Khắc phục bất cập về cao trình hệ thống thoát nước của thành phố Đà Nẵng

Sáng 11/5, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học 'Đánh giá hiện trạng và đề xuất toàn diện quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt thành phố Đà Nẵng'. Nhiều giải pháp được đề xuất như nâng cấp hệ thống thoát nước, tăng cường năng lực thoát, sử dụng hồ điều hòa làm nơi chứa nước tạm khi ngập úng…

Đồ án thoát nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2018 chỉ tập trung lập quy hoạch thoát nước mặt cho 6 quận nội thành và một phần đô thị huyện Hòa Vang, chưa bao gồm toàn bộ thành phố Đà Nẵng trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng cao độ nền đô thị Đà Nẵng.

Toàn cảnh hội thảo

Qua hơn 5 năm triển khai, một số nội dung trong quy hoạch vẫn chưa bắt kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố và hệ thống thoát nước mặt chưa đạt được hiệu quả. Những năm gần đây, đặc biệt là trong các năm 2022, 2023, tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực hệ thống thoát nước hiện có, gây ngập úng trên diện rộng.

Năm 2021, Thủ tướng chính phủ Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở này, thành phố Đà Nẵng giao Sở Xây dựng và Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tư vấn là Liên danh Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Bình Định vàTrung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng.

Phạm vi lập quy hoạch lần này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích khoảng 129.046 hécta. Đồ án xác định được các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý, bao gồm xác định cao độ san nền từng khu vực cụ thể; giải pháp chống ngập úng, ngập lụt; hành lang thoát lũ của các sông; mạng lưới thoát nước mưa; các hồ điều hòa và trạm bơm chống ngập;... cho toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch.

Theo Đồ án này, đơn vị Tư vấn đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực thoát nước cho một số khu vực như đường Mẹ suốt, Cầu Đa Cô, sông Phú Lộc, lưu vực sân bay và khu vực lân cận, trục trung tâm từ 2 hồ Thạc Gián– Vĩnh Trung, cửa xả Ông Ích Khiêm, mở rộng cống ra khu vực Trạm bơm thuận Phước… Đơn vị tư vấn cũng đề xuất cần xem xét xây dựng quy trình vận hành của các hồ điều hòa cũng như đầu tư xây dựng các trạm đo mực nước cửa van… Các hồ điều hòa cần vận hành tự động hóa hơn, thành phố sớm xây dựng bản đồ ngập lụt/ngập úng đô thị cũng như các phương án ứng phó.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng

Góp ý đồ án này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho rằng, trong quy hoạch cần phải làm rõ khu vực giữ nguyên, khu vực nào có sự thay đổi và nếu có sự thay đổi thì cần phải làm rõ lý do. Đối với các khu vực mà không đáp ứng được tiêu chuẩn về nền theo tần suất tính toán thì phải có giải pháp sống chung với ngập lụt. Đối với quy hoạch thoát nước mưa, các hồ điều hòa đóng vai trò rất quan trọng trong điều tiết của quy hoạch. Thành phố hướng tới mục tiêu thoát nước bền vững thì phải tận dụng không gian xanh mặt nước để tham gia, góp phần làm giảm ngập úng của đô thị.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, theo Quyết định 359 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phần định hướng tổ chức không gian đô thị của thành phố Đà Nẵng khá rõ. Những khu vực nào công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước được định hướng rất rõ. Trong khi đó, Đồ án lần này, quy hoạch cao độ nền và thoát nước lại thiên về quá nhiều kỹ thuật, không hề có kết hợp giữa công viên, vườn hoa, cây xanh để làm nơi chứa nước tạm thời khi ngập úng xảy ra.

“Nếu mà chúng ta tận dụng được các không gian cây xanh, mặt nước mà đúng theo mục tiêu của chúng ta là hướng tới mục tiêu thoát nước bền vững thì chúng ta phải tận dụng cái không gian xanh mặt nước để tham gia, góp phần làm giảm thiểu cái ngập úng của cái đô thị này. Thế nhưng mà mình đề ra quan điểm như chúng ta không thấy trong thực hiện quy hoạch như vậy thì nếu có điều kiện thì tôi nghĩ rằng cần nghiên cứu bổ sung”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến đề nghị.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng là một thành phố ven biển miền Trung đang đối diện nhiều thách thức do biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, đặc biệt trong những năm gần đây, tình trạng xuất hiện những cơn mưa cực đoan ngày càng tăng. Đà Nẵng ngập trong diện rộng qua hai đợt mưa lớn vào tháng 10 năm 2022 và tháng 10 năm 2023, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của nhân dân. Qua đấy cũng thấy rằng nhiều sự bất cập về cao trình hệ thống thoát nước của thành phố Đà Nẵng. Một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính chất ổn định là hoàn thành phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền thoát nước mặt của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo ông Lê Quang Nam, hội thảo lần này hướng đến đánh giá được hiện trạng cao độ nền, khả năng thoát nước đô thị của thành phố; xác định được nguyên nhân của tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố, từ đấy đề xuất các giải pháp toàn diện về cao độ nền thoát nước của thành phố Đà Nẵng.

“Chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia với mục tiêu cao nhất là Đồ án này phải đảm bảo khoa học, có tính khả thi. Bởi vì các dự án này, sau khi phê duyệt đều là những dự án ưu tiên. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để chúng tôi quyết định đầu tư các dự án ưu tiên sau này. Qua đó, giúp bài toán cho Đà Nẵng về cao độ nền và thoát nước”, ông Nam cho hay.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khac-phuc-bat-cap-ve-cao-trinh-he-thong-thoat-nuoc-cua-thanh-pho-da-nang-post1094523.vov