Kinh tế Việt Nam vẫn tăng sức hút trong mắt nhà kinh doanh nước ngoài

Các số liệu đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài vẫn tỏ ra tin tưởng vào cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

Đầu tư và xuất khẩu đều tăng trưởng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, các nhà kinh doanh nước ngoài vẫn gia tăng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Cụ thể, số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam bốn tháng đầu năm 2024 đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó trong quý I/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến cuối tháng 3/2024 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong quý đầu năm 2024 đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ, Trung Quốc là thị trường lớn nhất

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD.

Mối quan tâm của các nhà kinh doanh với thị trường không chỉ thể hiện ở các con số đầu tư, mà các con số xuất khẩu cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2024 đạt 34,01 tỷ USD, tăng 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 xuất siêu 2,93 tỷ USD. Tính chung quý I/2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD). Trong đó, riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,57 tỷ USD. Tiếp đó trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 72,8%. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).

Nhiều quan điểm lạc quan cho giai đoạn tới

Báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam của Ngân hàng Standard Chatered đưa ra vào quý II/2024 dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6% năm 2024, dự báo này được xem là cải thiện hơn so với mức 5% của năm 2023. Ngân hàng này cũng đưa ra dự báo tăng trưởng quý II/2024 là 5,3% và quý III là 6,0% và tăng trưởng quý IV được kỳ vọng sẽ phục hồi lên mức 6,7%.

Theo chuyên gia kinh tế từ ngân hàng Standard Chartered, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi bất chấp rủi ro. Doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I. Đồng thời, ngân hàng dự báo lãi suất sẽ được giữ ở mức 4,5% cho đến cuối quý III và có thể tăng 50 điểm cơ bản trong quý IV trước khả năng lạm phát do thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi và khả năng ảnh hưởng của quan hệ thương mại từ Mỹ - Trung. “Với kinh tế đang trên đà phục hồi, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ ít cần hỗ trợ hơn” - ông Tim Leelahaphan nói.

Trước đó, ngay từ đầu năm 2024, một số chuyên gia tài chính cũng đã sớm có những góc nhìn lạc quan về diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong đó, VinaCapital cho rằng, sự hồi phục kinh tế trên diện rộng (từ xuất khẩu, sản xuất và tiêu dùng..) sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các công ty niêm yết, tạo điều kiện cho các nhà quản lý quỹ chủ động như VinaCapital có thể vượt trội thị trường chung. Ví dụ, công ty này kỳ vọng lợi nhuận của các công ty tiêu dùng niêm yết hồi phục từ mức giảm 33% trong 2023 lên mức tăng 50% trong 2024 và lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng từ mức 6% lên 18%.

Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa - những điểm yếu trong năm 2023 do sự cắt giảm nhân công và các vấn đề của ngành bất động sản - sẽ hồi phục. “Chúng tôi vẫn kỳ vọng mức chi tiêu cho tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ mạnh hơn trong giai đoạn sau của năm nay” - ông Michael Kokalari đưa ra nhận định.

ÔNG MICHAEL KOKALARI, CFA - GIÁM ĐỐC PHÒNG PHÂN TÍCH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG THUỘC VINACAPITAL:

Vị thế đặc biệt của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư

Trong các báo cáo đầu năm, VinaCapital luôn nêu bật sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư FDI bởi yếu tố chi phí nhân công chưa bằng phân nửa Trung Quốc, nhưng chất lượng nhân công tương đương (theo các khảo sát của JETRO và các đơn vị khác). Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao của châu Á và là một quốc gia trong nhóm ít chịu rủi ro bị áp thuế khi xuất khẩu sang Mỹ (nhóm friendshoring).

Năm ngoái, vị thế thu hút FDI của Việt Nam càng được củng cố và chất lượng vốn FDI mà Việt Nam thu hút cũng được nâng cao. Một trong những bước tiến quan trọng là Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” - giúp xây chắc vị thế của Việt Nam trong nhóm “friendshoring” của Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden - Việt Nam là quốc gia Châu Á duy nhất mà ông Tập Cận Bình đến thăm và là quốc gia duy nhất trên thế giới mà ông Biden và ông Tập đến thăm trong năm 2023.

Hai điểm trên cho thấy vị thế đặc biệt của Việt Nam trên bàn cờ địa chính trị thế giới ở thời điểm hiện tại. Điều này sẽ có lợi cho nhà đầu tư bởi vì các tập đoàn đa quốc gia có cơ sở sản xuất tại Việt Nam sẽ không phải lo việc không bán được sản phẩm sang Mỹ, hoặc không mua được nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc, do cả hai quốc gia này đều muốn kết nối với Việt Nam.

Chí Tín (ghi)

PGS.TS ĐINH VĂN HẢI - KHOA KINH TẾ, HỌC VIỆN TÀI CHÍNH:

Duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ phát triển

Năm 2024, tình hình quốc tế còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức như: tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước lớn khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn tạo rủi ro, sức ép lớn đến thị trường đầu ra và chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường về sản xuất xanh, bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Dự báo được những khó khăn trên, Chính phủ, Quốc hội đã duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế và quyết liệt thực thi giải pháp tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh, khơi thông dòng vốn… hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Cùng với đó, Việt Nam đang có một số lợi thế như: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố. Mặt khác, 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết tạo lợi thế cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh… Những động lực này giúp kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt được tăng trưởng khả quan, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.

Văn Nam (ghi)

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-viet-nam-van-tang-suc-hut-trong-mat-nha-kinh-doanh-nuoc-ngoai-151596-151596.html