Khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ trên không gian mạng

Thời đại hội nhập và phát triển ngày nay đã mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên học tập, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới thông qua mạng xã hội. Mạng xã hội không biên giới đang thực sự trở nên vô cùng nguy hiểm với rất nhiều cạm bẫy mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để nhằm biến những người sử dụng mạng xã hội trở thành công cụ đắc lực phát tán tin xấu, độc.

Ảnh sưu tầm

Ảnh sưu tầm

Với đặc điểm của tâm lý tuổi trẻ là dễ tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình nhưng nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội còn chưa đủ độ chín nên các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng, tìm mọi cách tuyên truyền, kích động, mua chuộc, tha hóa nhằm băng hoại tư tưởng, nhận thức của thế hệ trẻ, người được coi là lực lượng dự bị hùng hậu này của cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây chính là thời cơ để các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ truyền thông và mạng xã hội để tác động lên tâm lý hòng lôi kéo thế hệ trẻ ngả về phía mình.

Thông qua các hình thức đăng tải clip, bài viết, phỏng vấn, tổ chức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử nhằm mục đích xuyên tạc các sự kiện lịch sử dân tộc, qua đó, trực tiếp chống phá với chiêu bài “mưa dầm thấm đất”, tung ra những luận điệu trắng trợn, mục đích nhằm “nhuộm đen” truyền thống của dân tộc. Từ đó, lật lại những thông tin, sự kiện cũ, nhưng suy diễn, xuyên tạc bằng “cái nhìn mới” để kích thích người nghe, người xem; trong đó, tập trung nhiều nhất vào một số sự kiện về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cải cách ruộng đất, Hiệp định Geneve (1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, phủ nhận thành quả trong công cuộc đổi mới của Đảng. Thậm chí các thế lực thù địch còn cho rằng công cuộc đổi mới ở Việt Nam thực ra đi theo chủ nghĩa tư bản. Đổi mới chuyển từ kinh tế bao cấp kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chuyển sang chủ nghĩa tư bản, từ đó kết luận rằng Việt Nam chưa vào chủ nghĩa xã hội cho nên mới đứng ở hàng đầu công cuộc đi vào chủ nghĩa tư bản...

Trên thực tế, mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều giá trị thật - ảo, chứa đựng vô số khiếm khuyết, nhất là khi nhiều quan hệ được thiết lập trên cơ sở ẩn danh. Tham gia thế giới mạng, không ít người trẻ có cảm giác được sống trong “vùng an toàn”, có thể tự do bộc lộ quan điểm, thể hiện bản thân. Nhưng trong nhiều trường hợp sự tự do không bị kiểm soát đã biến thành lỗ hổng khiến không ít người sa vào chủ nghĩa tự nhiên, nói mà không cần nghĩ, phê phán không cần suy xét hay chịu trách nhiệm... Những âm mưu, hành động xuyên tạc lịch sử trên không gian mạng hiện nay như một cuộc “xâm lăng văn hóa”, với nhiều thủ đoạn, bằng nhiều con đường, các thế lực thù địch, phản động ra sức truyền bá, đưa các loại văn hóa phẩm đồi trụy vào Việt Nam; tiêm nhiễm lối sống ích kỷ, thực dụng, tôn sùng văn hóa ngoại lai lệch chuẩn, làm cho nhiều người trẻ tha hóa, dần hình thành lối sống dị biệt, đi ngược với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thích hưởng thụ, chạy theo vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần. Thực tế đó, đã và đang đặt ra với mỗi chúng ta phải có những trọng trách nhất định, trong đó trước tiên là phải đổi mới trong nhận thức, tích cực trong hành động để bảo vệ và phát triển giá trị, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử dân tộc qua các thời kỳ cả trước mắt cũng như lâu dài.

Có thể nói, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được ghi dấu bằng lớp lớp những chiến công oanh liệt, hiển hách và những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng, bảo vệ, phát triển. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử dân tộc được viết tiếp bằng thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, đó là những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, mang tầm vóc quốc tế và có tính thời đại sâu sắc. Tuy nhiên, việc gìn giữ và phát huy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay trên không gian mạng đã và đang là thách thức không nhỏ.

Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay là thế hệ được thụ hưởng thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, có trình độ khoa học và tri thức, sự giác ngộ và cách nhìn, trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức mới,.. họ là niềm tự hào và tương lai của đất nước. Vì vậy, nâng cao nhận thức toàn diện, sâu sắc, bổ sung, cập nhật về nhận thức chính trị cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đặc biệt là giới trẻ về giá trị, ý nghĩa của những sự kiện, mốc son lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như thành quả cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ là yêu cầu cấp bách hiện nay. Đây là nhiệm vụ chính trị cần được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, thông suốt và thống nhất với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống và tinh thần, trách nhiệm hết mình các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần do các thanh niên”. Đảng ta cũng đã nêu rõ “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vì vậy, việc nâng cao cảnh giác, nhận rõ, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động hòng chuyển hóa thế hệ trẻ; đồng thời, bảo đảm cho thế hệ trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh đủ sức “đề kháng” trước các chiêu trò của các thế lực thù địch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, ngành hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cả cấp bách trước mắt và cơ bản lâu dài.

Khơi dậy lòng yêu nước, sự sáng tạo và sức trẻ trong gìn giữ những giá trị trường tồn của văn hóa và lịch sử dân tộc như phát huy khả năng sáng tạo, sự am hiểu về công nghệ đã giúp người trẻ thể hiện tình yêu quê hương đất nước theo nhiều cách khác nhau trong bảo tồn những giá trị văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Tôn vinh nét đẹp truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc trên các nền tảng mạng xã hội, công nghệ thông tin hiện đại không chỉ khẳng định cá tính riêng của giới trẻ mà còn cho thấy những người trẻ hôm nay không hề lãng quên giá trị lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ngày nay, không khó để thấy những bài hát như Khát vọng tuổi trẻ, Hào khí Việt Nam..., được các nhà sáng tạo nội dung trẻ lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ Bộ đội, Công an không quản ngại hiểm nguy lao vào mưa lũ, lửa để cứu Nhân dân, hay hình ảnh khôi phục lại những chân dung của các liệt sĩ đã hi sinh mang tặng những Mẹ Việt Nam Anh hùng... Hoặc các clip “biến hình” trên nền nhạc của bài hát đang được nhiều Tiktoker, người mẫu, hoa hậu Việt Nam... lan tỏa, thể hiện tình yêu nước, khát vọng cống hiến của giới trẻ nhân dịp các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước. Những việc làm trên cần phải được nhân rộng và lan tỏa rộng khắp trong thế hệ trẻ không chỉ trên không gian mạng mà cả trong học tập, lao động góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Mỗi người dân, mỗi kênh truyền thông cá nhân góp phần lan tỏa lịch sử dân tộc Việt Nam trên không gian mạng là góp phần tỏa thiên anh hùng ca về tinh thần quật khởi, ý chí quật cường bất khuất, xả thân, là tinh thần đoàn kết trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thiên tai, địch họa, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, sóng gió để đi đến những thắng lợi vinh quang, xây dựng đất nước thịnh vượng. Đồng thời góp phần đập tan những thông tin xấu, độc, luận điệu xuyên tạc, tiêu cực mà các đối tượng thù địch đang lợi dụng chống phá trên không gian mạng.

Bình Nguyên - Lan Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/khoi-day-long-yeu-nuoc-cho-the-he-tre-tren-khong-gian-mang-214846.htm