Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân
Thời gian qua, Phú Yên có nhiều cách làm sáng tạo trong tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu tạo việc làm ổn định cho người nghèo. Đây là một trong những giải pháp để giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
Trong đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (Tiểu dự án 4.3) trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Vốn vay đến tay người nghèo
Anh Nguyễn Phi Long ở thôn Thạch Tuân 2 (xã Hòa Xuân Đông, TX Đông Hòa), trước đây làm ở một doanh nghiệp sản xuất gỗ nhưng thu nhập thấp nên anh nghỉ việc. Năm 2021, được địa phương xét cho vay vốn hỗ trợ việc làm 30 triệu đồng, anh mua 2 con bò về nuôi, nay gia đình đã trả được hơn 10 triệu đồng cho ngân hàng và đàn bò hiện có 3 con.
Anh Long chia sẻ: Trước đây, tôi không có việc làm, vợ bệnh thường xuyên nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Sau khi được Nhà nước xét hộ nghèo, tạo điều kiện vay vốn chính sách, gia đình bắt đầu chăn nuôi. Ngoài nuôi bò, chúng tôi còn làm ruộng. Vào mùa gặt, tôi đi bốc vác lúa mỗi ngày thu nhập 300.000 đồng. Thời gian nông nhàn, 2 vợ chồng đi bắt ốc bán cho người nuôi tôm hùm, mỗi tháng trên dưới 6 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình đã thoát nghèo.
Gia đình chị H’ Mon Ni Ê ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) thuộc diện hộ nghèo của địa phương, quanh năm phải chạy ăn từng bữa. Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã Ea Bar đã vận động kinh phí, hỗ trợ gia đình chị Ni Ê một cặp dê nái. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, thấy hiệu quả kinh tế nên chị Ni Ê vay thêm 80 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi được hỗ trợ lãi suất của Chính phủ để tăng đàn.
Từ không có gì, nay chị Ni Ê đã có 17 con dê. Ngôi nhà của gia đình chị cũng được sửa sang lại theo tiêu chí nền cứng, tường cứng và mái cứng, chỗ ở ổn định. “Nhờ các hội đoàn thể của địa phương quan tâm, cũng như chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước mà kinh tế, chỗ ở của gia đình tôi được ổn định. Năm vừa qua, gia đình tôi xin ra khỏi hộ nghèo, nhường sự giúp đỡ, hỗ trợ lại cho các hộ khó khăn hơn”, H’ Mon Ni Ê chia sẻ.
Anh Sô Minh Hoàng ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) trước đây không có chỗ ở, việc làm không ổn định. Anh Hoàng được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Xuân cho vay 60 triệu đồng. Có số tiền này, anh đầu tư trồng mía, sắn kết hợp chăn nuôi bò. Đến nay, kinh tế gia đình phát triển ổn định, anh Hoàng dần trả được nợ và vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Xuân, cho biết để nhiều người được tiếp cận nguồn vốn vay, phòng giao dịch đã tích cực tuyên truyền về những ưu đãi của gói vay đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ, giải ngân cũng thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, chương trình đề ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo ông Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH), từ đầu năm đến nay, các sở, ban ngành, địa phương và hội đoàn thể tỉnh tập trung thực hiện và giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 31,6 tỉ đồng.
Trong đó chủ yếu triển khai các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp (hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo). Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã, cụm xã trên địa bàn; tăng cường phổ biến thông tin thị trường lao động, hỗ trợ kết nối việc làm phù hợp.
Đa dạng hoạt động giao dịch việc làm
Dự án hỗ trợ việc làm bền vững trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động (NLĐ). Trong đó, ưu tiên NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; NLĐ sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đến năm 2025, Tiểu dự án 4.3 đặt ra các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (chiều thiếu hụt về việc làm). Tập trung vào hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu.
Tiếp đó là các nội dung như: Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Ông Lê Ngọc Sơn cho biết, từ khi triển khai dự án đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành thu thập dữ liệu việc tìm người - người tìm việc tại 29 đơn vị với 7.880 người được thu thập thông tin, trong đó đối tượng được thụ hưởng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo gần 2.000 người và hộ đồng bào dân tộc thiểu số 394 người.
Sở LĐTB&XH cũng đã tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm tại các xã, cụm xã trên địa bàn tỉnh; tăng cường phổ biến thông tin thị trường lao động, hỗ trợ kết nối việc làm phù hợp. UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ kinh tế kỹ thuật “Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ hỗ trợ việc làm bền vững”, Sở LĐTB&XH đang triển khai thực hiện.
Theo ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, nguồn kinh phí hỗ trợ việc làm bền vững đáp ứng được nhu cầu tổ chức, hỗ trợ các hoạt động giao dịch việc làm tại các huyện giúp cho NLĐ mất việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định được tiếp cận và trao đổi thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm trong nước, ngoài nước, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề để có cơ hội nghề nghiệp quay lại thị trường lao động. Đồng thời giúp NLĐ nâng cao hiểu biết về quy trình, điều kiện tuyển dụng của các doanh nghiệp, định hướng, chuẩn bị kiến thức về nghề nghiệp, việc làm trước khi tham gia thị trường lao động…
“Thời gian tới, Sở LĐTB&XH sẽ phối hợp với các sở, ban ngành, hội đoàn thể tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, tạo việc làm bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; bảo đảm thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững. Đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai đầy đủ các hoạt động trong Tiểu dự án 4.3 theo đúng quy định; lồng ghép với các chương trình, dự án đẩy mạnh giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động khác. Sở cũng tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong triển khai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện, nhất là đối với chế độ báo cáo tiểu dự án bảo đảm chính xác, kịp thời, đầy đủ”, ông Thắng cho biết thêm.
Từ đầu năm đến nay, các sở, ban ngành, địa phương và hội đoàn thể tỉnh đã giải ngân hơn 31,6 tỉ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó chủ yếu triển khai các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp (hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo).