Kiến tạo hệ sinh thái văn hóa bền vững cho hồ Văn
Không gian hồ Văn thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là di tích một thuở hội ngộ của giới tao nhân, mặc khách và kẻ sĩ đất kinh kỳ. Suốt thời gian dài bị lãng quên, sau khi được tu bổ, cải tạo, nơi đây đã và đang trở thành điểm đến, kết nối nhiều hoạt động cộng đồng và văn hóa đọc với mục tiêu tạo nên hệ sinh thái văn hóa bền vững, vừa bảo tồn giá trị lịch sử, vừa phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp.
![Cần tổ chức thêm nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa chung quanh khu vực hồ Văn để thu hút du khách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_14_51480839/ea82b68a84c46d9a34d5.jpg)
Cần tổ chức thêm nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa chung quanh khu vực hồ Văn để thu hút du khách.
Hồ Văn vốn được biết đến với vẻ đẹp nên thơ, bao gồm hồ nước, khuôn viên, đường dạo và gò nổi giữa hồ…, sau khi được tu bổ và đi vào hoạt động, có thể nhìn rõ bước chuyển mình của khu di tích qua các chương trình, sự kiện thường xuyên được tổ chức. Nơi đây từng bước trở thành điểm đến sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Thủ đô, thu hút đông khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Văn hóa đọc là điểm nhấn
Không gian của hồ Văn rộng gần 12.000m2, trải qua bao thăng trầm, có thời gian bị lấn chiếm, đến năm 2006, hồ Văn mới được bàn giao trở lại cho Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám quản lý. Trung tâm đã cải tạo một số hạng mục, kết nối tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Hội chữ Xuân vào dịp Tết Nguyên đán, các chương trình trải nghiệm văn hóa truyền thống cho trẻ em và các hội sách… Nhờ đó, hồ Văn dần trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc.
Một trong những điểm nhấn tại hồ Văn là chuỗi hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc đã mang lại một làn gió mới. Nổi bật là các hoạt động: trưng bày triển lãm sách, giao lưu giữa tác giả-bạn đọc, trò chơi tương tác… mang lại các giá trị thiết thực trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong năm 2024.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhấn mạnh: Để có không gian hồ Văn như bây giờ là một sự thay đổi lớn, không chỉ về hạ tầng, mà quan trọng hơn là cách thức tổ chức hoạt động để trong tương lai gần, nơi này có thể trở thành một không gian văn hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội mà vẫn giữ gìn được giá trị truyền thống. Việc xây dựng các hoạt động văn hóa, nhất là điểm nhấn về văn học và văn hóa đọc cho thấy quan điểm rõ ràng và sự quyết tâm của các cơ quan quản lý trong phát triển hồ Văn.
Thực tế, việc hợp tác giữa Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám với các cơ quan, đơn vị trong thời gian qua cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng. Trong những ngày đầu xuân, công chúng đã có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa của Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025, bao gồm: triển lãm thư pháp, xin chữ đầu năm; biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trưng bày sản phẩm làng nghề và trò chơi dân gian… Trong đó, không gian văn hóa có quy mô hơn 5.000 đầu sách, với sự tham gia của một số đơn vị, như: Trường Phương Books, Sách cũ miền Trung, Trường Giang Books, Nhà sách Phương Nam… với hàng loạt tác phẩm đa dạng về hình thức, đề tài, thể loại, hướng đến phục vụ đối tượng bạn đọc ở nhiều độ tuổi. Đại diện nhà sách Trường Phương Books cho biết, tại không gian hồ Văn, đơn vị mang đến rất nhiều đầu sách ý nghĩa, nhất là các mảng sách: nghiên cứu, tâm lý giáo dục, sách thiếu nhi, sách tiếng Anh…, đồng thời áp dụng chương trình tri ân bạn đọc, giảm giá nhiều đầu sách kèm quà tặng.
Bên cạnh các hoạt động giới thiệu sách, Ban tổ chức còn có nhiều hoạt động như thi kể chuyện về sách với các chủ đề khác nhau nhằm thu hút sự tham gia, tương tác của bạn đọc. Bày tỏ mong muốn về sự kết nối với không gian đặc biệt này, các đơn vị xuất bản sách cho rằng, một không gian như hồ Văn không thể chỉ dựa vào sự kiện ngắn hạn mà cần có các chương trình, hoạt động được tổ chức định kỳ, có chiến lược rõ ràng, liên tục, thu hút sự quan tâm của công chúng mới có thể tạo nên giá trị bền vững.
Cốt lõi là phải có hoạt động
Có vị trí ngay tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, đây là lợi thế rất lớn về lượng khách tham quan. Tuy nhiên, để không gian này thật sự trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn, các sự kiện cần được tổ chức xứng tầm với giá trị của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Một trong những yếu tố quan trọng là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và đối tác, doanh nghiệp. Đây là một vấn đề không đơn giản bởi ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, các đơn vị cũng phải bảo đảm tính bền vững trong hoạt động. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tuy đã được cải thiện, song chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các hoạt động văn hóa, du lịch đa dạng.
