Không để đồng tiền nghiền nát y đức

Vụ án Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm được điều tra mở rộng, thì hoạt động của các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) chính thức nằm trong vòng giám sát chặt chẽ. Công an tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị Sở Tư pháp Khánh Hòa hỗ trợ thông báo đến toàn bộ văn phòng công chứng trên địa bàn yêu cầu không thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp tài sản liên quan đến ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc CDC Khánh Hòa và 9 người khác.

Cùng lúc, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng gửi văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn sao kê các giao dịch liên quan đến tài khoản của ông Trịnh Quang Trí - Giám đốc CDC Đắk Lắk. Đồng thời, Công an tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng ngăn chặn giao dịch thông qua tài khoản của ông Trịnh Quang Trí.

Những bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Vì sao cần thiết kiểm soát tài sản các lãnh đạo CDC trong quá trình mở rộng vụ án Công ty Việt Á? Vì thực tế chứng minh, nhiều lãnh đạo CDC đã có biểu hiện gian dối để thu nhận lợi ích riêng tư. Ngoài Giám đốc CDC Hải Dương - Phạm Duy Tuyến đã bị bắt và khai nhận được chi hoa hồng 30 tỷ đồng, thì Giám đốc CDC Nghệ An – Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Bắc Giang – Lâm Văn Tuấn hoặc Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế - Hoàng Văn Đức đều rất mạnh miệng tuyên bố bản thân hoàn toàn trong sạch cho đến khi bị khởi tố với đầy đủ bằng chứng sai phạm.

Công ty Việt Á không thể ngang nhiên chiếm lĩnh thị trường kit xét nghiệm để bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng, nếu không có sự tiếp tay của những lãnh đạo CDC các địa phương. Chính thái độ cương quyết xử lý sai phạm từ cơ quan chức năng, mà Giám đốc CDC Bình Phước – Nguyễn Văn Sáu mới tẽn tò tự thú đã nhận quà từ công ty Việt Á và xin trả lại. Cuộc chiến đẩy lùi COVID-19 chắc chắn sẽ nan giải hơn nếu các cơ quan chức năng chùn tay ngăn chặn sự lộng hành táo tợn của các thương vụ mua bán kit xét nghiệm một cách xảo trá làm thất thoát nguồn lực xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến y đức. Hối lộ và tham nhũng trong điều kiện bình thường đã phải nghiêm trị, hối lộ và tham nhũng trong hoàn cảnh cả đất nước, đội ngũ cán bộ y tế đang phải vất vả trên chiến tuyến đương đầu đại dịch toàn cầu là một tội ác không thể dung thứ.

Những khoản hoa hồng từ Công ty Việt Á rót sang lòng tham của các lãnh đạo CDC, chính là dòng tiền vấy bẩn y đức. Kiểm soát dòng tiền bất nhân kia, để chúng không bị tẩu tán không chỉ đáp ứng hiệu quả cho công tác điều tra mở rộng vụ án, mà còn có cơ hội thu hồi ngân sách tiếp tục phục vụ sự nghiệp toàn dân thích ứng bình thường mới và còn trả lại môi trường trong sạch của ngành y tế vốn được xem là “Lương y như từ mẫu”.

Ngoài kit xét nghiệm, thì hành vi thao túng trong đấu thầu vật tư y tế cũng rất nhức nhối. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ mấy tháng gần đây, danh sách những cán bộ ở các bệnh viện bị khởi tố và bị bắt tạm giam ngày càng dài ra. Tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, với hành vi gian dối khi thực hiện gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu, lần lượt các đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam gồm: Giám đốc Nguyễn Minh Khải, Phó Giám đốc Võ Thị Chinh Nga, Phó Giám đốc Phí Duy Tiến, Phó Giám đốc Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Tài chính Kế toán Phan Thị Bích Hạnh, Trưởng khoa Tổng hợp Nguyễn Đỗ Nguyên, Phó khoa Khám mắt Lương Ngọc Tuấn... Còn tại Bệnh viện Thủ Đức – TP.Hồ Chí Minh, vị Giám đốc Nguyễn Minh Quân từng được nhiều người ca ngợi cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đáng băn khoăn hơn, liên quan vụ án ở Bệnh viện Thủ Đức, cơ quan chức năng cũng khởi tố và bắt tạm giam 6 đối tượng đã tham gia chạy án cho Giám đốc Nguyễn Minh Quân khi bị điều tra, gồm: Bùi Trung Kiên, Lê Thanh An, Bùi Thị Hồng Giang, Trần Văn Long, Hà Duy Tuấn, Nguyễn Ngọc Triệu.

Bóng đen bủa vây phía sau sắc trắng áo blouse nói lên điều gì? Giá trị đạo đức y khoa đã nghiêng ngả vì giá cả vật tư y tế. Những món lợi khổng lồ khi cung cấp thuốc điều trị hoặc các dụng cụ khám chữa bệnh ở trong tay của một số cán bộ quan chức y tế có quyền hành, đã làm hoen ố sự lương thiện của đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm chiến đấu trên chiến trường chống dịch. Mỗi hợp đồng đấu thầu được dàn xếp bởi bàn tay doanh nghiệp tư nhân luôn dành ra những khoản “huê hồng” đầy mê hoặc để đánh gục những người lãnh đạo ở các cơ sở y tế. Thuốc giả, vật tư kém chất lượng đều được đẩy giá lên cao, và tất cả hậu quả trút xuống những bệnh nhân khốn khổ và tội nghiệp.

Những cuộc xử lý nghiêm khắc có đủ lành mạnh hóa những hoạt động đấu thầu trong ngành y tế không? Có, nhưng chưa đủ. Y đức chỉ thực sự bền vững khi mỗi thầy thuốc phải can đảm nhận thức rằng, nếu muốn tranh thủ kiếm thật nhanh, thật nhiều tiền thì không nên làm nghề y nữa, mà hãy chọn nghề khác.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/khong-de-dong-tien-nghien-nat-y-duc-i645784/