Kiến nghị tăng các gói hỗ trợ, chấp nhận bội chi cao hơn
Các chuyên gia sau khi nêu bức tranh tối màu về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra thì kiến nghị mở rộng gói hỗ trợ cho người dân.
Ngày 27-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia về kinh tế - xã hội.
“Quý III ước tính dự báo có thể tăng trưởng âm 2%”
Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho hay VCCI vừa kết thúc đợt khảo sát 2.800 doanh nghiệp (DN) ở cả 63 tỉnh, thành, cho kết quả rất đáng lo ngại.
Theo đó, có gần 94% DN được hỏi cho biết tác động của dịch đối với DN là rất tiêu cực và trung bình có gần 91% DN đã phải sa thải lao động…
Còn TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho là “số liệu của Tổng cục Thống kê, mức độ thất nghiệp chỉ khoảng 2,6%” là không đúng thực tế và nhận định tác động của đợt dịch lần thứ tư tới tốc độ tăng trưởng rất rõ ràng.
Ông nêu: Ở lĩnh vực công nghiệp, tăng trưởng vẫn tốt tới tháng 5, chậm lại một chút trong tháng 6 thì tới tháng 7 không có tăng trưởng và bắt đầu giảm mạnh vào tháng 8. “Nếu chúng ta không có giải pháp cấp bách thì động lực này sẽ tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ ngân sách, xuất nhập khẩu và các chỉ số khác…” - ông Tự Anh nêu.
Theo TS Tự Anh, hầu như tất cả ngành công nghiệp chế tạo, chế biến của Việt Nam đều tăng trưởng âm, ví dụ giày dép -28%, đồ uống -23%...
Về tăng trưởng kinh tế, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV - TS Cấn Văn Lực đồng tình với dự báo của Bộ KH&ĐT là năm 2021, Việt Nam nhiều lắm chỉ tăng trưởng 3,5%-4%. “Quý III ước tính dự báo có thể tăng trưởng âm 2%. Muốn đạt được mức tăng trưởng 3,5% trong năm nay thì quý IV phải tăng trưởng 3,9%. Còn nếu muốn ngưỡng 4% thì quý IV phải tăng trưởng 5,1%” - ông Lực nói.
TS Lực cho rằng các chính sách hiện đang thiếu nhất quán, tương đối giật cục, thay đổi rất nhanh, rất nhiều dẫn đến DN hết sức bị động. Trong khi đó, khâu sửa những điểm bất cập rất chậm khiến tăng chi phí, gây lo lắng, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng ở nhiều DN, nhiều địa phương khác nhau…
Lo ngại 63 địa phương trở thành 63 nền kinh tế
“Chúng ta đã áp đặt mô hình zero COVID kéo quá dài. Chúng ta phong tỏa cứng đất nước. Thực chất phong tỏa cứng và rộng chỉ được bảy ngày, cùng lắm là 10 ngày. Chúng ta không thể phong tỏa cứng đất nước gần nửa năm trời” - TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định.
Theo ông Dũng, quan trọng nhất để phục hồi kinh tế là chuyển đổi mô hình chống dịch. “Rất mừng là Thủ tướng đã bắt đầu làm việc này nhưng hiện các địa phương vẫn rất khác nhau. Tôi cho rằng phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng thời điểm này phải cần mệnh lệnh từ trung ương. Còn mỗi tỉnh một kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được” - TS Dũng nói.
Tương tự, TS Cấn Văn Lực mong Chính phủ sớm có một khung về phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện mới. “Nếu để cho mỗi địa phương làm một kiểu, mỗi địa phương một phương án, mỗi địa phương một kế hoạch, mỗi địa phương một chương trình, một chiến lược thì lại là 63 nền kinh tế. Câu chuyện liên kết vùng, liên kết hợp lực để phòng chống dịch sẽ không hiệu quả” - ông Lực nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng đánh giá việc liên kết vùng, liên kết địa phương rất kém. Ông dẫn chứng: Xe chở thiết bị y tế từ TP.HCM về Sóc Trăng phải cần sự can thiệp từ trung ương.
Ông cũng lo ngại tư duy cấm cản, cấp phép đang phổ biến trở lại ở các địa phương. “Tôi nhận được thư yêu cầu của một đại sứ hỏi “tại sao giám đốc sở hay trưởng ban quản lý khu công nghiệp lại có thể ra lệnh đóng cửa một DN 5.000-6.000 công nhân?”. Nếu việc này không chấm dứt sẽ tạo hệ quả lo ngại lâu dài trong thời gian tới” - ông Tuấn nói.
