Kinh tế Việt Nam năm 2025: Không thể bỏ lỡ cơ hội đặc biệt
Nhìn lại những thành tựu nổi bật trong tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống xã hội năm 2024, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng những thành tựu này hoàn toàn có thể được củng cố và phát huy trong năm 2025. Tuy nhiên, cơ hội kinh doanh không đồng đều và khoảng cách tăng trưởng đang dãn ra... là những yếu tố rất nên quan tâm, cần có giải pháp kịp thời.
* PHÓNG VIÊN: Đã có nhiều hội thảo, hội nghị đánh giá về kết quả tăng trưởng năm 2024. Ông có thể cho biết quan điểm của mình?
* Ông PHAN ĐỨC HIẾU: Mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, nhưng cả năm 2024 kinh tế - xã hội nước ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Điểm nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm liên tiếp không đạt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, trong giới hạn cho phép…
Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận và thể hiện sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân; sự quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, nhất là Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền các địa phương.
Đây cũng là kết quả không bất ngờ so với những dự báo ngay từ đầu năm. Tuy mức độ có khác nhau, nhưng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, định chế tài chính đều dự báo, cảm nhận tích cực về năm 2024 và càng về cuối năm thì các dự báo đều được điều chỉnh tăng thêm. Dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng mức tăng trưởng này là trên nền tăng trưởng không cao của năm 2023.
* Có ý kiến nhận xét rằng sức mua tiêu dùng tăng thấp, cho thấy dường như tăng trưởng kinh tế chưa chuyển hóa thành thu nhập của đại đa số người dân?
* Sức mua tiêu dùng không tăng mạnh có nhiều lý do. Tăng trưởng của cả nền kinh tế khá tốt, nhưng không có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều “khỏe mạnh” và đa số người dân đều có thu nhập tốt. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế còn nhiều, doanh nghiệp quy mô nhỏ khó “trụ”, doanh nghiệp chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu… Hầu như chỉ có doanh nghiệp lớn mới có cơ hội tham gia trong các công trình đầu tư quy mô lớn. Các cửa hàng tạp hóa truyền thống nhỏ lẻ dần biến mất, thay vào đó là siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đặc biệt là mua sắm trực tuyến.
* Khoảng cách tăng trưởng dãn ra như thế là một vấn đề lớn?
* Đúng vậy. Thu hẹp khoảng cách tăng trưởng luôn là một mục tiêu quan trọng của mọi quốc gia và ở nước ta. Bên cạnh vai trò to lớn, trụ cột của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn thì doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân…
Nếu cơ hội kinh doanh không đồng đều thì có thể khiến các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dừng hoạt động. Sẽ có nhiều người lao động trong nước mất việc làm, giảm sút thu nhập. Khi tăng trưởng chung chưa chuyển đều thành thu nhập của đại đa số người dân thì một bộ phận có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Thời gian tới, việc tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tham gia vào các dự án đầu tư lớn là giải pháp rất quan trọng.
* Ông có thể phân tích rõ hơn về những cơ hội kinh doanh trong năm 2025?
* Một khi đã xác định rõ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế, thì những nỗ lực tháo gỡ nhanh nhất, hiệu quả nhất lúc này chắc chắn sẽ tạo cơ hội tốt để những doanh nghiệp, tổ chức có cơ hội bứt phá lên. Công tác cải cách thể chế đã có những bước tiến quan trọng, thể hiện ngay trong hàng loạt đạo luật và nghị quyết được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp thứ 8 vừa qua với tinh thần đúng vai, đúng việc, thông thoáng nhất có thể; hướng tới mục tiêu cao nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chứ không chỉ nhằm quản lý, giám sát.
Một ví dụ chưa có tiền lệ là việc đưa 3 luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực như dự kiến ban đầu, không chỉ thể hiện tinh thần cải cách thể chế mạnh mẽ, quyết liệt mà còn nhấn mạnh đến yếu tố kịp thời, đồng bộ. Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi đồng loạt hàng chục luật khác nhau và nhiều nghị quyết có tính quy phạm để tháo gỡ khó khăn pháp lý, đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư.
Song những chính sách mới vẫn có độ trễ nhất định, cần phải tìm mọi cách để giảm thiểu độ trễ đó, tạo nhiều cơ hội kinh doanh nhanh hơn, đồng đều hơn; các địa phương đã được trao quyền dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đóng góp phần mình vào tăng trưởng chung của cả nước.
Tất nhiên, một số khó khăn, thách thức vẫn còn đó. Quy mô, sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; chất lượng tăng trưởng chưa cao, mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn; hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu…
Bên ngoài, một trong những “biến số” được nhắc tới nhiều nhất là kinh tế Mỹ và các chính sách mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, có thể bao gồm những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt và xu hướng chuyển đầu tư về nước. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến biến động địa chính trị toàn cầu.
* Thưa ông, tại Công điện số 137/CĐ-TTg mà Thủ tướng mới ban hành về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, mục tiêu được đề ra là tăng trưởng 8%. Ông có cho đây là con số khả thi?
* Năm 2025 có nhiều thuận lợi và cả thách thức như đã nêu trên. Tôi tin và kỳ vọng rằng với những giải pháp, quyết sách đã có, với sự điều hành “đều tay” từ trung ương đến địa phương, đồng thời với nỗ lực ngày càng lớn của cả nước thì mục tiêu mà Chính phủ quyết tâm thực hiện có thể là khả thi.