OpenAI chỉ cần 3 năm để làm điều Google mất 13 năm: Bí mật đằng sau kỷ lục và 3 vấn đề phải giải quyết

Khi tiến gần tới cột mốc 1 tỉ người dùng, OpenAI cần phải trả lời rõ câu hỏi: Chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT thực sự được tạo ra để làm gì?

OpenAI và trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) mà họ đang theo đuổi sẽ tạo ra tác động gì với thế giới, công ty khởi nghiệp Mỹ này đã được ghi tên vào lịch sử. Chưa từng có công ty nào xây dựng được một đế chế internet dành cho người dùng nhanh đến vậy.

AGI là dạng AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng một cách linh hoạt, giống hay vượt trội con người. Không giống AI hẹp, vốn chỉ giỏi trong một lĩnh vực cụ thể (như nhận dạng giọng nói hoặc hình ảnh), AGI có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó giải quyết các vấn đề phức tạp một cách tự chủ và sáng tạo. OpenAI định nghĩa AGI là "một hệ thống có tính tự chủ cao, vượt trội hơn con người ở hầu hết công việc có giá trị kinh tế".

Google mất 13 năm để đạt mốc 1 tỉ người dùng, còn Facebook mất 8 năm. Nhờ thành công lan truyền của ChatGPT, OpenAI dường như đang trên đà đạt được con số đó chỉ sau 3 năm.

Tốc độ phát triển này khiến ngay cả các lãnh đạo công ty cũng bất ngờ. Đến gần đây, họ vẫn khẳng định mục tiêu chính là biến OpenAI thành nền tảng AI để các doanh nghiệp khác tích hợp vào, chứ không phải trở thành công ty tiêu dùng đại chúng. Tuy nhiên, Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) tuần trước cho biết lượng người dùng của họ đã tăng gấp đôi chỉ trong vài tuần và hiện chiếm khoảng 1/10 dân số thế giới.

Điều này thật khó tin khi ChatGPT chỉ đạt mốc 200 triệu lượt truy cập hàng tuần vào tháng 8.2024. Sự tăng trưởng thần tốc này khiến OpenAI chưa có nhiều thời gian để giải quyết một số câu hỏi căn bản mà bất kỳ công ty internet tiêu dùng nào cũng phải đối mặt.

Làm gì để giữ chân người dùng và kiếm tiền?

Một trong những câu hỏi đó là làm thế nào để OpenAI giữ chân người dùng khi các đối thủ khổng lồ đang kiểm soát những kênh phân phối kỹ thuật số chính? Meta Platforms có một lượng người dùng khổng lồ trên Facebook, WhatsApp và Instagram. Apple có iPhone. Khi các công ty này đang tích cực quảng bá các trợ lý AI đa năng của riêng họ, OpenAI phải đối mặt với thách thức tương tự như Google từng gặp những ngày đầu, đó là duy trì kết nối trực tiếp với người dùng. Trong trường hợp Google, mối đe dọa đến từ hệ điều hành Windows của Microsoft, công ty thống trị thế giới điện toán thời điểm đó.

Ít nhất OpenAI cũng có thể tự hào về thỏa thuận phân phối đáng chú ý mà họ đã ký với Apple năm ngoái. Theo thỏa thuận này, trợ lý ảo Siri sẽ chuyển một số truy vấn của người dùng sang ChatGPT nếu không thể tự trả lời. Tuy nhiên, nếu Apple vượt qua được các rào cản gần đây khiến việc ra mắt đầy đủ các dịch vụ AI của họ bị trì hoãn, thỏa thuận hợp tác với OpenAI chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

OpenAI sẽ cần phát triển thiết bị và phần mềm của riêng mình để vượt qua các rào cản này. Từng đối mặt với vấn đề tương tự, Google đã tạo ra trình duyệt Chrome thay thế Internet Explorer của Microsoft và phát triển hệ điều hành Android để cạnh tranh với iOS trên iPhone. Chiến lược “phòng thủ” đó đã rất thành công, nhưng nay lại quay lại gây khó khăn cho Google. Thẩm phán phụ trách vụ kiện chống độc quyền tại Mỹ đang xem xét liệu có buộc Google phải tách Chrome ra thành công ty riêng hay không. Nếu điều đó xảy ra, OpenAI có cơ hội hiếm thấy để mua lại Google Chrome – trình duyệt được hơn một nửa người dùng internet toàn cầu sử dụng.

