Kích cầu tiêu dùng cuối năm: 'Bàn đạp' về đích cho nền kinh tế
Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vẫn đang chịu nhiều thách thức. Hàng loạt giải pháp kích cầu dịp cuối năm đã được đưa ra với kỳ vọng kinh tế Việt Nam 2024 sẽ đạt được những bước tiến mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP vượt mức 7% và xây dựng bước chạy đà cho kinh tế 2025.
Câu chuyện tại sự kiện Online Friday - Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam vừa qua đã lập nên thành tích ấn tượng khi livestream của Quang Linh Vlog nhận được hơn 24 triệu lượt xem với 31.000 đơn hàng được bán ra chỉ trong một đêm không chỉ là điểm nhấn của chiến dịch kích cầu tiêu dùng cuối năm mà còn là minh chứng cho tiềm năng của thị trường nội địa Việt Nam khi được thúc đẩy đúng cách.
Tổng cầu trong nước còn yếu
Online Friday chỉ là một trong nhiều hoạt động nổi bật đang diễn ra trên khắp cả nước, nhằm tăng sức mua, phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa, và hướng đến mục tiêu đầy tham vọng: tăng trưởng GDP vượt 7% vào cuối năm 2024.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần trước, khi được hỏi về các động lực tăng trưởng kinh tế từ nay đến hết năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã bày tỏ tin tưởng vào hai động lực gồm xuất khẩu và đầu tư.
Riêng với động lực tiêu dùng, Thứ trưởng nhận định: “Tiêu dùng hàng hóa trong nước đã có dấu hiệu tích cực, nhưng mức tăng chưa đạt kỳ vọng”. Thực tế mà Thứ trưởng nhắc đến cũng được phản ánh rõ nét qua số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 11 tăng 8,8%, thấp hơn đà tăng 9,7% của năm trước. Sau khi loại trừ yếu tố giá, mức tăng chỉ đạt 5,8%, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 7%. Những con số này một lần nữa khẳng định sự phục hồi yếu so với kỳ vọng của nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Tâm lý thận trọng chi tiêu vẫn phổ biến, đặc biệt ở các ngành dịch vụ và du lịch. Dù lượng khách nội địa và quốc tế tăng mạnh thời gian qua, mức chi tiêu của khách không tăng tương ứng, khiến doanh thu ngành gặp khó khăn.
Tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra, từ nay đến cuối năm, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng chính trị, xung đột quân sự có nguy cơ leo thang và lan rộng, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, giá dầu tiềm ẩn nguy cơ biến động mạnh. Trong khi đó, tổng cầu trong nước còn yếu, vướng mắc của một số dự án năng lượng, bất động sản… chưa được tháo gỡ triệt để, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3.
Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban, ngành địa phương thực hiện một loạt các giải pháp phù hợp nhằm tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư…
Bước chạy đà cho năm 2025
Các hoạt động kích cầu đang mở ra hy vọng về một sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn. “Hy vọng vào thời điểm cuối năm, những ngành quan trọng có thể tác động đến gia tăng tiêu dùng trong nước. Tận dụng cơ hội chi tiêu của người dân vào thời điểm lễ Noel, dịp Tết dương lịch”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương kỳ vọng.
Có thể thấy nỗ lực không nhỏ của Bộ Công Thương và các địa phương thời gian qua trong việc nắm bắt cơ hội, tổ chức các hoạt động kích cầu.
Đơn cử, sự kiện Online Friday 2024 diễn ra vào 28/11 với sự tham gia của hàng trăm nhà bán hàng, đã thu hút hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước. Hay như tại Hà Nội - điểm sáng kích cầu của cả nước cũng đã tổ chức hàng loạt sự kiện như “Hà Nội siêu hội mua sắm”, “Ngày Vàng giá shock”, “Hà Nội đêm không ngủ”… thu hút hàng nghìn người tiêu dùng và doanh nghiệp tham gia, cung cấp các chương trình giảm giá lên tới 100%.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, bên cạnh các sự kiện chính, nhiều hoạt động kích cầu, xúc tiến thương mại sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm hàng Việt Nam như hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng"; hội chợ nông sản thực phẩm an toàn TP Hà Nội 2024; tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội 2024...
Bên cạnh các giải pháp trước mặt, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng đang được đề xuất để kích cầu tiêu dùng trong dài hạn, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2025. Tại dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế GTGT, theo Nghị quyết ngày 30/11 về kỳ họp thứ 18, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế GTGT, hiệu lực thi hành từ 1/1 - 30/6/2025.
“Việc ban hành Nghị định nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025”, Bộ Tài chính nhận định.
Đề xuất này nhận được nhiều ủng hộ. Bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, cho biết, giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp có tác động lớn nhất trong số các giải pháp kích cầu: “Không chỉ có độ phủ tới tất cả người tiêu dùng, mà còn góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, góp phần giảm giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Điều này giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo việc làm, qua đó tăng thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện cho người dân tăng chi tiêu”.
Ba Phương cũng lưu ý, bên cạnh giải pháp trên, thời gian tới cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng tốc giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, logistics,... cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.
Có thể thấy, kích cầu tiêu dùng không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn là bước đi chiến lược để phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Sự tham gia của người tiêu dùng - mỗi hành động mua sắm, mỗi đồng chi tiêu - sẽ góp phần quan trọng vào bức tranh tăng trưởng chung của năm 2024 và chuẩn bị cho năm 2025 thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025.
“Tôi cho rằng với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành cùng những giải pháp đúng đắn đã đề ra từ đầu năm đến giờ, chúng ta tăng mức độ, cường độ thực hiện vào tháng cuối, không những có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao mà có thể đạt cao hơn 7% một chút. Đây là kết quả tăng trưởng của năm 2024 và chúng ta hoàn toàn có hy vọng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định và cho biết thêm, về năm 2025, hiện nay Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo trên tâm thế 8%.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế
Tăng trưởng vẫn dựa vào hai động lực chính là xuất khẩu và FDI. Còn động lực rất quan trọng đó là tiêu dùng và đầu tư trong nước nữa không thấy tăng nhiều. Tiêu dùng chịu ảnh hưởng suốt từ thời COVID-19 đến bây giờ chưa phục hồi được. Mặc dù GDP tăng, GDP đầu người tăng nhưng tôi chưa thấy vui vì trên thực tế cuộc sống của đông đảo người dân chưa được cải thiện tương ứng như những con số đang nói đến.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
Sự hồi phục của thị trường trong nước chưa thực sự bền vững, và tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng. Vì thế, việc cải cách các chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân trong thời gian tới cũng là điểm nhấn. Cần phấn đấu tăng tầng lớp trung lưu, qua đó đóng góp động lực tăng trưởng cho dịch vụ và tiêu dùng trong nước tốt hơn, đảm bảo cho sự tăng trưởng.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Việc triển khai tổng thể nhiều giải pháp, chương trình khuyến mãi năm 2024 kỳ vọng sẽ đạt được các mục tiêu gồm kích cầu nội địa; tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng như tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bình ổn giá cả, ổn định thị trường.