Kỳ 4: Sẻ chia những yêu thương

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh, trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều mô hình thể hiện lối sống nhân hậu, nghĩa tình của phụ nữ Thủ Đô như Nồi cháo từ thiện, Hũ gạo tình thương, Lợn nhựa tiết kiệm,… góp phần hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội cũng như thực hiện các chuyến thiện nguyện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Phụ nữ Thủ đô ứng xử văn minh

Các hội viên phụ nữ phường Vạn Phúc tham gia mô hình Nuôi heo vàng tiết kiệm. Ảnh: A.N

Các hội viên phụ nữ phường Vạn Phúc tham gia mô hình Nuôi heo vàng tiết kiệm. Ảnh: A.N

Lợn nhựa tiết kiệm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

Những năm qua, mô hình “Lợn nhựa tiết kiệm” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) được đánh giá là mô hình tiêu biểu của phụ nữ quận Hà Đông. Bà Nguyễn Thị Giang - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vạn Phúc cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vạn Phúc triển khai mô hình “Nuôi heo vàng tiết kiệm” từ năm 2015. Ban đầu, chỉ có 3 chi hội tham gia nhưng đến nay, mô hình có sức lan tỏa rộng rãi đến các hội viên, cụ thể đã có 11/12 chi hội thực hiện.

“Quá trình triển khai mô hình, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, có chị em cũng ngại ngùng việc nhặt phế liệu để bán lấy tiền nuôi lợn nhưng sau đó, nhận thấy mô hình mang lại những ý nghĩa nhân văn nên ai nấy đều hào hứng, nhiệt tình tham gia. Nhiều chị em dùng nhiều quỹ thời gian của mình để thu gom phế liệu. Một số chị em trích lương để ủng hộ muôi heo”- bà Nguyễn Thị Giang chia sẻ.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Giang, mỗi năm, mô hình thu được khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này được dùng cho các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước; thăm hỏi, tặng qua các gia đình chính sách, thương bệnh binh; ủng hộ đồng bào vùng bão lũ, bị thiên tai; chương trình đồng hành cùng Cảnh sát biển,…

“Cứ vào dịp 20/10 hàng năm, chúng tôi sẽ mổ lợn phục vụ cho các chương trình thiện nguyện được duy trì hàng năm hoặc những chương trình đột xuất. Tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã tặng chương trình “Mẹ đỡ đầu” 1 cháu học sinh trị giá 6.000.000đ/1 năm (500.000đ/tháng). Các chị em đều cảm thấy phấn khởi vì mô hình đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn” - bà Nguyễn Thị Giang cho biết.

Các hội viện nhiệt tình thu gom phế liệu để nuôi lợn. Ảnh: A.N

Các hội viện nhiệt tình thu gom phế liệu để nuôi lợn. Ảnh: A.N

Nồi cháo yêu thương

Năm 2020, trong một lần đưa bố đến Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều điều trị, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) càng thấu hiểu sự khó khăn của rất nhiều bệnh nhân đang điều trị tại đây. Chị nung nấu ý định sẽ làm gì đó để giúp đỡ những người bệnh này.

Theo chị Huyền, người bệnh ung thư sau khi hóa trị, xạ trị, cơ thể mệt yếu nên thích ăn thức ăn mềm. Chị nảy ra ý định nấu cháo thiện nhiện để giúp đỡ các bệnh nhân. Thế là “nồi cháo yêu thương” của chị và nhóm bạn chính thức ra đời. Chương trình được duy trì mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, mỗi lần nấu từ 80-100 lít cháo; được phát miễn phí tại cổng Viện K Tân Triều.

Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, chị Huyền bàn bạc với những người bạn trong nhóm và nhờ mẹ của một chị trong nhóm đến nấu giúp. Việc phát cháo được duy trì đến tháng 5/2021 thì tạm ngừng vì dịch Covid-19. Nhưng không vì thế mà nhóm thiện nguyện của chị Huyền ngơi nghỉ. Nhóm kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ cho các điểm phòng chống dịch bệnh như viện K3, làm đồ ăn gửi cho các cụ ở Trại phong Xuân Mai, nấu ăn sáng cho các điểm chốt phòng chống dịch bệnh của phường Vạn Phúc.

Tháng 5/2022, nhóm chị Huyền tiếp tục triển khai chương trình nấu và phát cháo thiện nguyện. Chị nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình, bạn bè và nhiều sinh viên. Quay lại nấu cháo, chị Huyền nấu số lượng nhiều hơn, hàng tuần nấu khoảng 120 lít cháo mặn, 70 lít cháo chay. Mùa hè, nhóm giảm số lượng cháo mặn và nấu thêm chè đậu đen đá cho bà con bệnh nhân.

Từ đó đến nay, bếp cháo của Huyền vẫn duy trì nấu mỗi tuần 1 lần vào sáng ngày thứ 7 với 120 lít cháo mặn, 70 lít cháo chay và 60 lít súp. Đầu năm 2023, bếp được một người bạn của chị Huyền đề nghị tặng cốc giấy để đựng đồ ăn, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhóm đều đặn phát mỗi lần từ 500 đến 600 cốc cháo.

Theo chị Huyền, kinh phí cho mỗi buổi nấu, trừ những lương thực, thực phẩm đã được ủng hộ sẽ hết vào khoảng 2-2,5 triệu đồng, có những hôm không đến nếu thực phẩm đều được ủng hộ.

Đặc biệt, sau khi nhóm phát động trên trang fanpage đã có rất nhiều mạnh thường quân ủng hộ cả vật chất và tinh thần. Quỹ của nhóm đều được ghi chép cẩn thận và công khai rõ ràng.

Nồi cháo yêu thương của nhóm chị Huyền không chỉ mang đến những suất ăn ấm nóng, giàu chất dinh dưỡng mà còn gắn kết tình người nhân hậu, truyền động lực sống, chiến đấu với bệnh tật cho các bệnh nhân. Ngoài nấu cháo, nhóm của chị Huyền còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác như tặng quà đồng bào vùng bão lũ, hiến máu tình nguyện,… góp phần lan tỏa lối sống nhân ái đến cộng đồng.

Chị em phụ nữ phường Dương Nội phát tặng những suất cơm cho các bệnh nhân. Ảnh: A.N

Chị em phụ nữ phường Dương Nội phát tặng những suất cơm cho các bệnh nhân. Ảnh: A.N

Ngoài nhóm của chị Huyền, quận Hà Đông có nhiều nhóm thiện tâm nấu cháo từ thiện, tiêu biểu như các nhóm thiện tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Dương Nội. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Dương Nội cho biết, mô hình “Nồi cháo từ thiện” được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Dương Nội triển khai từ năm 2019. Hàng tháng, các nhóm thiện nguyện sẽ chọn một ngày trong tháng để phát hàng trăm suất cơm, cháo, xôi cho các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội và tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền được trích từ quỹ các hội viên đóng góp từ việc bán phế liệu hoặc tự nguyện ủng hộ.

“Mô hình được duy trì mang lại những hiệu quả tích cực cho cộng đồng. Chị em phụ nữ luôn duy trì nguồn quỹ ổn định để phục vụ cho chương trình nấu cháo thiện nguyện tặng cho các bệnh nhân ở các bệnh viện như Bệnh viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương,… Bên cạnh đó, chị em phụ nữ còn tích cực giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Dương Nội, đỡ đầu cho các em học sinh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn,…” - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nhấn mạnh.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-4-se-chia-nhung-yeu-thuong-401403.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjayndexmjawnjezmja=&secureurl=2c