Khoảng lặng trước mùa tuyển sinh

Thời điểm này, học sinh khối 12 bắt đầu tăng tốc tìm hiểu về tuyển sinh đại học năm 2025.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cùng với phương thức xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển là vấn đề quan trọng được nhiều thí sinh quan tâm, nhất là trong bối cảnh năm 2025 Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên đưa Tin học và Công nghệ vào nhóm môn tự chọn.

Mỗi ngành học đi cùng với các nhóm tổ hợp xét tuyển. Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), căn cứ phương án thi đã công bố và dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, với cách tính 3 môn thành một tổ hợp xét tuyển vào đại học, sẽ có 81 tổ hợp khác nhau.

Đến nay, một số trường đại học như Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Công Thương TPHCM… đã xây dựng phương án tuyển sinh 2025 với tính toán dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển có môn học mới như Tin học, Công nghệ…

Tuy vậy, nhìn chung còn nhiều trường chậm công bố phương án xét tuyển; những trường đã công bố lại hiếm có tổ hợp với các môn học mới, đa số vẫn xác định các tổ hợp bao gồm những môn học truyền thống. Điều này khá bất cập và là khoảng lặng đáng suy ngẫm.

Có nhiều nguyên nhân khiến các trường chậm công bố phương án tuyển sinh 2025. Đầu tiên, các trường băn khoăn là liệu tổ hợp xét tuyển mới có đủ số lượng học sinh đăng ký để bảo đảm nguồn tuyển cho trường hay không?

Điều kiện, chất lượng dạy học các môn mới, nhất là Tin học và Công nghệ chưa đồng đều giữa các trường phổ thông, vùng miền do khó khăn về đội ngũ, trang thiết bị, vậy có bảo đảm công bằng, chất lượng không khi đưa vào tổ hợp tuyển sinh?

Băn khoăn rồi chậm bước là có thật, nhưng dù là lý do gì thì việc vắng bóng môn mới trong các tổ hợp xét tuyển đại học chưa phù hợp với sự đổi mới căn bản theo phương án thi 2+2 áp dụng từ năm 2025, cũng không phù hợp với chuẩn đầu ra năng lực theo Chương trình GDPT 2018, lãng phí nét đặc sắc của chương trình mới.

Tình trạng cơ sở đại học chậm công bố phương án tuyển sinh 2025 cũng như hạn chế xây dựng tổ hợp xét tuyển có môn mới khiến các trường phổ thông khó khăn trong việc hướng dẫn chọn môn thi, định hướng học tập cho học sinh. Những học sinh mong muốn thi tốt nghiệp 2 môn mới như Tin học, Công nghệ và dùng để xét tuyển vào đại học đang rất lúng túng, không biết có nên đầu tư các môn này hay không, trong khi đã học hết nửa kỳ I lớp 12.

Việc sớm thông tin phương án tuyển sinh mang đến lợi ích cho nhiều phía. Các trường phổ thông có căn cứ để tư vấn và dạy học, ôn tập cho học sinh, phân bổ thời gian và nguồn lực giảng dạy hợp lý, giúp các em có cơ hội đạt điểm cao hơn, tăng khả năng trúng tuyển.

Học sinh có căn cứ để lựa chọn môn thi tốt nghiệp, cũng như xét tuyển đại học, có thời gian tập trung ôn tập một cách hiệu quả, hạn chế những sai lầm trong chọn ngành nghề. Với cơ sở giáo dục đại học, việc xây dựng mới, điều chỉnh các tổ hợp môn tuyển sinh, đặc biệt có môn Tin học và Công nghệ, sẽ giúp các trường có được nguồn ứng viên đầu vào chất lượng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung trong công tác tuyển sinh thời gian tới; đồng thời đề nghị các cơ sở đào tạo sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2025 để học sinh chủ động và có kế hoạch kỹ lưỡng.

Rất mong các trường đại học thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ, tăng tốc thông tin phương án tuyển sinh, đặc biệt quan tâm xây dựng tổ hợp xét tuyển có môn học mới, đáp ứng mong đợi của trường phổ thông và học sinh.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoang-lang-truoc-mua-tuyen-sinh-post705813.html