IMF kêu gọi G20 hỗ trợ giải quyết thách thức thế giới đang đối mặt

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại toàn cầu; xử lý nợ và đầu tư cho khả năng phục hồi kinh tế.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva dự Hội nghị G20 - Ảnh: g20.org

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva dự Hội nghị G20 - Ảnh: g20.org

Ngày 15/11, phát biểu tại Hội nghị G20, bà Kristalina Georgieva nói "chúng ta đang thảo luận về an ninh lương thực và năng lượng vào thời điểm đặc biệt khó khăn".

Những dấu hiệu phục hồi đầy hy vọng vào năm 2021 đã bị thay thế bằng sự suy giảm đột ngột của nền kinh tế thế giới do ảnh hưởng COVID-19, xung đột ở Ukraine và biến đổi khí hậu ở tất cả các châu lục. Điều này đã đẩy lạm phát lên cao và dẫn đến việc nhiều nước thắt chặt các điều kiện tài chính.

Đây là khó khăn chung nhưng với các nền kinh tế đang phát triển, các thị trường mới nổi sẽ gặp khó khăn hơn cả. Trong nhiều trường hợp, các nước này đang phải chịu mức nợ cao, đồng tiền mất giá và lãi suất cao.

Theo bà Kristalina Georgieva, thế giới đang chứng kiến sự đảo ngược của tất cả những gì đã từng tranh đấu, đó là giảm đói nghèo. Hiện thế giới có 345 triệu người đang lâm vào cảnh thiếu lương thực. Vì vậy, đây là thời điểm G20 có thể góp phần thay đổi triển vọng của nền kinh tế thế giới.

Tổng Giám đốc IMF nêu 3 vấn đề cần G20 hỗ trợ giải quyết.

Trước hết, G20 cần tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu bằng cách loại bỏ các rào cản, nhất là với thực phẩm, phân bón, đồng thời không để chủ nghĩa bảo hộ bén rễ vì điều này khiến thế giới bị chia rẽ.

IMF đã tính toán một thế giới bị chia rẽ sẽ mất ít nhất 1,5% GDP/năm, trong đó các nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào hợp tác quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Vấn đề thứ hai là nợ nần. Đây là một thách thức với tất cả sau dịch COVID -19. Nhưng với 25% nền kinh tế thị trường mới nổi và 60% các quốc gia có thu nhập thấp, nợ nần đang cản trở khả năng đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng. Vì vậy, trong khuôn khổ chung về xử lý nợ, G20 cần làm nhiều hơn nữa.

Thứ ba là đầu tư cho khả năng phục hồi. Theo Tổng Giám đốc IMF, để tránh những "cú sốc" trong tương lai, việc đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển carbon thấp có thể mang lại mức sống cao hơn cho người dân ở mọi nơi. Trong lĩnh vực này, Quỹ Tín thác về khả năng phục hồi và bền vững của IMF hiện có 40 tỷ USD. Nếu các nước G20 hỗ trợ thêm thì nhiều nước sẽ có cơ hội tiếp cận Quỹ này.

Vì vậy, bà Kristalina Georgieva mong muốn G20 đẩy mạnh việc hỗ trợ trong giải quyết những thách thức mà thế giới hiện đang phải đối mặt.

theo IMF

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/imf-keu-goi-g20-ho-tro-giai-quyet-thach-thuc-the-gioi-dang-doi-mat-102221116101632571.htm