Kiểm soát nghiêm ngặt thiết bị có yêu cầu về an toàn lao động

Phó trưởng phòng Chính sách lao động (Sở Lao động, thương binh và xã hội) Nguyễn Hồng Quang.

Phó trưởng phòng Chính sách lao động (Sở Lao động, thương binh và xã hội) Nguyễn Hồng Quang.

Ngay sau vụ tai nạn lao động nổ lò hơi xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu) ngày 1-5 làm 6 người chết và 5 người bị thương, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn Đồng Nai.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động, thương binh và xã hội (Sở LĐ-TBXH) đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại 24 DN trên địa bàn tỉnh. Ông NGUYỄN HỒNG QUANG, Phó trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TBXH, làm trưởng đoàn kiểm tra số 2, cho biết qua giám sát thực tế, đoàn đã nhắc nhở, hướng dẫn, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các DN vi phạm về ATVSLĐ.

Nhiều hạn chế trong công tác ATVSLĐ

Thưa ông, qua giám sát, kiểm tra thực tế, việc tuân thủ các quy định về ATVSLĐ tại các DN như thế nào?

- Thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh về thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ, Sở LĐ-TBXH đã thành lập 2 đoàn đi kiểm tra, giám sát ở các DN về quản lý, sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và công tác huấn luyện ATVSLĐ. Đây là những đơn vị có sử dụng nhiều thiết bị, đặc biệt là thiết bị chịu áp lực.

Qua kiểm tra, nhìn chung có những đơn vị thực hiện tương đối tốt về công tác quản lý, sử dụng các máy móc, thiết bị và huấn luyện an toàn lao động. Cụ thể như: đã kiểm định, khai báo sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về sở như: lò hơi, bình chứa khí nén, xe nâng...

Tuy nhiên, còn một số đơn vị, DN chủ quan, thực hiện chưa tốt các quy định về công tác ATVSLĐ. Đối với những đơn vị này, đoàn đã nhắc nhở, hướng dẫn và đề nghị thực hiện đúng quy định; đồng thời cho thời gian khắc phục và báo cáo về sở bằng văn bản trong vòng 10 ngày. Nếu trong thời gian này, DN không khắc phục, đoàn sẽ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Những lỗi vi phạm của DN trong thực hiện các quy định về ATVSLĐ cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Đó là những lỗi vi phạm trong tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động (NLĐ), không thực hiện khai báo thiết bị trước khi sử dụng. Có DN huấn luyện mang tính chất đối phó, huấn luyện chưa đủ người, thời gian, thời lượng, chương trình theo quy định.

Đây là hạn chế mà các DN cần chấn chỉnh, thực hiện nghiêm bởi nếu NLĐ không được huấn luyện đầy đủ các nội dung, kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ sẽ là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc.

Tính đến ngày 10-6, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 349 vụ tai nạn lao động làm 353 người bị nạn. Trong đó có 20 vụ tai nạn lao động làm 25 người chết. Nguyên nhân chủ yếu là trong quá trình làm việc, NLĐ bị ngã từ trên cao, va đập, vật ép, bỏng hóa chất, nổ bình chứa khí.

Bên cạnh đó, việc kiểm định thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt ở một số DN chưa đúng quy trình. Có những đơn vị thực hiện kiểm định thiết bị nhưng chưa giám sát được các quy trình kiểm định của những đơn vị kiểm định. Ví dụ như kiểm định thiết bị áp lực nhưng lại không thực hiện siêu âm, hoặc kiểm định nồi hơi nhưng nồi hơi vẫn hoạt động bình thường thì không đảm bảo đúng quy trình. Đối với NLĐ được phân công, bố trí vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng chưa có chứng chỉ vận hành hoặc chưa qua đào tạo.

Đối với những hạn chế trên, đoàn đề nghị các DN khắc phục như thế nào, thưa ông?

- Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế việc sử dụng thiết bị tại các DN, đối với các hạn chế, đoàn đưa ra một số kiến nghị và cho thời hạn khắc phục. Cụ thể, đề nghị DN tiến hành khai báo sử dụng thiết bị về Sở LĐ-TBXH; tổ chức ngay việc huấn luyện bổ sung thời gian, thời lượng, chương trình về ATVSLĐ cho NLĐ các nhóm theo quy định tại Điều 14 Luật ATVSLĐ và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đề nghị DN thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với hệ thống đường ống dẫn khí nén theo quy định; tổ chức đào tạo NLĐ vận hành nồi hơi, bình chịu áp lực… DN chỉ được bố trí lao động vận hành các thiết bị khi đã được đào tạo, có chứng chỉ vận hành. Ngoài ra, cần xây dựng, niêm yết, lắp đặt đầy đủ các nội quy, quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố các thiết bị và các biển cảnh báo về ATVSLĐ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở NLĐ tuân thủ các quy định về ATVSLĐ.

Đối với DN có hành vi vi phạm nghiêm trọng, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính để xử phạt theo quy định. Ngoài ra, các đơn vị dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, kiểm định thiết bị có vi phạm, đoàn đã mời đến sở làm việc để chấn chỉnh và lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt để chấn chỉnh kịp thời.

DN cần tuân thủ nghiêm quy định về ATVSLĐ

Thưa ông, qua hướng dẫn, nhắc nhở, đến nay, các DN đã khắc phục hạn chế về ATVSLĐ ra sao?

- Qua kiến nghị của các đoàn kiểm tra, các DN đã nhìn nhận ra những hạn chế, vi phạm và hứa khắc phục sớm nhất. Cụ thể như huấn luyện an toàn lao động bổ sung đủ thời lượng, thời gian cho NLĐ; khai báo thiết bị sử dụng có yêu cầu nghiêm ngặt về sở. Qua theo dõi, tổng hợp, từ đầu tháng 5 đến nay, có khoảng 130 DN tiến hành khai báo các máy móc, thiết bị sử dụng về Sở LĐ-TBXH.

Trước đó, Sở LĐ-TBXH tổ chức đoàn giám sát công tác ATVSLĐ tại các công trình xây dựng. Các đơn vị đã khắc phục thiếu sót trong tổ chức sản xuất, xây dựng và có chụp hình ảnh, báo cáo bằng văn bản gửi về sở. Cụ thể như: treo bảng cảnh báo nguy hiểm, chỉ dẫn về an toàn lao động tại công trình, nơi sản xuất; tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, trang bị bảo hộ lao động và huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ.

Ông có khuyến nghị gì đối với các DN, cơ sở sản xuất và NLĐ trong công tác ATVSLĐ thời gian tới?

- Để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và nhận thức của NLĐ về công tác ATVSLĐ, thời gian qua, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ quản lý, Công đoàn, cán bộ làm công tác an toàn lao động và NLĐ ở các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố mất an toàn, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Chú trọng cập nhật những điểm mới, quy định mới của pháp luật về công tác ATVSLĐ; những mô hình và kinh nghiệm cụ thể để các đơn vị áp dụng thực hiện.

Đoàn kiểm tra do Sở Lao động, thương binh và xã hội chủ trì kiểm tra thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra do Sở Lao động, thương binh và xã hội chủ trì kiểm tra thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng gần đây, cụ thể là vụ tai nạn do nổ lò hơi tại DN gỗ vừa qua cho thấy, công tác ATVSLĐ ở một số DN chưa nghiêm, còn chủ quan, thậm chí “thờ ơ”. Qua đợt giám sát thực tế vừa qua, đoàn kiểm tra đề nghị các DN, cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ, nhất là việc sử dụng, quản lý, vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt và công tác huấn luyện an toàn lao động để đảm bảo sản xuất an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đoàn lưu ý các DN khi mời các đơn vị dịch vụ đến kiểm định an toàn các thiết bị phải cử người có trình độ kỹ thuật tham gia giám sát để đảm bảo việc kiểm định được đúng quy trình. Đối với các đơn vị kiểm định, phải chấn chỉnh các kiểm định viên kiểm định đúng quy trình của từng thiết bị.

Đối với các đơn vị dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, cử người huấn luyện đứng lớp phải đúng chuyên môn và huấn luyện đầy đủ thời gian của từng nhóm đối tượng. Còn với NLĐ, phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ; thực hiện đúng các quy trình vận hành, sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình.

Xin cảm ơn ông!

Lan Mai (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202406/kiem-soat-nghiem-ngat-thiet-bi-co-yeu-cau-ve-an-toan-lao-dong-0d340e0/