Khoảng 22 triệu người Việt mắc bệnh mạn tính
Các bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, tâm thần đang khiến mỗi người Việt phải sống với khoảng 10 năm bệnh tật dù tuổi thọ cao hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam. Cứ 10 người tử vong thì 8 trường hợp do bệnh không lây nhiễm.
Thông tin trên được chia sẻ tại hội thảo Tăng cường truyền thông phòng chống bệnh không lây nhiễm do Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cùng Tổ chức HealthBridge phối hợp thực hiện.
Bệnh không lây nhiễm được hiểu là các bệnh mạn tính, không lây từ người sang người, tiến triển trong thời gian dài và chậm. Một số bệnh không lây nhiễm phổ biến gồm bệnh lý tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim….), tiểu đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lý tâm thần…
Ước tính năm 2019, Việt Nam ghi nhận 727.000 ca tử vong, trong đó 81% có nguyên nhân do bệnh không lây nhiễm. Gần một nửa số ca tử vong vì nhóm bệnh này là trước 70 tuổi. Tiến sĩ Diễm cho hay theo một số điều tra, ước tính toàn quốc đang có khoảng 22 triệu người mắc các bệnh không lây nhiễm.
Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở người từ 18 đến 69 tuổi khoảng 15 triệu người; tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường ở người 18-69 tuổi khoảng 4,5 triệu người; tỷ lệ hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên 40 tuổi khoảng 2 triệu người; số hiện mắc ung thư khoảng 354.000 người. Đáng ngại, khoảng trống phát hiện vẫn còn rất lớn.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2. Trung bình người Việt có tuổi thọ là 73,7 nhưng có khoảng 10 năm trong đó sống cùng bệnh tật. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Bộ Y tế phân tích một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng. Ngoài ra, còn các yếu tố khác như môi trường sống, nhận thức của người dân, nhân lực y tế thiếu, ngân sách cho y tế dự phòng còn ít…
Trên thế giới, bệnh không lây nhiễm cũng đang là gánh nặng sức khỏe, tăng nhanh qua các năm và càng nặng nề hơn với các nước thu nhập thấp hoặc trung bình.