Hydrogen: Đầu tư chiến lược cho năng lượng sạch và bền vững
Trong những năm qua, với tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển, người ta ngày càng quan tâm đến việc chuyển đổi hệ thống năng lượng khi các nguồn năng lượng truyền thống đang gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường.
Tại Việt Nam, các chính sách cũng đang mở lối cho phát triển hydrogen để thực hiện mục tiêu Netzero. Gần đây nhất, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030, và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050.
Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng đặt những “viên gạch” đầu tiên cho thị trường đầy tiềm năng này. Hiện Việt Nam có dự án sản xuất hydrogen tại Bến Tre và Trà Vinh đang trong quá trình xây dựng và sẽ sớm được đưa vào hoạt động. Cũng trong thời gian này, liên danh nhà đầu tư gồm CTCP Đầu tư Thương mại và Công nghệ Minh Quang (Công ty Công nghệ Minh Quang) và Công ty TNHH Tập đoàn Khoa học Công nghệ Huadian Trung Quốc (Tập đoàn Hoa Điện) đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy sản xuất hydro xanh tại Quảng Trị để sản xuất 60.000 tấn hydrogen mỗi năm, với doanh thu khoảng 250 triệu USD, đóng góp 27,5 triệu USD (tương đương khoảng 600 tỷ đồng) vào ngân sách và tạo việc làm cho khoảng 500 lao động.
Tuy nhiên, sản xuất hydrogen là một lĩnh vực mới và chưa có quy định rõ ràng nên còn rất nhiều rào cản. Ngoài ra, việc sản xuất hydro theo phương pháp điện phân tiêu thụ rất nhiều điện năng, do đó cần đảm bảo nguồn điện năng lượng tái tạo ổn định phục vụ sản xuất. Để tiêu thụ sản phẩm hydro trong nước cũng đòi hỏi cần chuyển đổi về công nghệ tại các hộ tiêu thụ năng lượng. Việc đầu tư xây dựng các dự án sản xuất hydrogen cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn trong lưu trữ, bảo quản, vận chuyển hydro quy mô lớn đang là vấn đề toàn cầu.
Dưới góc độ nhà đầu tư, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng giám đốc Tập đoàn The Green Solutions - đơn vị đầu tư dự án nhà máy sản xuất hydro xanh Bến Tre chia sẻ, thách thức lớn đặt ra trong sản xuất loại hydrogen là giá thành cao, chi phí đầu tư lớn.
Tuy nhiên ông Trần Khánh Việt Dũng - Giám đốc HDF Energy Việt Nam nhận dịnh, dù hiện chi phí sản xuất hydrogen còn cao (khoảng 5-6 USD/kg) song theo xu thế, chi phí sản xuất hydrogen sẽ đi xuống, có khả năng giảm xuống 2 USD/kg nhờ nghiên cứu, phát triển và ứng dựng các tiến bộ khoa học và công nghệ. Mức giá này hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nguồn năng lượng hiện có trong tương lai gần.
Để hydrogen có cơ hội phát huy hết tiềm năng, các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu đầu tư các dự án thí điểm sản xuất năng lượng hydrogen sạch quy mô nhỏ, theo lộ trình phù hợp với giá thành hợp lý. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai đầu tư phát triển các dự án sản xuất năng lượng hydrogen quy mô lớn tại các khu vực có tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo, gần khách hàng tiêu thụ, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Đồng thời, huy động đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng, đảm bảo quốc phòng - an ninh và tính cạnh tranh; Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (COP, JETP, AZEC,…), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh...
Bên cạnh đó, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, hydrogen là năng lượng của tương lai. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách cởi mở và hành lang pháp lý giúp quá trình thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này dễ dàng, có thể cạnh tranh được với nguồn khác trong hệ thống. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro để triển khai thực hiện kế hoạch liên quan đến chiến lược phát triển hydrogen.