'Kẻ giết người vô hình' của hàng triệu phụ nữ trung niên ở Trung Quốc

Ngày càng nhiều người trung niên tại Trung Quốc mắc bệnh trầm cảm mà không hay biết. Trong số đó, phụ nữ là nhóm có nguy cơ cao nhất.

Chỉ chưa đầy 2 tháng, chứng trầm cảm mãn kinh đã đẩy bà Xu đến bờ vực tự sát. Người phụ nữ 55 tuổi là cựu giáo viên ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Lần đầu tiên bà cảm thấy không khỏe là vào tháng 5/2018.

Ban đầu, triệu chứng duy nhất là chán ăn nên bà Xu nghĩ mình gặp vấn đề về dạ dày. Người phụ nữ uống vài viên thuốc và không nghĩ gì thêm.

Nhưng vài tuần sau, tình trạng của bà diễn biến xấu nhanh chóng. Bà luôn lo lắng, mất ngủ, không còn chăm chút cho vẻ bề ngoài, thích trang phục giản dị, đi dép lê. Bà cố gắng tránh mọi giao tiếp xã hội, đi đường vòng, vắng vẻ để không phải chạm mặt bạn bè trên phố.

Tháng 7/2018, người phụ nữ 55 tuổi lên kế hoạch tự tử. Bà nói với con trai về dự định nhảy từ cửa sổ tầng 27.

Lời thú nhận của bà mẹ khiến toàn bộ thành viên trong gia đình sốc nặng. Zhou Ying, con gái của bà, sống ở Thượng Hải, cách đó hơn 2.000 km, thường gọi điện về cho mẹ và lắng nghe bà tâm sự. Nhưng cô không thể tin rằng mẹ có ý định tự tử. Tin tức đó khiến Ying “chấn động đến tận xương tủy”.

“Tôi bật khóc ngay tại văn phòng”, Ying tâm sự với Sixth Tone.

Nhiều người trung niên, nhất là phụ nữ, thường không biết hoặc không muốn thừa nhận mình mắc chứng trầm cảm. Ảnh: People Visual.

Khó nhận ra mức độ nguy hiểm của bệnh

Sau sự việc của mẹ, Ying cho rằng cần phải hành động để nâng cao nhận thức về trầm cảm ở phụ nữ trung niên. Tháng 12/2018, cô gái 29 tuổi chia sẻ câu chuyện của gia đình mình trên mạng xã hội Trung Quốc và kêu gọi những người khác hãy quan tâm đến người lớn tuổi trong nhà nhiều hơn.

Bài viết ngay lập tức gây chấn động. Nó nhận được hơn 2 triệu lượt xem, hàng trăm người dùng chia sẻ câu chuyện của riêng họ và cách họ làm khi có cha, mẹ bị trầm cảm. Tương tự Ying, nhiều người tâm sự họ phải kiếm sống ở xa cha mẹ nên khó nhận ra các thành viên trong gia đình đang có dấu hiệu trầm cảm.

Một tài khoản tâm sự: “Mẹ tôi từng nói bà ngủ không ngon và khá mệt mỏi. Nhưng tôi đã không để ý. Một ngày nọ, bà không trả lời tin nhắn của tôi. Tôi cho rằng bà chắc đang bận việc gì đó. Nhưng sáng hôm sau, mẹ đã tự sát bằng cách nhảy cầu”.

"Mẹ tôi đã nhảy từ tầng 17. Đại dịch khiến tôi không thể trở về nhà từ nước ngoài. Mẹ tôi đã bị trầm cảm hơn một năm mà tôi không hề hay biết", một người khác bình luận.

Tuy nhiên, theo quan điểm của bác sĩ Wang, chìa khóa để giải quyết chứng trầm cảm mãn kinh là thay đổi thái độ sống của chính người cao tuổi tại Trung Quốc. Bởi càng lớn tuổi, bệnh nhân càng khó tâm sự vì tâm lý sợ bị kỳ thị, họ có nhiều khả năng mắc bệnh lâu dài.

Như nhiều bệnh nhân khác, ban đầu, bà Xu phải vật lộn để chấp nhận tình trạng của mình. Bà yêu thích công việc của một giáo viên dạy tiếng Trung cấp 2 ở Vân Nam. Tình cảm của bà với chồng là giáo viên lịch sử cùng trường cũng không có vấn đề gì lớn.

