Kịp thời khắc phục hậu quả do mưa lớn

Đợt mưa lớn lịch sử vừa qua (từ 22-24/5/2022) trên địa bàn tỉnh khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, sạt lở đất, giao thông bị chia cắt, mực nước trên các sông nội đồng dâng cao gây thiệt hại về người và tài sản. Nhằm khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn, các cấp, ngành, địa phương luôn duy trì nghiêm chế độ trực và kịp thời có mặt giúp người dân khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống.

Lực lượng vũ trang huyện Tam Đảo giúp người dân tổ dân phố Cửu Yên 1, Cửu Yên 2 (thị trấn Hợp Châu) dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sau khi nước rút

Lực lượng vũ trang huyện Tam Đảo giúp người dân tổ dân phố Cửu Yên 1, Cửu Yên 2 (thị trấn Hợp Châu) dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sau khi nước rút

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tổng lượng mưa tính đến 7h giờ ngày 29/5/2022 tại thành phố Vĩnh Yên là 509 mm, cao nhất kể từ năm 1978 đến nay, cao hơn cả đợt mưa lũ lịch sử năm 2008 (mưa 3 ngày max năm 2008 là 497,5mm); Tam Đảo 942 mm, Tam Dương 495 mm; Vĩnh Tường 312 mm; Bình Xuyên 414mm; Phúc Yên 317mm.

Mưa lớn đã làm mực nước một số sông dâng cao; mực nước tại các hồ chứa lớn ở ngưỡng cao và phải xả tràn. Đến thời điểm 7h00 ngày 29/5/2022, toàn tỉnh có trên 10.400 ha lúa, hoa màu và thủy sản bị ngập; 6 người thiệt mạng, 2 người bị thương; 200 m kè bị sạt lở, hư hỏng; 980 hộ dân bị ngập úng; hơn 24.000 con gia súc, gia cầm bị chết...

Kịp thời chỉ đạo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngay khi mưa lớn xảy ra, trong các ngày 23-24/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng với lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chống ngập úng trên địa bàn tỉnh.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố chủ động ứng phó với mưa lớn; Sở NN&PTNT quyết liệt chỉ đạo các Công ty TNHH MTV thủy lợi tổ chức ứng trực 24/24h tại các khu vực vùng trũng, rà soát khoanh vùng, vận hành các máy bơm dã chiến chống ngập úng cho các vùng độc lập để cứu lúa, hoa màu; vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu ra sông Lô, sông Phó Đáy; phá 10 m kênh chính Liễn Sơn để tiêu nước trong đồng ra kênh chính, chống ngập úng cho khoảng 100 ha lúa tại khu vực xã Đồng Tĩnh.

Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã bố trí lực lượng điều tiết giao thông, đảm bảo cho người dân và phương tiện đi lại thông suốt, an toàn; gần 100 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã tích cực hỗ trợ Bệnh viên Đa khoa tỉnh đắp bờ ngăn nước, di chuyển bệnh nhân và nhiều trang bị, vật tư y tế đến nơi an toàn.

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng kịp thời có mặt để phối hợp với Công an huyện Tam Đảo triển khai công tác ứng cứu, trợ giúp 140 người dân tại tổ dân phố Cửu Yên 1, thị trấn Hợp Châu và Công ty Cổ phần tập đoàn Sông Hồ Thủ Đô cùng các hộ dân sinh sống tại Khu đô thị Bắc Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên ra khỏi vùng ngập lụt an toàn; huyện Lập thạch đã huy động đông đảo lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn cùng người dân cứu diện tích lúa đến kỳ thu hoạch.

Tam Đảo là huyện bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh trong đợt mưa lớn vừa qua, tính đến ngày 28/5/2022, toàn huyện có hơn 1.668 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 240 m bờ kè, 405 m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; trên 20 km đường giao thông bị ngập, 157 điểm sạt lở; trên 1 tấn thức ăn gia súc, gia cần bị cuốn trôi…tổng thiệt hại ước tính khoảng 23 tỷ đồng.

Ngay khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn kiểm tra các điểm ngập, các tràn qua đường, kiểm tra các điểm nguy cơ xung trọng yếu.

Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện đã huy động cán bộ, chiến sỹ cùng với chiến sỹ dân quân địa phương tham gia hỗ trợ người dân di dời người, tài sản, vật nuôi về nơi an toàn; Hội chữ thập đỏ huyện phối hợp với CLB thiện nguyện chung tay vì người nghèo huyện đã vận động ủng hộ trao 50 thùng mỳ tôm, 150 chiếc bánh mỳ, 8 thùng nước lọc cho các hộ ở TDP Cửu Yên 1, Cửu Yên 2 (thị trấn Hợp Châu) bị chia cắt do ngập úng.

Đặc biệt, ngay sau khi nước rút, lực lượng vũ trang huyện lại tích cực phối hợp cùng với các lực lượng, chính quyền thị trấn Hợp Châu, bà con nhân dân chung tay giúp đỡ các hộ dân dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh, di chuyển đồ đạc về gia đình, sớm ổn định cuộc sống trở lại.

Ông Lâm Văn Tám, Tổ dân phố Cửu Yên 1 chia sẻ: Nhà tôi ở chỗ trũng lại giáp suối, trận mưa lớn vừa qua nước lũ dâng nhanh khiến nhà, trang trại chăn nuôi bị ngập sâu. May có các chú công an, bộ đội và chính quyền địa phương có mặt kịp thời hỗ trợ gia đình di chuyển được một số tài sản lên chỗ cao, cứu được 40 con lợn. Sau khi nước rút, các lực lượng lại hỗ trợ gia đình dọn bùn đất sớm ổn định cuộc sống.

Tính đến 7h ngày 29/5/2022, mặc dù mực nước tại một số khu vực chưa rút hẳn nhưng tình hình ngập úng trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; các địa phương đã và đang triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn, vật nuôi đến thời kỳ thu hoạch.

Tuy nhiên, qua kiểm tra công tác ứng phó với mưa lớn tại các địa phương vừa qua cho thấy, tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài đã chia cắt các tuyến giao thông tại nhiều địa phương tỉnh.

Đặc biệt một số khu vực trọng yếu nước ngập sâu, một số đập tràn chảy mạnh, chảy xiết nhưng chính quyền địa phương chưa có giải pháp kịp thời tháo gỡ vật cản, khơi thông dòng chảy, thậm chí một số nơi thiếu các biện pháp ngăn chặn, cảnh báo, bảo vệ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân (tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo …).

Một số địa phương nước ngập sâu nhưng chưa có biện pháp xử lý như mở cửa xả lũ kịp thời là nguyên nhân làm nước dâng cao, dồn ứ (hồ Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên), việc chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão ở một số địa phương, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc báo cáo, cung cấp thông tin của các sở, ban, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh với Lãnh đạo Ban Chỉ huy chưa tốt, cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, trong những ngày tới, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa đến mưa to lượng mưa phổ biến từ 30-60mm/đợt kết hợp với mực nước trên các sông nội đồng, hồ đập đang ở mức cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng ngập úng và có thể gây ra những thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động ứng phó với mưa dông, mưa lớn cục bộ có thể gây lũ, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan dừng ngay các công việc chưa thật sự cấp thiết để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện phương án ứng phó với thiên tai.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp, ngành, từng cơ quan đơn vị doanh nghiệp để chủ động ứng phó; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông suối, khu vực trũng thấp, khu vực chân núi, ven đồi có nguy cơ cao xẩy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất... để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra ngay khỏi vùng nguy hiểm.

Sẵn sảng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông khi xẩy ra mưa lớn.

Chủ động phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; chỉ đạo các đơn vị thoát nước trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, khơi thông dòng chảy và có phương án xử lý để thoát nước nhanh, kịp thời, đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả, không để xẩy ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn; Chủ tịch các Công ty TNHH MTV thủy lợi tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hệ thống các luồng tiêu, trục tiêu và tổ chức giải tỏa, tháo dỡ các vật cản, bèo rác, khơi thông những điểm có thể gây ách tắc dòng chảy; kiểm tra các hệ thống trạm bơm tiêu, các điều tiết, cửa van, máy đóng mở... đảm bào vận hành bình thường.

Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải chủ động theo chức năng nhiệm vụ kiểm tra, ứng trực và chỉ đạo đôn đốc địa bàn và lĩnh vực được giao phụ trách.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77863/kip-thoi-khac-phuc-hau-qua-do-mua-lon.html