Không làm gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần tiếp tục rà soát kỹ để khi đặt ra những quy định mới, hoàn thiện những quy định mang tính kế thừa phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm tính hợp lý, không làm gia tăng quá mức các chi phí tuân thủ pháp luật cho tổ chức và cá nhân.

Quy định riêng về phòng cháy với nhà chung cư cao tầng

“Phải chăng vẫn còn tình trạng buông lỏng công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý chưa nghiêm các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh, các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, không có phòng cháy, chữa cháy, hoặc nếu có không sử dụng được?” – Đây là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt ra khi cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.

Nhấn mạnh phải rút kinh nghiệm rất sâu sắc những vấn đề nêu trên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, có trường hợp khu dân cư xe phòng cháy, chữa cháy không vào được, hay nhà ở kết hợp kinh doanh không có lối thoát hiểm... Do vậy, các lực lượng chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy và chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, phải lấy phòng cháy là chính yếu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Thực tế tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều nhà cao tầng, chung cư cao tầng và thường xảy ra cháy nổ. "Lẽ ra, khi phê duyệt bao nhiêu tầng thì phải đảm bảo có thang chữa cháy bấy nhiêu tầng, chứ thang chữa cháy chỉ lên được 15 tầng mà cấp phép đầu tư xây dựng lên 20 - 25 tầng thì không cách nào chữa cháy được. Đây là vấn đề bất cập".

Lưu ý vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là yêu cầu rất quan trọng. Đây cũng là vấn đề có nhiều vướng mắc trong thực tiễn, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về nội dung này trong dự thảo Luật.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về giải pháp phòng cháy, chữa cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ quy định như dự thảo Luật đã phù hợp hay chưa? Phải rà soát kỹ để bảo đảm khi đặt ra những quy định mới, hoàn thiện những quy định mang tính kế thừa thì phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm tính hợp lý, không làm gia tăng quá mức các chi phí tuân thủ pháp luật cho tổ chức và cá nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với việc tách nội dung về phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều: Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với 2 loại hình này.

Đánh giá cao dự thảo Luật đã tách quy định phòng cháy đối với nhà ở và phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh thành 2 điều riêng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị, cần nghiên cứu riêng quy định về phòng cháy đối với nhà chung cư cao tầng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

“Như Chủ tịch Quốc hội đã nói, đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy, chúng ta chưa có trực thăng, các thang chữa cháy chỉ với tới tầng 15, 20. Chung cư cũ không nói, nhưng chung cư mới phải có yêu cầu khác, cần phải có quy định để phòng ngừa trong trường hợp sự cố xảy ra, nếu để sự cố xảy ra thì rất khó khắc phục". Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị học tập kinh nghiệm quốc tế, với nhà chung cư trên 20 tầng thì phải có 1 tầng kỹ thuật, không bố trí người ở để khi có sự cố, các hộ dân ở tầng trên có thể chạy xuống đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nhất trí cần nghiên cứu quy định riêng về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà chung cư cao tầng vì công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn nhà cao tầng phức tạp hơn. "Nếu có điều kiện thiết kế điều khoản riêng như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề xuất, nếu không thì giao Chính phủ quy định chi tiết”.

Kiên quyết xử lý công trình do lịch sử để lại nhưng cần có lộ trình

Xử lý các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy là một trong những nội dung được kỳ vọng sẽ xử lý được qua việc xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Qua rà soát hiện nay cho thấy một nghịch lý là, số lượng cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tăng lên so với thời điểm giám sát. Theo Báo cáo của Bộ Công an, chúng ta mới xử lý được 1.487/7.187 công trình ở 35 địa phương. Đối với các công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng thì mới khắc phục được 2.964/11.007 công trình.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện có những công trình không thể khắc phục được, như công trình nhà HH Linh Đàm, cả chục tòa nhà liền kề không biết xử lý như thế nào. "Khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuống đến làm việc, tôi có hỏi người dân thì người dân bảo ngày nào chả có báo cháy”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, phải rất thực tế thì mới xử lý được các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó cần quy định một khoảng thời gian nhất định để xử lý, chứ không thể chỉ yêu cầu xử lý chung chung mà không biết khoảng thời gian nào mới xử lý được. Ví dụ như công trình nhà ở kết hợp kinh doanh cần có thời hạn tối thiểu để khắc phục các vi phạm của các công trình này, ít nhất là phải khắc phục được một cách tối thiểu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu bổ sung quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà chung cư cao tầng. Theo đó, nhiều chung cư hiện nay xây dựng trong hẻm, thậm chí không có đường để xe chữa cháy đi vào chứ chưa nói tới việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Do đó, việc nghiên cứu bổ sung các quy định về vấn đề này là cần thiết.

Đối với các quy định về chuyển tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, dự thảo Luật nên quy định khoảng thời gian để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy của các công trình do lịch sử để lại. "Quan điểm là kiên quyết xử lý các công trình do lịch sử để lại nhưng phải có lộ trình", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khong-lam-gia-tang-qua-muc-chi-phi-tuan-thu-phap-luat-i384091/