In đậm dấu ấn của các nước đang phát triển
Năm 2024, các nước đang phát triển ghi dấu ấn sâu đậm trên 'bàn cờ chiến lược' thế giới. Với tiếng nói ngày càng quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế và trong giải quyết những vấn đề toàn cầu, các nước đang phát triển đã khẳng định vị thế là lực lượng chủ chốt thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, đồng thời định hình lại hệ thống quốc tế dựa trên sự bình đẳng.
Cất tiếng nói mạnh mẽ hơn
Sức nóng về tầm ảnh hưởng của các nước đang phát triển đã nhanh chóng lan rộng trên nhiều diễn đàn khu vực và thế giới. Năm 2024 chứng kiến lần mở rộng mang tính bước ngoặt của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), khi nhóm “những viên gạch vàng” kết nạp thêm 5 thành viên là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.
Với việc tăng gấp đôi số lượng thành viên, BRICS đang dần trở thành một tập hợp lực lượng các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có quy mô lớn hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sự trỗi dậy của BRICS được kỳ vọng sẽ tạo ra cán cân mới, giúp cân bằng quyền lực giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, qua đó khẳng định tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các nước đang phát triển.
Tầm ảnh hưởng của nhóm các nước Nam bán cầu, thuật ngữ để chỉ các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, Mỹ Latin và châu Á, không chỉ được thể hiện tại BRICS mà cả Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20). Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tháng 11/2024 đánh dấu lần đầu Liên minh châu Phi (AU) tham gia hội nghị với tư cách thành viên chính thức G20.
Đây được coi là cột mốc lịch sử nhằm tăng cường tiếng nói của Nam bán cầu cũng như sự công nhận của G20 về tầm quan trọng của châu Phi trong quản trị toàn cầu. Bên cạnh đó, việc 4 nước Indonesia, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi luân phiên giữ chức Chủ tịch G20 giai đoạn 2022-2025 cũng mở ra cơ hội vàng để nâng cao tiếng nói của Nam bán cầu trên trường quốc tế.
Việc 4 nước Indonesia, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi luân phiên giữ chức Chủ tịch G20 giai đoạn 2022-2025 cũng mở ra cơ hội vàng để nâng cao tiếng nói của Nam bán cầu trên trường quốc tế.
Nỗ lực nâng cao vị thế của Nam bán cầu nhận được sự ủng hộ và công nhận từ nhiều nước và tổ chức quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị và thực hiện các chương trình nghị sự về phát triển toàn cầu. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng khẳng định, thế giới đang chứng kiến biến chuyển lớn trong cấu trúc toàn cầu, khi các nước đang phát triển ngày càng khẳng định vị thế và tiếng nói quan trọng trong giải quyết thách thức chung.
Sự trỗi dậy của các nước Nam bán cầu không chỉ thể hiện ở tần suất xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế, mà còn được phản ánh ở tầm ảnh hưởng chính trị. Năm 2024, hàng loạt quyết định đã được thông qua ở tầm khu vực và quốc tế, nhằm giải quyết những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt như biến đổi khí hậu, đói nghèo, nợ công...
Theo đó, sau hai tuần đàm phán căng thẳng tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Azerbaijan tháng 11/2024, các nước phát triển cam kết chi ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển “xanh hóa” nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó thảm họa khí hậu. Đảm nhiệm “ghế nóng” Chủ tịch G20 năm 2025, Nam Phi tuyên bố nhiệm kỳ sắp tới sẽ tập trung vào việc huy động tài chính cho những nước chịu ảnh hưởng của thảm họa khí hậu và xóa nợ cho các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh nhiều nước Nam bán cầu đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách gia tăng và thiếu nguồn tài chính để tăng cường ứng phó thách thức toàn cầu, những quyết định mang tính bước ngoặt nêu trên đã thắp lên hy vọng về việc loại bỏ dần những “chướng ngại vật” trên con đường đi lên của các nước đang phát triển, từ đó xây dựng một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn.
Xu hướng tất yếu
Trong một thế giới biến động khó lường như hiện nay, với nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, nhiều cuộc xung đột chưa tìm được lối thoát, thì không một quốc gia nào có đủ nguồn lực để “đơn thương độc mã” giải quyết thách thức. Đặc biệt, tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng của các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, an ninh khí hậu… là mối đe dọa cấp bách đối với sự phát triển chung của nhân loại.
