Không tăng biên chế nếu cơ sở y tế được tự chủ

Khi các BV, cơ sở y tế tự chủ được họ có thể mời bác sỹ tư nhân cùng hợp tác, khám chữa bệnh chứ không nhất thiết phải tăng biên chế…

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2018, Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại hội nghị: Trước hết ngành y tế cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa biên chế, tổ chức bộ máy với thực hiện tự chủ BV thực sự. Tỷ lệ điều dưỡng viên, bác sĩ ở Việt Nam còn thấp so với trung bình của thế giới và cần tăng tỷ lệ này lên nhưng không cần tăng biên chế nếu các BV, cơ sở y tế được tự chủ.

“Đừng nghĩ chỉ BV Trung ương như Bạch Mai, Việt Đức mới tự chủ được mà thực tế cho thấy nhiều trạm y tế có thể hoàn toàn tự chủ được. Khi tự chủ, tính giá dịch vụ y tế, chất lượng lên, bệnh nhân đến nhiều, thì không chỉ có thu nhập mà quan trọng tay nghề, chuyên môn nâng lên.

Thậm chí có những trạm y tế mời được những bác sĩ tư nhân cùng hợp tác, thậm chí khám chữa bệnh trong trạm. Tinh thần là sử dụng toàn bộ nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực trên địa bàn để chăm sóc sức khỏe cho người dân, không phân biệt công hay tư”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh việc cập nhật bệnh án điện tử. ảnh: M.Q

Báo cáo của Bộ Y tế về công tác y tế trong năm 2017 cho thấy một số sự kiện nổi bật của ngành như Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Ngành y tế đã đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tăng tỷ lệ BHYT lên 86,4%.

Việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế, cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn… vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm do BHXH thanh toán, tạo điều kiện cho các BV nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT được tốt hơn, khuyến khích các BV tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên. Mặt khác khuyến khích người dân mua BHYT (tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 86,4% năm 2017).

Đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế làm nhiệm vụ y tế dự phòng không có giường bệnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, TP…

Bên cạnh đó, ngành y tế hoàn thành việc chấm điểm bộ chỉ số CCHC PAR Index năm 2016 của Bộ và công bố kết quả. Chỉ số CCHC năm 2016 của Bộ Y tế do Chính phủ công bố là 79,69 điểm, đứng ở vị trí 11/19 Bộ... Đồng thời, ngành y tế đã đăng ký và triển khai một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trong năm 2017, tất cả 377 TTHC thực hiện tại Bộ Y tế đã được cung cấp ở mức độ 2; 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 52 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tăng 20 dịch vụ so với năm 2016.

Trong năm qua, Bộ Y tế đã triển khai 45 đoàn thanh tra, kiểm tra và tham gia 15 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, ban hành 46 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 1,1 tỷ đồng. Tại các địa phương, thanh kiểm tra 625.060 cơ sở, tăng 35,5% so với năm 2016, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (19,8%), xử lý vi phạm đã được thực hiện kiên quyết hơn: Đã xử lý 32.579 cơ sở (tăng 75% so với năm 2016) với số tiền phạt là 61 tỷ đồng (tăng 92,7% so với năm 2016).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận những kết quả của ngành y tế trong năm 2017. Dù còn việc này, việc khác nhưng ngành y tế đã nỗ lực hành động, làm tới cùng một số việc và đạt được kết quả toàn diện. Chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của cán bộ, y tế ở các BV, các tuyến nâng lên một bước rõ rệt.

Trong nhận thức, hành động, ngành y tế đã làm nhiều việc để y tế dự phòng, y tế cơ sở tiến tới thực sự làm đúng vai trò, để y tế chuyên sâu và y tế dự phòng phát triển đều nhau. Hoạt động đấu thầu thuốc tập trung ở cấp quốc gia mới được hơn 10 loại hoạt chất nhưng đã giảm giá thuốc từ 17% đến trên 20%...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2018, Bộ Y tế, ngành y tế, từng cơ sở y tế cần nghĩ thật kỹ, viết ra thật cụ thể từng việc phải làm để thực hiện phương châm 10 chữ của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Đừng nói chung chung. Xây dựng mô hình y tế cơ sở cần phát huy sáng tạo tùy điều kiện cụ thể của địa phương không cứng nhắc, máy móc, có vậy mới hiệu quả.

“Không phải tới đây các trạm y tế xã, phường làm chung một mẫu giống nhau mà tùy điều kiện, khả năng của từng nơi. Bộ chỉ hướng dẫn về chức năng, những yêu cầu đặt ra, nếu không sẽ dẫn tới lãng phí, chưa kể nảy sinh tâm lý chờ đợi một đợt trang bị mới. Nhiều trạm y tế cơ sở rất khang trang, sạch sẽ nhưng cả tuần chỉ có 1-2 bệnh nhân đến là không hiệu quả”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, ban hành danh mục dịch vụ trong y tế dự phòng giống như điều trị, khám chữa bệnh; đẩy nhanh tốc độ xây dựng các phác đồ điều trị; thu gọn các danh mục dịch vụ, thuốc theo đúng thông lệ quốc tế để dễ hiểu, dễ thanh toán. Bộ Y tế phải chỉ đạo các BV phải cập nhật đầy đủ bệnh án điện tử, không chỉ phục vụ thanh toán BHYT mà sau này những thông tin này sẽ cập nhật vào hồ sơ sức khỏe từng người…

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/khong-tang-bien-che-neu-co-so-y-te-duoc-tu-chu-110531.html