Kỳ cuối: Cơ chế đặc thù là 'đòn bẩy' để cất cánh

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ (BTB&DHTB) có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là 14/14 địa phương trong vùng đều có biển. Vì vậy, theo Hội đồng vùng BTB&DHTB, để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng cần rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng.

Bứt phá từ kinh tế biển

Vùng BTB&DHTB là mặt tiền biển của Việt Nam, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành) với chiều dài đường bờ biển gần 1.900km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển.

Theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 về Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2050 là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi...

Mục tiêu đến 2050, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là vùng đi đầu của cả nước về kinh tế biển (trong ảnh, vịnh biển Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp của thế giới).

Mục tiêu đến 2050, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là vùng đi đầu của cả nước về kinh tế biển (trong ảnh, vịnh biển Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp của thế giới).

Những năm gần đây, hệ thống cảng biển của các địa phương trong vùng BTB&BDHTB đã được đầu tư cải tạo và nâng cấp để tăng năng lực bốc xếp hàng hóa. Điển hình, cảng biển tổng hợp Chân Mây ở KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) sau khi được mở rộng, nâng cấp ngày càng thu hút nhiều tàu hàng, tàu du lịch hạng sang của các hãng tàu vận tải lớn trong nước và quốc tế. Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây cho biết, trong năm 2024, số lượng tàu du lịch (mỗi du thuyền chở hàng ngàn hành khách quốc tế và thuyền viên) cập cảng Chân Mây dự kiến tăng hơn gấp đôi so với năm 2023. Cùng với đó, lượng du khách quốc tế đến Huế và các tỉnh, thành lân cận như: Đà Nẵng, Quảng Nam… sẽ tăng mạnh.

Tương tự, khách du lịch tàu biển được xem là thị trường khách quốc tế quan trọng của du lịch Đà Nẵng bởi mỗi chuyến tàu cập cảng thường chở số lượng lên đến hàng ngàn người. Qua đó, các địa phương ở miền Trung sẽ khai thác thêm các tour, tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu cao của dòng khách hạng sang, qua đó nâng tỷ lệ thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách...

Tuy nhiên theo đánh giá của Hội đồng điều phối vùng BTB&DHTB, bên cạnh những kết quả mà vùng đạt được thời gian qua vẫn còn một số khó khăn về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa... Việc phát triển kinh tế biển của một số địa phương trong vùng BTB&DHTB chưa tương xứng với tiềm năng. Thiếu doanh nghiệp công nghệ hiện đại, tiên tiến, doanh nghiệp công nghiệp thượng nguồn ở các khu vực ven biển để làm đầu tầu, hạt nhân thúc đẩy lan tỏa thu hút quần tụ và liên kết các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hợp tác với nhau. Hầu hết tại các khu vực ven biển chưa hình thành được mạng lưới liên kết doanh nghiệp trong các ngành nghề liên quan với nhau và liên kết ở phạm vi liên tỉnh…

Cần cơ chế, chính sách đặc thù…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng là rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng. Hiện nay, vùng BTB&DHTB có 5/14 tỉnh, thành đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đất đai; phát triển các KKT; phát triển kinh tế biển…

Là địa phương được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, sau hơn 1 năm triển khai, Thừa Thiên Huế đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến địa phương. Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2022, Nghị quyết số 38 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức có hiệu lực như nâng hạn mức dư nợ vay từ 20% số thu ngân sách được hưởng lên 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các DA ODA đang triển khai và thực hiện thêm một số DA vay mới quan trọng trên địa bàn…

Để tận dụng một số chính sách đặc thù; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây nhằm tăng cường hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, góp phần tăng lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây. Tỉnh cũng đã thành lập và xây dựng quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế để huy động nguồn lực trong bảo tồn di sản, phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn… Việc vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh lên thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Hội đồng điều phối vùng BTB&DHTB cho biết, qua rà soát lấy ý kiến, các địa phương trong vùng kiến nghị sự cần thiết xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các ngành kinh tế biển như: phân cấp cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng KCN (Thanh Hóa, Nghệ An); thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá của vùng (Thanh Hóa); chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo của vùng (Nghệ An); hỗ trợ phát triển các khu du lịch Quốc gia trong vùng (Nghệ An); Cơ chế đặc thù phát triển năng lượng tái tạo gắn với phát triển kinh tế biển (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); bổ sung, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của cơ cấu điều phối vùng; hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, tạo hành lang pháp lý, có các giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển (Thừa Thiên Huế); cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế biển: chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, sử dụng đất, mặt nước, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đầu tư xây dựng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá (Ninh Thuận)…

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn Quy hoạch vùng BTB&DHTB mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất nghiên cứu, cho phép các địa phương trong vùng được phát hành “trái phiếu chính quyền địa phương” để đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương huy động vốn trái phiếu đầu tư các DA trọng điểm của vùng. Đồng thời, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các DA liên vùng kết nối.

Không chỉ là câu chuyện thí điểm thành lập khu thương mại tự do của cả nước mà Quốc hội sắp biểu quyết tới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh quan tâm đến nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ chế chính sách liên kết với nước bạn Lào, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ địa phương như: hỗ trợ lãi suất đầu tư kinh tế biển, liên kết phát triển du lịch, thành lập quỹ xúc tiến du lịch…

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù đang được triển khai thí điểm đã tập trung tạo thêm nguồn lực, bao gồm bổ sung nguồn và tăng nguồn; đồng thời, tăng thêm thẩm quyền, phân cấp cho các địa phương, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng hơn cho thu hút đầu tư.

Về áp dụng cơ chế, chính sách, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, cần phân ra thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, những cơ chế, chính sách có thể áp dụng chung cho cả vùng. Hiện trong vùng đã có Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa được ban hành cơ chế, chính sách đặc thù. Vì vậy, cần rà soát xem những cơ chế, chính sách đặc thù nào của 5 địa phương phù hợp với tất cả các địa phương trong vùng thì có thể cho phép áp dụng chung. Nhóm thứ hai, tập trung vào các nhóm cơ chế, chính sách theo tiểu vùng, vì từng tiểu vùng có đặc thù riêng…

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/ky-cuoi-co-che-dac-thu-la-don-bay-de-cat-canh--i733773/