ngay sau khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính quyền Kiev đã duy trì thành công việc cung cấp DV dân sự bằng cách hành động nhanh chóng để đưa cơ sở hạ tầng kỹ thuật số lên DV đám mây công cộng (public cloud), nơi dữ liệu của công dân Ukraine được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu số trên khắp Châu Âu. Mục tiêu của họ là nhằm tránh sự phá hủy và truy cập vô tình hoặc cố ý từ các thế lực nước ngoài. Nhờ public cloud, Ukraine mới có thể duy trì quyền truy cập và kiểm soát các chức năng quan trọng đối với hoạt động quản lý công, chẳng hạn như đăng ký đất đai...

Hệ thống vệ tinh starlink nằm ở quỹ đạo tầm thấp của trái đất cung ứng dịch vụ Internet

Bằng cách sử dụng các thiết bị lưu trữ và tính toán chắc chắn, họ bắt đầu quá trình tải dữ liệu lên đám mây trong bối cảnh dữ liệu đã được lưu trữ trước đó ở các máy chủ đặt trong nước. Thông thường sẽ phải mất hàng tháng để chuyển số dữ liệu này sang các trung tâm lưu trữ số khác, nhưng với các thiết bị trên (DV đám mây điện tử), không cần Internet, việc chuyển dữ liệu diễn ra chỉ trong vài ngày.

Nhiều tổ chức phi chính phủ - như trường đại học, ngân hàng, đài truyền hình, các tổ chức quan trọng về cơ sở hạ tầng của Ukraine - cũng đã chuyển sang các nhà cung cấp DV đám mây để "di chuyển" dữ liệu của họ sang cloud như phương tiện cho phép họ duy trì kinh doanh và cung ứng DV liên tục khi chiến tranh xảy ra.

Điện toán đám mây cũng đang được sử dụng để giúp người dân Ukraine có điều kiện học tập từ xa, giám sát chất lượng không khí - cụ thể là mức độ bức xạ xung quanh các nhà máy điện hạt nhân gần nơi xảy ra xung đột. Bài học của Ukraine trong việc xây dựng CQS giữa bối cảnh chiến tranh ngày nay cho thấy mạng truyền thông rất quan trọng trong việc lập kế hoạch hoạt động, quản lý tài nguyên, truy cập thông tin và liên hệ với những công dân có thể đang gặp nguy hiểm.

Việc thiết lập lại kết nối mạng cho phép các cơ quan chính phủ và những nhóm cứu trợ nhanh chóng thu thập, phân tích dữ liệu để đưa ra biện pháp tốt nhất nhằm triển khai, chỉ đạo, phân phối tài nguyên như thức ăn, nước uống và chỗ ở hiệu quả, an toàn, công bằng nhất cho những người cần.

Chính phủ số vì một tương lai bền vững

Báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định, cuộc cách mạng KTS đã mở ra những cơ hội gần như không thể tưởng tượng được cho sự phát triển bền vững. Theo ước tính, nền kinh tế KTS toàn cầu dự kiến đạt 25 nghìn tỷ USD trong vòng 5-6 năm tới và đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Ngày càng có nhiều quốc gia tăng cường khuôn khổ thể chế và pháp lý để phát triển chính phủ điện tử. Báo cáo của LHQ nhận định, sự mở rộng đáng chú ý nhất trong việc cung cấp DV trực tuyến nằm ở lĩnh vực bảo trợ xã hội; số nước có cổng thông tin điện tử quốc gia cho phép người dùng nộp đơn xin phúc lợi như chăm sóc thai sản, trợ cấp trẻ em, lương hưu, trợ cấp nhà ở và thực phẩm đã tăng 17% từ năm 2020. Số nước cung cấp cổng thông tin quốc gia điện tử tại ít nhất 1 trong số 22 DV trực tuyến được đánh giá theo khảo sát năm 2022 đã tăng 16,7% trên toàn cầu và 61% quốc gia thành viên của LHQ cung cấp hơn 16 DV.

Cũng theo báo cáo, có một xu hướng rõ ràng hướng tới việc số hóa hoàn toàn các DV của chính phủ, điều này sẽ mang lại cho người dùng khả năng hoàn thành hầu như tất cả các loại giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, hiện tại nhiều quốc gia sử dụng cổng thông tin của mình để cung cấp thông tin và chỉ hướng đến các DV được số hóa một phần, trong đó công dân cần phải có mặt trực tiếp tại các văn phòng chính phủ để hoàn thành hầu hết giao dịch.

Bất chấp sự đầu tư vào công nghệ và những thành tựu phát triển đạt được ở nhiều quốc gia, khoảng cách số vẫn tồn tại. Những thách thức hiện nay tiếp tục làm suy yếu nỗ lực phát triển của các quốc gia trong hoàn cảnh đặc biệt, nhất là những nước kém phát triển nhất (LDC). Ví dụ, ở Châu Phi, chi phí thuê bao băng thông rộng di động tính theo tỉ lệ phần trăm trong tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người vẫn rất cao xét về mặt tương đối. Khảo sát năm 2022 chỉ ra rằng, khoảng 45% tổng dân số của các quốc gia thành viên LHQ (3,5 tỷ người) vẫn tụt hậu trong cuộc đua CĐS.

Dù vẫn còn một số bất cập, số hóa chính quyền là nhu cầu cấp thiết không thể đảo ngược, là tương lai của một XH số. Nắm bắt được xu hướng này là cách giúp chúng ta chủ động hội nhập với quy chuẩn quản lý toàn cầu.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-cuoi-tuong-lai-cua-chinh-quyen-so_155132.html