Các khu vực tổ chức sự kiện, triển lãm, hay các chương trình văn hóa nghệ thuật còn thiếu không gian linh hoạt, chưa đủ diện tích để phục vụ cho các hoạt động quy mô lớn; hệ thống giao thông kết nối giữa hồ Văn và các khu vực chung quanh, nhất là từ Văn Miếu đến hồ Văn chưa thuận tiện và chưa có phương án khả thi, gây khó khăn trong việc thu hút du khách; các dịch vụ tiện ích phục vụ du khách còn hạn chế, thiếu các khu vực ăn uống, nghỉ ngơi hay dịch vụ thông tin du lịch. Việc quảng bá, truyền thông về hồ Văn vẫn còn hạn chế. Mặc dù là không gian văn hóa lịch sử đặc biệt, nhưng nhiều người dân Hà Nội và du khách vẫn chưa nhận diện được hồ Văn là một phần quan trọng trong khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Điều này chứng tỏ công tác truyền thông, quảng bá chưa được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, sự chia sẻ, kết hợp từ phía người dân, yếu tố then chốt giúp hồ Văn trở thành một điểm đến sôi động, vẫn còn mờ nhạt.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, bên cạnh những khó khăn nêu trên, việc duy trì sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đang thật sự đặt ra thách thức. Việc phát triển các hoạt động hiện đại, thu hút khách tham quan, du lịch là cần thiết, nhưng không thể làm ảnh hưởng đến giá trị của khu di tích. Bởi thế, khi tổ chức các sự kiện, lễ hội hoặc các hoạt động du lịch, đôi khi cần phải điều chỉnh sao cho không phá vỡ không gian và không làm tổn hại đến các yếu tố văn hóa. Lợi ích từ những hoạt động ở lĩnh vực này nhiều khi không thể đo đếm bằng vật chất hay ngay lập tức thu về lợi nhuận lớn để có thể đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp, vì thế đây cũng là khó khăn, đòi hỏi các bên cần định hướng, hợp tác theo mục đích lâu dài, bền vững, vì cộng đồng.
Theo giới chuyên môn, để tạo dựng một hệ sinh thái văn hóa, du lịch bền vững cho hồ Văn, cần triển khai một số giải pháp cụ thể, sáng tạo. Đầu tiên, các sự kiện văn hóa về văn hóa đọc, triển lãm, cuộc thi viết, chương trình giao lưu giữa các tác giả, nhà nghiên cứu... cần được tổ chức định kỳ, có sự tham gia của cộng đồng, học sinh, sinh viên, các tổ chức văn hóa trong nước và ngoài nước, một mặt góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, mặt khác giúp kết nối các giá trị văn hóa truyền thống với xu hướng hiện đại. Bên cạnh đó, cần phát triển không gian văn hóa đa năng và các khu vực linh hoạt, dễ dàng thay đổi để phù hợp với từng sự kiện, giúp thu hút nhiều đối tượng khác nhau; tạo ra mạng lưới hợp tác với các tổ chức văn hóa, du lịch trong nước và quốc tế, nhất là với các đơn vị xuất bản sách, các nhà hát, câu lạc bộ nghệ thuật đương đại và các trường đại học nhằm quảng bá, giúp nâng cao uy tín, độ tin cậy.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh, cần tận dụng giá trị lịch sử, văn hóa của hồ Văn nói riêng và Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói chung thông qua việc có thể tổ chức các khóa học, chương trình đào tạo về nghệ thuật truyền thống, như: thư pháp, vẽ tranh, làm tranh dân gian, biểu diễn nghệ thuật... để thu hút khách du lịch, giúp giáo dục cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.
Một trong những giải pháp hiệu quả nhằm gắn kết chặt chẽ hồ Văn với Văn Miếu-Quốc Tử Giám là phát triển các tour du lịch văn hóa liên kết được thiết kế theo hướng kết hợp tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của các danh nhân khoa bảng và tương tác bằng nhiều hoạt động bổ trợ tại hồ Văn; phát triển các khu vực riêng dành cho ẩm thực truyền thống, sản phẩm quà lưu niệm được chọn lọc kỹ càng, ưu tiên dấu ấn riêng biệt. Để hồ Văn trở thành điểm đến hấp dẫn, cần tăng cường quảng bá thông qua các kênh truyền thông hiện đại và các nền tảng du lịch trực tuyến. Ngoài ra, cần đẩy mạnh vai trò của cộng đồng địa phương trong hệ sinh thái văn hóa cho hồ Văn. Các hoạt động cộng đồng từ giao lưu văn hóa, lễ hội dân gian, chia sẻ các câu chuyện thú vị về vùng đất, con người… cần tổ chức thường xuyên, giúp tạo ra một không gian sống động, gắn kết chặt chẽ giữa không gian với cộng đồng.
"Chúng tôi đã và đang làm việc với hàng loạt tổ chức, cá nhân để tư vấn, xây dựng kế hoạch, hy vọng cơ bản định hình để sớm công bố chương trình hoạt động. Tất cả đều phải xây dựng kỹ, bám sát quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn trong định hướng phát triển chung của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Với điều kiện hiện nay, nhiều đối tác tiềm năng đã sẵn sàng, song phải cân nhắc về sự phù hợp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, sức ép là lợi nhuận, trong khi hoạt động văn hóa cần bền vững. Điều đó đòi hỏi năng lực của cả đôi bên để hài hòa. Về cơ sở hạ tầng, điều kiện cho hoạt động tuy không thể một sớm, một chiều đáp ứng nhưng đều có giải pháp xử lý được", ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Kiến tạo hệ sinh thái văn hóa cho hồ Văn là quá trình dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư, nỗ lực không ngừng từ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng, như nhận định của Ban quản lý Trung tâm hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Cốt lõi là phải có hoạt động. Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng của hồ Văn rất phù hợp để kết hợp với các nhà hát, câu lạc bộ nghệ thuật đương đại để xây dựng chương trình thực cảnh. Theo kế hoạch, trong năm 2025, không gian hồ Văn sẽ trở nên sôi động hơn nhằm bám sát phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa lớn của đất nước, thành phố, đồng thời phục vụ du khách tốt hơn để từng bước tiến đến giá trị đa năng, đa dạng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kien-tao-he-sinh-thai-van-hoa-ben-vung-cho-ho-van-post860069.html