Câu hỏi lớn thứ hai mà OpenAI hầu như chưa giải quyết: Làm sao kiếm tiền từ lượng người dùng mới này? Đến nay, quảng cáo vẫn là các kiếm tiền ưa thích của các công ty internet đại chúng. Thế nhưng, Sam Altman lại từ chối ý tưởng này và dựa vào mô hình đăng ký thuê bao.

Cách tiếp cận đó đã đem lại kết quả ấn tượng. Doanh thu của OpenAI tăng vọt lên khoảng 4 tỉ USD trong năm ngoái, và các nhà đầu tư mới đây đã định giá công ty ở mức 300 tỉ USD. Google từng không đạt được mức định giá đó (300 tỉ USD) cho đến khi có doanh thu hàng năm là 60 tỉ USD, cho thấy OpenAI vẫn còn rất nhiều điều phải chứng minh.

Sam Altman lại từ chối ý tưởng kiếm tiền bằng quảng cáo và dựa vào mô hình đăng ký thuê bao - Ảnh: SkyNews

Sam Altman lại từ chối ý tưởng kiếm tiền bằng quảng cáo và dựa vào mô hình đăng ký thuê bao - Ảnh: SkyNews

Trong cuộc trò chuyện gần đây với nhà phân tích Ben Thompson của bản tin Stratechery, Sam Altman cho biết ông muốn kiếm tiền bằng cách đưa người dùng trực tiếp đến các trang thương mại điện tử thay vì thông qua quảng cáo. Nếu có thể phát triển thành một trợ lý cá nhân toàn năng mà người dùng internet tin tưởng để hướng dẫn họ trong thế giới số, ChatGPT sẽ sở hữu vị thế cực kỳ mạnh để tạo ra lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn toàn mới xoay quanh ChatGPT vẫn chưa bắt đầu.

"Nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn"

Câu hỏi lớn thứ ba mà OpenAI phải trả lời: Rốt cuộc ChatGPT được tạo ra để làm gì? Làn sóng người dùng gần đây tăng mạnh sau khi OpenAI thêm khả năng tạo ảnh vào mô hình GPT-4o. Động thái này làm dấy lên trào lưu tạo ra những hình ảnh có vẻ giống phong cách của Studio Ghibli, hãng phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản.

Ảnh hoạt hình về Sam Altman do ChatGPT tạo ra

Ảnh hoạt hình về Sam Altman do ChatGPT tạo ra

Những tính năng kiểu trào lưu như vậy có thể tạo ra đỉnh cao về lượng người dùng, nhưng khó có thể trở thành nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn. Hãy so sánh với Google, nơi người dùng ngay từ lần đầu đã biết rõ họ dùng nó để làm gì: Tìm kiếm web tốt hơn.

Rất nhiều người thấy ChatGPT hữu ích, từ làm bài tập về nhà đến nghiên cứu chuyên sâu. Chatbot AI của OpenAI đang phát triển rất nhanh. Chức năng tìm kiếm web của ChatGPT được bổ sung vào tháng 10.2024, mở ra sự cạnh tranh trực tiếp với Google. Tháng 4 này, ChatGPT đã được mở rộng bộ nhớ để có thể ghi nhớ toàn bộ tương tác trước đây với người dùng nhằm phản hồi tốt hơn. Đây là bước tiến lớn để biến ChatGPT thành dạng trợ lý cá nhân mà Sam Altman hằng mơ ước.

Chiến lược sản phẩm còn chưa định hình rõ ràng là điều dễ hiểu trong bối cảnh AI đang phát triển nhanh chóng và phần thưởng cuối cùng vẫn còn mù mờ. Song khi đang chạy nước rút tới cột mốc 1 tỉ người dùng, OpenAI vẫn còn chặng đường dài để chứng minh rằng họ có thể trở thành gã khổng lồ internet tiêu dùng tiếp theo hay không.