“Nhiều lần mẹ nói bà thực sự không có lý do để tức giận với bất kỳ điều gì”, Ying kể lại. Đó là lý do cô không hiểu vì sao bà lại trầm cảm và đến mức định tự sát.

Ngay sau khi biết về ý định của bà, cô lập tức xin nghỉ làm và bay về gặp mẹ. Ying đã đưa bà tới Thượng Hải để điều trị, dù bà miễn cưỡng chấp nhận.

Trầm cảm ở người trung niên tại Trung Quốc là "kẻ giết người vô hình". Ảnh: People Visual.

Ban đầu, mọi thứ không hề suôn sẻ. Ở Thượng Hải, bà Xu sợ ra ngoài, cả ngày chỉ quanh quẩn trong căn hộ nhỏ của Ying. “Nếu tôi đứng cách bà khoảng 5 mét ở bên ngoài, mẹ không dám đến gần tôi”, cô gái tâm sự.

Vài ngày sau, bà Xu vô tình bị thương khi đang gọt trái cây. Vết thương nặng đến mức bà phải khâu 5 mũi. Lúc này, người phụ nữ buồn bã nói rằng cảm giác ở thành phố hoàn toàn xa lạ khiến bà không thể an lòng.

Vì vậy, bà bay về quê nhà ở tỉnh Tứ Xuyên, sống với họ hàng. Tại đây, bà gặp một bác sĩ và bắt đầu dùng thuốc chống mất ngủ. Nhưng nó không khiến người phụ nữ 55 tuổi thoát khỏi cảm giác mệt mỏi với thế giới.

Cuối năm 2018, Xu chia sẻ bà muốn đến bệnh viện ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, để điều trị thêm. Một số thành viên trong nhà phản đối. Nhưng Ying ủng hộ mẹ. Bởi cô cho rằng đó là tín hiệu tốt, ít nhất, bà đã chủ động muốn nhập viện điều trị.

Sau đó, bà điều trị 2 tuần trong bệnh viện, có chồng ở bên cạnh. Họ cùng nhau ăn cơm, xem tivi, đi dạo trong công viên sau bữa tối, đến Lô Châu tham gia lễ hội mùa xuân. Kể từ đó, sức khỏe của bà Xu dần cải thiện, chăm chút lại cho ngoại hình, hòa đồng hơn, không còn bồn chồn, lo lắng.

Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng hơn vấn đề

Đại dịch Covid-19 càng khiến chủ đề này được chú ý hơn bao giờ hết. Trong cuộc khảo sát tại Trung Quốc vào tháng 2/2020, tại thời điểm đỉnh dịch, 35% người được hỏi cho biết họ đang gặp vấn đề về tâm lý.

Bà Xu không phải trường hợp duy nhất tại Trung Quốc rơi vào trạng thái trầm cảm như vậy. Trầm cảm ở phụ nữ trung niên là đại dịch âm thầm của nước này. Sức khỏe tâm thần phần lớn vẫn là chủ đề chưa thể trao đổi cởi mở nên căn bệnh ngày càng trở nên tồi tệ, nguy hiểm hơn.

Ước tính, khoảng 95 triệu người tại Trung Quốc đang phải sống chung với chứng trầm cảm. Trong đó, phụ nữ trung niên nằm trong nhóm có nguy cơ cao. Theo cuộc khảo sát sức khỏe tâm thần quốc gia được công bố vào năm 2019, 65% người bị trầm cảm là nữ. Trong đó, 53% bệnh nhân ở độ tuổi trên 50.

Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh (45-55 tuổi) có những thay đổi nhiều về nội tiết tố. Đây là yếu tố góp phần khiến ngày càng nhiều phụ nữ trung niên tại đây bị trầm cảm. Nghiên cứu từ Hiệp hội Y tế Dự phòng Trung Quốc công bố năm 2016 cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh cao gấp 4 lần với phụ nữ tiền mãn kinh.

Theo bác sĩ tâm thần Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, các tác nhân gây ra trầm cảm ở tuổi trung niên có thể gồm những biến động nội tiết tố không thể đoán trước (do thời kỳ mãn kinh gây ra) hoặc chuyển đổi thường nhật trong cuộc sống của bệnh nhân. Ngay cả vấn đề con cái, đời sống vợ chồng cũng có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý cho người trung niên và cao tuổi.

