Kỳ 2: Đến tư duy, tầm nhìn chiến lược

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng chiến lược cho nhiều giai đoạn phát triển sau này của tỉnh Ninh Bình là trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả Thành phố di sản và Thành phố sáng tạo, tựa vào Quần thể danh thắng Tràng An về kinh tế và du lịch di sản. Vì thế, Ninh Bình mong muốn xây dựng phát triển ngành công nghiệp văn hóa thể hiện giá trị di sản một cách đầy đủ, chân xác và khoa học nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững Di sản Tràng An.

Quang cảnh Tuần Du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” năm 2024. Ảnh: Anh Tuấn

Quang cảnh Tuần Du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” năm 2024. Ảnh: Anh Tuấn

Nhập cuộc bài bản

Theo các chuyên gia, công nghiệp văn hóa là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Kể từ những năm 2000 trở lại đây, khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành một trong những trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) đã xác định, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng này. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.

Khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, mới đây, ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg, về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Theo đó, trong giai đoạn mới, để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc. “Trong một bối cảnh như vậy, Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng, không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới. Việc quan tâm phát triển các ngành công nghiệp sẽ giúp Ninh Bình tận dụng các ưu thế về văn hóa của mình, nhất là đối với Di sản Tràng An, trong nỗ lực tạo ra sự cạnh tranh, sức mạnh cho nền kinh tế và hình ảnh của một tỉnh đang ngày càng khẳng định vị trí của mình ở phạm vi đất nước và khu vực”-ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định.

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Nhận thức sâu sắc việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó xác định lấy di sản làm nền tảng, làm cơ sở để phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch. Hướng đến xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của Vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả nước. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là: Đến năm 2030 “phấn đấu công nghiệp văn hóa chiếm trên 10% GRDP”. Tạo đột phá đưa công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, quảng bá tiềm năng, sức mạnh mềm của tỉnh Ninh Bình.

Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn về công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo và kinh tế di sản của đất nước, có giá trị thương hiệu cao trong khu vực và trên thế giới, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, giải quyết việc làm, khẳng định vị thế, sức mạnh mềm của đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Tựa vào di sản để phát triển

Như vậy, công nghiệp văn hóa đã trở thành mục tiêu định tính và chỉ tiêu định lượng cụ thể trong đường hướng và lộ trình phát triển của tỉnh ta. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư phát triển văn hóa-xã hội ngang tầm với kinh tế.

Giai đoạn 2015-2020, chi đầu tư cho sự nghiệp văn hóa chiếm 3,37% tổng chi ngân sách của tỉnh; giai đoạn 2021-2025, chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hóa chiếm 20% tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, đạt mức cao trong cả nước. Nhờ vậy, các di sản văn hóa phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, làm rõ, được người dân tự nguyện, tự giác giữ gìn và phát huy trong đời sống xã hội. Đặc biệt, các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An được bảo tồn, phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Tại Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, Ninh Bình đã xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp nhằm xây dựng công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, đem lại nhiều việc làm, thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Để thực hiện mục tiêu này, PGS. TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: Một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở Ninh Bình đó là tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, quảng bá, giới thiệu, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của địa phương. Cùng với đó, thu hút những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, các văn nghệ sĩ, đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có uy tín đến Ninh Bình thực hiện các hoạt động sáng tạo và tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển.

Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch nêu quan điểm: Để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên các giá trị của Di sản Tràng An, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong khu vực.

Đồng thời, cần đầu tư vào việc bảo tồn, khôi phục và bảo vệ các di sản này để đảm bảo tính nguyên vẹn và thu hút du khách. Xây dựng thêm các làng cổ, làng nghề và khu trải nghiệm văn hóa. Tạo ra các khu vực tham quan làng cổ, làng nghề và cung cấp các chương trình trải nghiệm văn hóa cho du khách. Đồng thời, hợp tác với các công ty du lịch, các nhà đầu tư và các cơ quan quốc tế để tiếp thị và quảng bá đến đối tượng khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, để cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho du khách, cần đầu tư vào đào tạo nhân lực du lịch. Đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp và am hiểu văn hóa địa phương, tiếng Anh và các kỹ năng truyền thông để tương tác tốt với du khách quốc tế. Đồng thời, nâng cao nhận thức và tinh thần phục vụ của cộng đồng địa phương về du lịch.

Ở góc độ tiếp cận khác, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển, quảng bá du lịch văn hóa tỉnh Ninh Bình thông qua điện ảnh. Trong đó, bà nhấn mạnh, Ninh Bình cần tập trung hình thành và quy tụ tầng lớp sáng tạo, tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm thu hút tài năng sáng tạo của các ngành điện ảnh, đánh thức, khơi gợi được sự sáng tạo trong cộng đồng dân cư trong tỉnh. Đồng thời, mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục chủ động, mở rộng kết nối với quốc tế nhằm hỗ trợ quảng bá, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đưa hình ảnh của Ninh Bình ra thế giới.

Những định hướng trên là tiền đề quan trọng để Ninh Bình phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên kinh tế di sản với những giá trị bản địa, lịch sử vốn có. Đây cũng là định hướng phù hợp với yêu cầu của UNESCO trong bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, đúng như mong muốn của bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42: Tôi mong rằng, giai đoạn mười năm tiếp theo trong chương sử của Tràng An sẽ tiếp tục được viết nên bằng hoạt động hợp tác, bảo tồn và một tầm nhìn chung về một tương lai tươi sáng, bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-2-den-tu-duy-tam-nhin-chien-luoc-013309.htm