Thực tế này đặt ra yêu cầu liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nước để cùng hành động đối phó khó khăn chung. Bài viết có tiêu đề “Hướng tới một trật tự thế giới đa cực hậu đại dịch” đăng trên trang Eastasiaforum.org đã nhận định: “Khái niệm về trật tự thế giới đa cực chưa bao giờ được nhấn mạnh như khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với những lời kêu gọi đoàn kết toàn cầu và thúc đẩy nỗ lực đa phương sâu sắc hơn được đưa ra mạnh mẽ”.
Trong bối cảnh đó, nhóm các nước Nam bán cầu ngày càng thể hiện quyền lực, tiếng nói và vị thế mạnh mẽ trong nỗ lực thiết lập trật tự thế giới đa cực. Về mặt kinh tế, thế giới đang chứng kiến sự dịch chuyển kinh tế từ bắc xuống nam, từ tây sang đông, với sự nổi lên của các quốc gia đang phát triển. Nhóm BRICS hiện nay đã lấn át Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), cả về nhân khẩu học, với việc chiếm gần 46% dân số thế giới, so với mức 8,8% của G7 và kinh tế, chiếm hơn 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, so với mức 30% của G7.
Về mặt chính trị, các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển ngày càng khẳng định thực lực của mình trên trường quốc tế, thí dụ như nỗ lực của Trung Quốc, Brazil trong thúc đẩy kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Xu thế mở rộng của các tổ chức khu vực và quốc tế được cho là sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Các nước đang phát triển ngày càng quan tâm thúc đẩy một thế giới đa cực hơn, bởi họ sẽ có tiếng nói quyết định những vấn đề có ảnh hưởng đến mình. Thí dụ, việc Iran trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào năm 2023 giúp quốc gia Trung Đông này có thêm lợi ích kinh tế, qua đó giảm thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Về phía các nước phát triển, việc tăng cường hợp tác với nhóm các nước Nam bán cầu đem lại nhiều lợi ích. Với Liên minh châu Âu (EU), mở rộng quan hệ với các nước đang phát triển, nhất là ở châu Phi, sẽ giúp EU giải quyết bài toán hóc búa trong phát triển kinh tế, xã hội, như đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô, trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn với Nga, hay hạ nhiệt cuộc khủng hoảng người di cư đổ về châu Âu. Từ nhiều năm nay, G7 thường xuyên mời các quốc gia đang phát triển tham dự các hội nghị thượng đỉnh của G7, là minh chứng cho sự quan tâm ngày càng gia tăng của nhóm này với nhóm các nước Nam bán cầu.
Đương nhiên, việc các tổ chức, hiệp hội khu vực kết nạp thêm thành viên từ nhóm Nam bán cầu không phải lúc nào cũng đem đến kết quả như kỳ vọng, nhất là khi xét về mâu thuẫn lợi ích hay sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên cũ, mới. Số lượng thành viên ngày càng tăng có nghĩa là sự đồng thuận càng khó đạt được.
Để duy trì tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế, các nước Nam bán cầu nhìn chung vẫn phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn là nỗ lực cải cách mô hình phát triển trong nước, củng cố lợi thế tăng trưởng, lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp…
Để duy trì tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế, các nước Nam bán cầu nhìn chung vẫn phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn là nỗ lực cải cách mô hình phát triển trong nước, củng cố lợi thế tăng trưởng, lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp…
Tuyên bố Kazan, được đưa ra tại Hội nghị cấp cao BRICS ở Kazan (Nga) năm 2024 nêu rõ, việc mở rộng quan hệ đối tác với các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn cầu.
Những diễn biến trong dòng chảy quốc tế thời gian qua không chỉ khẳng định xu thế tất yếu của hợp tác trong một thế giới nhiều ẩn số khó lường, mà còn cho thấy đã đến lúc tiếng nói của các quốc gia đang phát triển thật sự có sức nặng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/in-dam-dau-an-cua-cac-nuoc-dang-phat-trien-post850566.html