OpenAI đang phát triển mạng xã hội và trình duyệt web

OpenAI đang phát triển mạng xã hội giống X, trang The Verge đưa tin, trích dẫn nhiều nguồn tin thân cận với vấn đề này.

Theo The Verge, có một nguyên mẫu nội bộ tập trung vào việc tạo hình ảnh của chatbot ChatGPT với nguồn cấp dữ liệu mang tính xã hội (social feed).

Sam Altman đã bí mật hỏi ý kiến những người bên ngoài về dự án, hiện vẫn trong giai đoạn đầu. Vẫn chưa rõ liệu công ty có kế hoạch phát hành mạng xã hội này dưới dạng một ứng dụng riêng biệt không, hay tích hợp vào ChatGPT.

Động thái tiềm tàng này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Sam Altman và Elon Musk (chủ sở hữu X và là nhà đồng sáng lập OpenAI). Elon Musk đã rời OpenAI vào năm 2018 trước khi công ty khởi nghiệp này nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua AI tạo sinh.

Mối bất hòa đã trở nên căng thẳng hơn những tháng gần đây. Vào tháng 2, một nhóm các nhà đầu tư do Elon Musk đứng đầu đã đề nghị 97,4 tỉ USD để mua tổ chức phi lợi nhuận kiểm soát OpenAI, nhưng bị Sam Altman từ chối bằng câu trả lời "Không, cảm ơn" nhanh chóng.

Elon Musk đã kiện OpenAI và Sam Altman vào năm ngoái, cáo buộc họ từ bỏ mục tiêu ban đầu của OpenAI là phát triển AI vì lợi ích của nhân loại chứ không phải vì lợi nhuận doanh nghiệp.

OpenAI đã kiện ngược Elon Musk trong tháng này, cáo buộc ông có hành vi quấy rối và cố gắng làm chệch hướng chuyển đổi sang mô hình vì lợi nhuận. Hai bên dự kiến sẽ bắt đầu phiên tòa có bồi thẩm đoàn vào mùa xuân năm 2026.

Nếu tạo ra mạng xã hội, OpenAI có thể cạnh tranh trực tiếp với cả Meta Platforms (công ty mẹ Facebook, Intagram và Threads – đối thủ của X). Theo các nguồn tin, Meta Platforms hiện đang phát triển một dịch vụ Meta AI độc lập.

Hiện Meta AI được tích hợp vào Facebook Messenger, Instagram và WhatsApp dưới dạng chatbot có thể trả lời câu hỏi, đề xuất nội dung, hỗ trợ người dùng tương tự ChatGPT hay Siri.

Vào tháng 2, Sam Altman đã phản hồi trên X trước các thông tin về kế hoạch của Meta Platforms khi viết rằng: “Ừ thì, có thể chúng tôi cũng sẽ làm một ứng dụng xã hội”.

Cả Meta Platforms và X đều có quyền truy cập vào lượng dữ liệu khổng lồ (nội dung công khai do người dùng đăng trên nền tảng mạng xã hội) mà họ dùng để đào tạo mô hình AI của mình.

Không riêng mang xã hội, OpenAI còn cân nhắc phát triển trình duyệt web kết hợp với ChatGPT và thảo thuận về các nhà phát triển để hỗ trợ tính năng tìm kiếm, trang The Information đưa tin hồi cuối tháng 11.2024.

OpenAI đã trao đổi về sản phẩm tìm kiếm này với các nhà phát triển trang web và ứng dụng như Conde Nast, Redfin, Eventbrite cùng Priceline, theo The Information, trích dẫn ý kiến của những người đã thấy nguyên mẫu hoặc thiết kế của các sản phẩm này.

Động thái đó có thể đưa OpenAI đối đầu với Google, công ty đang chiếm lĩnh thị phần lớn trong thị trường trình duyệt và tìm kiếm.

Tuy nhiên, The Information cho biết OpenAI còn lâu mới có thể ra mắt trình duyệt.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/openai-chi-can-3-nam-de-lam-dieu-google-mat-13-nam-bi-mat-dang-sau-ky-luc-va-3-van-de-phai-giai-quyet-231721.html