Không thể đo lường đứa trẻ bằng điểm số qua kỳ thi

Giáo dục cần phải tập trung vào việc bồi dưỡng và vun trồng nhân cách hơn là đo lường đứa trẻ bằng điểm số sau mỗi kỳ thi...

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, không thể đo lường đứa trẻ bằng điểm số sau mỗi kỳ thi. (Ảnh: NVCC)

Để con được nếm trải thất bại

Hồi cấp 1, con trai lớn nhà tôi đi thi chọn đội tuyển học sinh giỏi trường, bị trượt. Con về nhà, cười toe toét khoe với mẹ: “Con bị trượt đội tuyển rồi mẹ ạ”. Thời đó, con chẳng hiểu thế nào là học sinh giỏi, là đội tuyển, chả thấy có gì buồn tủi.

Hè năm lớp 5, lúc tôi đi Mỹ về thì cũng là lúc con đã trượt hết các trường cấp 2. Nhưng con vẫn vui vẻ vô tư, chẳng thấy buồn tủi gì. Con khoe trường con thi đông, con làm được bài nhưng mà bị sai, kéo tụt điểm xuống.

Lớp 7, lớp 8 là thời kỳ khủng hoảng chồng lên khủng hoảng. Covid-19 khiến cho con buộc phải cố thủ trong nhà, học online có lúc tới 8-9 tiếng mỗi ngày. Tôi có thêm em bé, con đến tuổi dậy thì, cả nhà như một con thuyền trong cơn bão. Con cáu kỉnh, bực bội, “đá thúng đụng nia” và nghiện game, học hành chểnh mảng. Kết quả học tập của con lao dốc một cách thê thảm. Tôi không biết phải làm thế nào mỗi lần cô giáo nhắn tin phản ánh về việc học của con.

Lên lớp 9 là thời kỳ ôn thi căng thẳng, cũng là lúc con bắt đầu cảm nhận được áp lực học hành, cảm nhận được vị đắng chát của thất bại và bắt đầu nỗ lực. Một tia hy vọng vừa mới nhen lên chưa lâu, thì một thất bại lại ập xuống. Tôi đọc được sự mặc cảm và thất vọng, thậm chí phẫn uất trong con. Nhưng tôi cũng không còn cách nào khác, ngoài việc để con tự nếm trải thất bại...

Trưởng thành sau mỗi kỳ thi

Nhưng khi con đối mặt với thách thức, tôi bắt đầu nhận ra trong con những phẩm tính của một chàng trai trưởng thành, sự trung thực, lòng tự trọng, tính trách nhiệm, sự quyết tâm và nội lực vượt khó.

"Không thể nói một đứa trẻ 10 điểm sẽ đáng giá hơn một đứa trẻ 2 điểm. Thế nên, nếu chỉ đo toàn bộ sự trưởng thành của trẻ bằng những điểm số của thi cử, thì thực sự phiến diện, nông cạn và mù quáng".

Tôi vui mừng nhận ra con người bên trong con đã dần hiện lên, ngày một rõ nét, vững vàng. Tôi đã cảm nhận được con người bên trong đó trong suốt hành trình nuôi con, cũng không ngừng chăm sóc, nuôi lớn cho “cái cây nhân cách” đó, nhưng cũng không biết bao lần đã hoài nghi, băn khoăn, thất vọng, thậm chí bế tắc.

Thế nhưng giờ đây, sau một kỳ thi, tôi đã thực sự tin tưởng vào con. Không phải vì những thành tích mà con đạt được, mà vì bản lĩnh và nội lực mà con tự mình khai phá khi đương đầu với thất bại và thách thức.

Tôi không chỉ nhìn thấy kết quả của 9 năm học dựa trên điểm số mà con có được. Con được điểm cao tất nhiên là vui, tất nhiên là tự hào. Con bị điểm thấp và thi trượt, tất nhiên là buồn. Nhưng không thể chỉ đo kết quả của 9 năm học bằng điểm số.

Thế còn sự trưởng thành về thể chất, về cảm xúc, về nhân cách của con thì sao? Giá trị sống, lý tưởng sống của con thì sao? Còn biết bao nhiêu thành tích khác đã không thể hiển lộ qua những con số sơ giản. Còn bao nhiêu trải nghiệm, bài học mà con đã không ngừng học được trong cuộc đời của mình - những cái không đo được bằng điểm số.

"Với một đứa trẻ được đặt lên người quá nhiều kỳ vọng, thì không đỗ được một ngôi trường 'khó như lên trời' đã bị coi là thất bại. Đằng sau những thứ chúng ta định nghĩa là thành công hay thất bại, là rất nhiều những định kiến xã hội mà nếu không tỉnh táo, ta sẽ bị nó nhấn chìm".

Còn bao nhiêu niềm vui và những việc tốt lành mà con từng mang lại cho người khác, cũng không đo lường được bằng các con số. Không thể nói một đứa trẻ 10 điểm sẽ đáng giá hơn một đứa trẻ 2 điểm.

Thế nên, nếu chỉ đo toàn bộ sự trưởng thành của trẻ bằng những điểm số của thi cử, thì thực sự phiến diện, nông cạn và mù quáng.

Hãy vững vàng trước “cơn bão” thi cử

Thất bại hay thành công trong cuộc sống chẳng qua chỉ là một quy ước. Với một đứa trẻ được đặt lên người quá nhiều kỳ vọng, thì không đỗ được một ngôi trường "khó như lên trời" đã bị coi là thất bại. Đằng sau những thứ chúng ta định nghĩa là thành công hay thất bại, là rất nhiều những định kiến xã hội mà nếu không tỉnh táo, ta sẽ bị nó nhấn chìm.

Nếu chẳng may con có kết quả chưa như ý vào thời điểm này, lẽ dĩ nhiên phụ huynh có thể buồn bã, thất vọng và giận dữ, trách móc và tiếc nuối.

Nhưng cũng chính vào thời điểm này, cha mẹ có thể dừng lại một chút để tự hỏi: Con mình đã học được những bài học gì trong suốt những năm đi học? Con đã trưởng thành ra sao? Những phẩm tính tốt đẹp nào đã hình thành trong con? Tiềm năng nào trong con chưa được phát huy hết sức? Làm thế nào để phát huy nó trong những giai đoạn tiếp theo? Con cần thêm những hỗ trợ gì?

Kết quả thi cử không quan trọng, nhưng nó sẽ là một dữ liệu tốt để bạn phân tích và trả lời những câu hỏi này. Khi đặt ra những câu hỏi đó, bạn sẽ nhìn mọi việc theo một cách khác, lạc quan hơn và điềm tĩnh hơn. Và đó chính là lúc cha mẹ có thể cùng ngồi xuống để chuyện trò với con, như những người lớn.

Tôi luôn cho rằng, giáo dục cần phải tập trung vào việc bồi dưỡng và vun trồng nhân cách hơn là đo lường đứa trẻ bằng điểm số. Và nếu ý thức được điều này, chúng ta sẽ có đủ điềm tĩnh và vững vàng trước “cơn bão” thi cử, để có thể bước những bước thảnh thơi trên hành trình làm cha mẹ.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khong-the-do-luong-dua-tre-bang-diem-so-qua-ky-thi-233695.html