Khán giả phân cực vì 'A Mạch Tòng Quân': Người khen phim cuốn, người chê phim xa lạ
Bộ phim 'A Mạch Tòng Quân' do Trương Thiên Ái diễn chính nhận được những ý kiến phân cực, chủ yếu là về nội dung. Có người khen phim cuốn, càng xem càng mê; nhưng cũng có không ít người thất vọng bởi phim khác xa nguyên tác nhiều.
Bộ phim A Mạch Tòng Quân do Trương Thiên Ái diễn chính được chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả Tiên Chanh. Chuyện phim A Mạch Tòng Quân kể về A Mạch (Trương Thiên Ái), vốn là con gái nhà quan, lớn lên trong tình yêu thương và bảo bọc của cha mẹ. Ngày A Mạch còn nhỏ, cha mẹ cô nhận nuôi một người con trai, coi như con ruột trong nhà, nhưng không ngờ lại nuôi nhầm kẻ lòng lang dạ sói. Cha mẹ A Mạch bị người con trai nuôi này phản bội, bị giết hại, một mình A Mạch sống sót bỏ trốn.
Kể từ ngày đó, A Mạch cải trang thành con trai, tìm cách sinh tồn giữa thời loạn lạc và truy tìm tung tích người con trai nuôi kia để báo thù. Trên hành trình đó, A Mạch gặp gỡ thế tử Thương Dịch Chi (Trương Hạo Duy) - bề ngoài ăn chơi, bên trong trượng nghĩa; tướng quân Thường Ngọc Thanh (Vương Thụy Xương) là thiên tài quân sự nhưng ở nước đối nghịch; Đường Thiệu Nghĩa (Cao Qua) - một người bộc trực, ngay thẳng. A Mạch cũng bị cuốn vào thời cuộc loạn lạc, để rồi cô lựa chọn cầm gươm xông pha trận mạc, giết giặc bảo vệ bách tính.
Sau những tập đầu tiên đã lên sóng, A Mạch Tòng Quân được nhiều khán giả khen bởi mạch phim gọn gàng, hấp dẫn. Các tình tiết phim được kể rõ ràng, dễ hiểu, nhanh gọn, đi thẳng vào trọng tâm, liên tục chuyển đổi; vì thế khiến người xem không cảm thấy nhàm chán. Các mưu mô chốn cung đình hay hành trình rong ruổi bên ngoài, đánh giặc, chiến lược quân sự của A Mạch cùng các nhân vật khác hồi hộp, căng thẳng; nhưng đồng thời cũng không thiếu sự hài hước, sảng khoái.
Với nhân vật A Mạch, Trương Thiên Ái được khen cả về tạo hình lẫn diễn xuất toát ra vẻ “nam tính”. Nhân vật A Mạch tránh được lỗi của đa số các bộ phim cổ trang gần đây khi cải trang thành con trai không bị “diêm dúa”, giả trân. Trương Thiên Ái trông bụi bặm, ngổ ngáo, vào vai một chàng trai khiến khán giả có thể tin được.
Được biết, để thể hiện tốt hình ảnh A Mạch, một nữ tướng vừa ngổ ngáo vừa dịu dàng, Trương Thiên Ái đã quản lý nghiêm ngặt hình thể, biến trường quay thành phòng tập thể dục để đều đặn tập luyện. Diễn xuất của Trương Thiên Ái cũng tự nhiên, không bị gồng hay quá giả.
Ngoại trừ Trương Thiên Ái, đa số dàn diễn viên của A Mạch Tòng Quân không quá tiếng tăm, nhưng tất cả đều làm tròn vai của mình. Diễn xuất tự nhiên, tương tác với Trương Thiên Ái ăn ý, mỗi bạn diễn nam đều có thể cùng Trương Thiên Ái tạo ra một “cặp đôi” và các fan tha hồ lựa chọn một “chiếc thuyền” để tích cực “chèo về bến”.
Tuy nhiên, A Mạch Tòng Quân cũng nhận không ít ý kiến trái chiều, khiến luồng ý kiến về bộ phim phân cực khá lớn. Những người không hài lòng về bộ phim phần lớn đều đến từ nguyên nhân phim được thực hiện khác khá nhiều so với nguyên tác.
Các fan tiểu thuyết A Mạch Tòng Quân phật ý khi cảm thấy câu chuyện của riêng A Mạch không được kể chi tiết, đào sâu như nguyên tác. Thay vào đó, bộ phim đã chia sẻ “đất diễn” cho Thế tử Thương Dịch Chi, câu chuyện riêng của nhân vật này còn được xây đắp dày dặn hơn của A Mạch. Ngoài ra, bộ phim cũng có nhiều chi tiết thay đổi, viết mới, thứ tự xuất hiện một số cảnh đảo lộn, khiến fan nguyên tác khó nhận ra bộ tiểu thuyết yêu thích.
Một số bình luận của netizen xứ Trung:
“Trương Thiên Ái trông rất bảnh trai trong trang phục cải trang con trai, không mặt hoa da phấn, tổ tạo hình không coi khán giả là kẻ ngốc nữa rồi.”
“Đây là phiên bản “Hoa Mộc Lan” của Trương Thiên Ái. Đây là nhân vật nữ chính mà tôi tưởng tượng, thông minh, dũng cảm, mạnh mẽ và tốt bụng. Trương Thiên Ái diễn xuất quá tốt!”
“Tôi đã xem sáu tập đầu tiên mà không hề tua hay chỉnh tốc độ tăng gấp đôi. Tôi chỉ muốn nói rằng đạo diễn thật tuyệt vời và nhịp độ phim rất tốt, bộ lọc ánh sáng tạo cảm giác chân thật. Một số cảnh quay đặc biệt thú vị. Ngoài ra, dàn diễn viên quá tuyệt vời.”
“Tôi vẫn không thể hiểu được tại sao lại mua bản quyền một nguyên tác rồi dựng phim lên không giống? Thật thiếu tôn trọng khi thay đổi nó đến mức không thể nhận ra!”