Kiểu mẫu về phát triển công nghệ cao
Ít ai nghĩ Khu công nghệ cao khang trang, hiện đại trước kia là vùng đất bưng biền, lau sậy, hoang hóa. Với tinh thần sáng tạo, tiên phong, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn quỹ đất, xây dựng nên Khu công nghệ cao kiểu mẫu để nhân rộng cho cả nước.

Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)
CÁI NÔI CÔNG NGHỆ CAO CỦA CẢ NƯỚC
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực nhớ mãi ngày ông được mời về để xây dựng Khu công nghệ cao của thành phố. Đó là năm 2001, ông Trực đã ở tuổi 62, giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đến kỳ nghỉ hưu. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi ấy là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đã ra Hà Nội xin Trung ương để ông Trực về thành phố tiếp tục công tác, phụ trách Dự án phát triển Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Trực kể, năm 1992, thời điểm kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn bởi bị cấm vận, thành phố đã có ý tưởng, chuẩn bị sẵn quỹ đất để xây dựng Khu công nghệ cao. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do mãi đến năm 2002 ý tưởng mới thành hiện thực. Khi khu công nghệ cao diện tích 800 ha hình thành, thành phố mới bắt đầu hàng loạt công việc, từ tập hợp lực lượng, xây dựng thể chế, bảo vệ quy hoạch tổng thể, báo cáo khả thi, quảng bá và xúc tiến đầu tư...
Tiếp đó, thành phố cử một nhóm nghiên cứu đi học tập, khảo sát tại nhiều khu công nghệ cao, công viên khoa học ở Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản... "Nhà đầu tư lớn đầu tiên của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là Tập đoàn Nidec. Đây là nhà đầu tư được đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết sang Nhật Bản "tiếp thị".
Chủ tịch Tập đoàn Nidec khi đó còn than phiền Thành phố Hồ Chí Minh kẹt xe, mất quá nhiều thời gian từ sân bay về dự án. Qua nhiều lần làm việc, những yêu cầu khắt khe khác của Nidec đã được Thành phố Hồ Chí Minh linh động giải quyết và họ quyết định đầu tư", ông Trực nhớ lại.
Sau Nidec, lãnh đạo thành phố cùng đoàn lãnh đạo Trung ương qua Mỹ để mời Tập đoàn Intel về đầu tư. Lúc đó, Intel đang phân vân lựa chọn đầu tư ở 4 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam. Khi mình đã thuyết phục được họ đầu tư, họ lại phân vân giữa Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hay Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Lãnh đạo Chính phủ nói với họ rằng, nơi nào tốt hơn thì các ông chọn, miễn là ở Việt Nam. Cuối cùng, Intel chọn Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều ưu đãi đặc thù. Sự kiện này như một "chứng nhận kiểm định" cho Khu công nghệ cao Thành phố, bởi "khu công nghệ cao có thể tiếp nhận được tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel thì nhà đầu tư lớn cỡ nào cũng mời về đầu tư được", ông Trực tự hào.
HƯỚNG ĐẾN TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KHOA HỌC QUỐC TẾ
Mới đây, tại Hội nghị Nhà cung ứng linh kiện chiến lược do Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Intel Products Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Công nghệ và vận hành, Tổng Giám đốc của Intel Foundry cho biết, Nhà máy Intel tại Việt Nam sẽ chạm mốc 4 tỷ sản phẩm xuất xưởng vào tháng 4 này, một dấu ấn quan trọng khẳng định vai trò then chốt của Nhà máy lắp ráp và kiểm định của Intel tại Việt Nam trong chuỗi vận hành toàn cầu. “Chúng tôi cam kết đồng hành cùng sự phát triển của hệ sinh thái chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam. Kể từ khi Intel Việt Nam thành lập năm 2006, chúng tôi đã đầu tư và xây dựng mạng lưới cung ứng địa phương, đến nay đã có 600 đối tác”, Tiến sĩ Naga Chandrasekaran nhấn mạnh.
Ngoài Intel, tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có 161 dự án ở bốn lĩnh vực ưu tiên: Vi điện tử-công nghệ thông tinviễn thông, cơ khí chính xác-tự động hóa, công nghệ sinh học và vật liệu-năng lượng mới. Trong các dự án này, có 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đã đầu tư như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Ý), Sanofi (Pháp), và TTI (Đức).
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đến nay, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Tổng vốn đầu tư đã vượt mốc 12 tỷ USD, trong đó các dự án FDI chiếm phần lớn. Đây là minh chứng cho sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, cũng như tiềm năng phát triển mạnh mẽ của đơn vị này trong tương lai.
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh và là trụ cột của đô thị sáng tạo thúc đẩy phát triển, cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học, công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tính đến năm 2024, các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao đã đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 1,4 tỷ USD. Đơn vị này cũng có chín bằng độc quyền sáng chế cấp quốc tế, 59 bằng độc quyền sáng chế trong nước và 55 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Theo chiến lược, đến năm 2030, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phát triển trở thành Trung tâm Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc tế, góp phần chuyển đổi kinh tế xanh và bền vững, đóng vai trò là trung tâm của các cụm liên kết đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2045, Khu Công nghệ cao thành phố trở thành trung gian đổi mới thông minh có tầm nhìn toàn cầu với cơ sở hạ tầng chuyên biệt và một môi trường thân thiện cho đổi mới với vị thế trung tâm của các cụm đổi mới trong khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp mới nổi, tạo việc làm thu nhập cao dựa trên nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa với công nghệ vượt trội…
Để thực hiện điều này, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, thời gian tới, đơn vị ưu tiên mở rộng Khu Công nghệ cao, phát triển trở thành công viên khoa học công nghệ, tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho nghiên cứu triển khai, ươm tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao. Phát triển Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ đa chuyên ngành, hạt nhân khoa học, công nghệ thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh theo xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kieu-mau-ve-phat-trien-cong-nghe-cao-post871507.html