Những người trung niên, cao tuổi ngồi trong một công viên ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, năm 2016. Ảnh: People Visual.

Nhưng việc phát hiện và điều trị trầm cảm ở tuổi mãn kinh không phải dễ dàng. Theo bác sĩ Wang, ngay cả nạn nhân và người nhà cũng không nhận ra mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mọi người thường nhầm lẫn trầm cảm với các bệnh lý tuổi mãn kinh khác.

Bên cạnh đó, áp lực xã hội khiến phụ nữ Trung Quốc - đặc biệt là người cao tuổi, trung niên - khó có cơ hội chia sẻ về vấn đề tình cảm. Nhiều người không dám thừa nhận hoặc tìm đến sự trợ giúp.

“Nhiều bà mẹ, ngay cả khi họ biết mình đang ở trong tình trạng 'cảm xúc tồi tệ', cũng không muốn đến gặp bác sĩ. Con cái mới là người buộc họ phải đến viện”, ông Wang nói thêm.

Từ câu chuyện của bà Xu, có thể thấy ảnh hưởng của chứng trầm cảm tuổi mãn kinh rất khủng khiếp. Nghiên cứu năm 2019 tại Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tự tử ở người bị trầm cảm là 4-10,6%. Bà Xu sau khi được con cái động viên tư tưởng đã vượt qua cảm giác cô đơn, lo âu, buồn bã. Nhưng với Ying, cô vẫn xem trầm cảm là “kẻ giết người vô hình” cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn.

“Hầu hết chúng ta cảm thấy đó không phải là căn bệnh và nó sẽ biến mất theo thời gian. Chính suy nghĩ này đã khiến chứng trầm cảm ở tuổi mãn kinh ngày càng khó đoán và hiếm khi được phát hiện, dần trở thành căn bệnh rất nguy hiểm”, cô nói thêm.

Người thân là chỗ dựa giúp bệnh nhân trầm cảm vượt qua thời gian khủng hoảng. Ảnh: People Visual.

Ở tuổi trung niên, đàn ông mắc chứng trầm cảm cũng là vấn đề lớn. Các nghiên cứu phát hiện 30-40% nam giới trong độ tuổi từ 40 đến 70 có ít nhất một triệu chứng của thời kỳ mãn kinh do suy giảm hormone. Các vấn đề tâm lý mà họ phải đối mặt có cả trầm cảm và thậm chí khó điều trị hơn phụ nữ.

Theo bác sĩ Wang, trong văn hóa Trung Quốc, đàn ông - đặc biệt là những người có địa vị xã hội cao - thường phải triệt tiêu toàn bộ cảm giác chán nản, không chấp nhận các vấn đề cảm xúc, tình cảm của mình. “Họ cảm thấy đây là một điều đáng xấu hổ và là loại bệnh tâm thần khiến mọi người có thành kiến với họ”, ông Wang nhận định.

Chính vì thế, trầm cảm ở tuổi mãn kinh dần trở thành đại dịch nguy hiểm với Trung Quốc. Gia đình, người thân chính là chỗ dựa cho họ trong thời điểm khó khăn, cô đơn của đại dịch. Với bà Xu, người phụ nữ này đang cố gắng dùng thuốc (với liều đã giảm xuống còn 1/4 so với ban đầu). Ying cho rằng bà "về cơ bản đã hồi phục".

Cô con gái vẫn rùng mình khi nhìn lại những gì họ trải qua. Ying biết mọi chuyện có thể tồi tệ hơn nếu họ không kịp thời có mặt và giúp đỡ mẹ.

“Tôi cảm thấy may mắn khi mẹ vẫn còn sống. Tôi biết ơn vì gia đình đã ủng hộ việc điều trị y tế cho mẹ, không chỉ coi trầm cảm là một biểu hiện của thời kỳ mãn kinh", người phụ nữ 29 tuổi tâm sự.

Thiên Nhan

Theo Sixth Tone

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-giet-nguoi-vo-hinh-cua-hang-trieu-phu-nu-trung-nien-o-trung-quoc-post1195239.html