Mở rộng gói hỗ trợ tiền điện, viễn thông…
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất đề xuất cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, DN đã ban hành. Song song đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
TS Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung gần 40.000 tỉ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.
Cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động tự do với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người, với quy mô 29.300 tỉ đồng (khoảng 29,3 triệu lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương. Theo TS Lực, Nghị quyết 68 cho phép các địa phương tự chi nhưng mới có khoảng 20 địa phương thực chi, khoảng 20.000 tỉ đồng.
Với gói hỗ trợ tiền điện, vị chuyên gia của BIDV kiến nghị nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và DN, tương đương năm 2020 (khoảng 10.900 tỉ đồng). Theo đó, EVN có thể xem xét mở rộng đối tượng được giảm, với ngân sách giảm bổ sung khoảng 7.750 tỉ đồng.
Với gói hỗ trợ viễn thông, nên thiết thực hơn để nhiều người có thể tiếp cận và được hưởng, chẳng hạn nên giảm giá cước 20%-30% trong ba tháng, thay vì cách hỗ trợ bằng nâng cấp hạ tầng, khuyến mãi cho một số đối tượng như hiện nay…
TS Vũ Thành Tự Anh cũng đề nghị giải ngân hiệu quả nhất gói an sinh xã hội và các gói hỗ trợ, phê chuẩn triển khai ngay gói miễn, giảm thuế; đồng thời khởi động lại các dự án đầu tư công.
“Vào năm 2022, tôi nghĩ Quốc hội kiên quyết trong việc chấp nhận có một gói hỗ trợ nền kinh tế và kích cầu cao hơn nhiều so với năm 2021, chấp nhận tỉ lệ bội chi ngân sách cao hơn” - ông Tự Anh nói.
Theo ông Tự Anh, trong điều kiện lãi suất giảm, trái phiếu đang giảm, tỉ lệ bội chi ngân sách đang trong tầm kiểm soát thì “trong bối cảnh bất thường cần có một quyết tâm bất thường”.
Chủ tịch Quốc hội: Cần chú trọng đến tâm lý của người dân
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất với các chuyên gia về năm nguyên nhân khiến Việt Nam từ vị trí “ngôi sao” chuyển xuống nhóm nước có tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trong năm nay.
Cụ thể, tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc trong thời gian gần đây; thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; thực hiện các chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu linh hoạt khiến hiệu quả chống dịch chưa đạt như mong muốn. Chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, chính sách tiền tệ ở mức trung bình thấp, chính sách tài khóa chưa tham gia nhiều do nguồn lực còn hạn chế. Các chương trình trợ giúp xã hội cũng còn hạn chế…
Ông Huệ thống nhất với ý kiến các chuyên gia về việc phải tập trung đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vaccine, xét nghiệm vì đây là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến các chuyên gia liên quan đến quản trị quốc gia, phân quyền, ủy quyền, liên kết vùng… và đồng tình “phải thay đổi về cách thức và sách lược”. Thống nhất cần phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp…
Theo ông Huệ, ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch COVID-19, tăng nhanh tiêm chủng vaccine, giảm tỉ lệ tử vong…
Ông tiếp tục khẳng định: Mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe nhân dân, cả về thể chất và tinh thần. Đồng thời duy trì linh hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể, trong điều kiện có dịch bệnh. “Thực chất là tìm điểm cân bằng tối ưu giữa y tế và phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng linh hoạt theo thời điểm, địa điểm, diễn biến của dịch, không nhất thiết phải trên diện rộng và phải có lộ trình, mở dần nhưng có kiểm soát để vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa phục hồi được kinh tế” - ông Huệ lưu ý.
“Cần lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp trên cơ sở tỉ lệ tiêm chủng vaccine, không mở cửa ồ ạt và mở cửa có điều kiện cho từng ngành, lĩnh vực, đối tượng cá nhân và DN. Chống dịch và phát triển kinh tế phải hết sức chú trọng khía cạnh xã hội và tâm lý của người dân” - Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý cần nới lỏng có chọn lọc một số hoạt động xã hội để hạn chế sức ép của dịch bệnh đối với xã hội.