Huyền thoại gò Rồng ấp
Vở cải lương 'Huyền thoại gò Rồng ấp' xây dựng hình tượng Lý Công Uẩn, vị hoàng đế khai quốc của triều Lý, cũng là vị hoàng đế quyết đoán dời đô từ Hoa Lư ra Đại La - Thăng Long, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam.
“Huyền thoại gò Rồng ấp”, kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng cho Sân khấu Lệ Ngọc.
Trong chính sử, sự ra đời của Lý Công Uẩn nhuốm màu sắc huyền tích. Đưa khán giả trở về với thời kỳ cách đây hàng thiên niên kỷ, thời kỳ của triều đại phong kiến còn non trẻ, của nền văn minh lúa nước với nhiều lễ hội giàu tính phồn thực… đạo diễn đã có những mảng miếng lạ hấp dẫn người xem. Trang phục, lễ nghi, phong tục cũng như những giáo lý của Phật giáo, một trong những quốc giáo thời kỳ này khiến người xem ngạc nhiên, yêu thích.
Với thế mạnh của cải lương, phát huy sự sáng tạo của hình thức sân khấu kịch hát không quá bị gò bó bởi luật lệ, khuôn mẫu, đạo diễn và ê kip đưa tới một đêm diễn thăng hoa bởi những ước lệ hợp lý trong mô tả không gian thời gian, động tác mỹ lệ và sự hài hước ở các tuyến phụ. Tiếng cười xen lẫn sự xuýt xoa trước lời ca, giọng hát rất đẹp của dàn diễn viên. Người chuyển thể, tác giả Hoàng Song Việt dường như đem những hiểu biết, tình cảm của mình dành cho các nghệ sĩ cải lương miền Bắc để đưa tới những ca từ rất đẹp, phù hợp với tính cách, hoàn cảnh nhân vật và đặc biệt là phù hợp với chất giọng của các diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Từng dàn dựng kịch bản này cho sân khấu kịch, nay mang sang hình thức cải lương nên đạo diễn Triệu Trung Kiên đã “làm mới” lại chính mình để tạo ra những cảm xúc và ấn tượng mới mẻ. Bản dựng cho sân khấu cải lương đã được anh khai thác triệt để những giá trị của sân khấu truyền thống và cả những giá trị của nghệ thuật đương đại trong cách dàn dựng và diễn xuất. Tiếp thu, cập nhật cái mới, đổi mới tư duy sáng tạo luôn là điểm sáng cho những tác phẩm sân khấu gần đây của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Tác giả kịch bản vở “Huyền thoại gò Rồng ấp” - PGS Nguyễn Thế Kỷ hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết, ông hài lòng với cả hai bản diễn kịch nói và cải lương do đạo diễn Triệu Trung Kiên dàn dựng. Một kịch bản văn học được dàn dựng ở hai thể loại sân khấu là kịch nói và cải lương nhưng đều thể hiện được nội dung tư tưởng và ý đồ của tác giả như thông điệp tư tưởng, yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh... Đồng thời mỗi bản diễn đều có sức hấp dẫn riêng bởi ngôn ngữ nghệ thuật của từng loại hình.
Các nghệ thuật phụ trợ như âm nhạc, ánh sáng và đặc biệt là thiết kế mỹ thuật đã góp phần không nhỏ cho sự biến ảo của sân khấu thêm linh hoạt trong thay đổi không gian, thời gian. Dùng cái tối giản để mở ra không gian tưởng tượng, dùng sự gợi ý để làm đầy hơn cảm xúc, cùng với nghệ thuật biểu diễn đã dẫn lối cho tư duy liên tưởng của khán giả, vở diễn đem lại những xúc cảm thẩm mỹ, thấm được tư tưởng của tác phẩm: Cõi trời đất nước Nam là chốn địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh anh để hun đúc và sản sinh ra những con người anh hùng và chân lý cái ác, cái xấu xa phải lùi bước trước cái chân, cái thiện, lòng nhân ái của con người luôn được khẳng định một cách chắc chắn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/huyen-thoai-go-rong-ap-5700739.html