Huy động tối đa nguồn lực

Ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động trên toàn cầu; bởi vậy, cần có sự tham gia của toàn dân, trong đó đồng bào tôn giáo có vai trò quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp giải quyết vấn đề này.

Gắn bó, đồng hành

Nhận thức sâu sắc về vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với tổ chức tôn giáo triển khai nhiều hoạt động. Chương trình “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” được lồng ghép vào chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và dành nguồn lực từ chương trình này để hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm; tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của các tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo góp phần xã hội hóa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường.

Phát huy vai trò, nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường. Ảnh: monre.gov.vn

Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ nắm được nội dung, mục tiêu của các chương trình bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Nhiều chương trình tập huấn cho cộng đồng tôn giáo, dân cư kỹ năng xử lý rủi ro do bão, lụt, lũ quét, hạn hán, cháy rừng... cũng như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm cho chức sắc, chức việc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân từ tỉnh đến cơ sở về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, có các chương trình nghiên cứu, hỗ trợ các tôn giáo xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ sở tôn giáo; hướng dẫn cho cộng đồng tôn giáo, dân cư thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, từ đó phát triển thành các phong trào bảo vệ môi trường.

Nhiều nội dung của chương trình phối hợp đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nên đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành; sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân, cũng như các cộng đồng tôn giáo.

Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, các tổ chức tôn giáo đã gắn bó, đồng hành với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh chương trình hành động, các tôn giáo đã phối hợp vận động chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân tăng cường giám sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị xác đáng...

Bảo đảm tính bền vững

Những nỗ lực từ các cấp, các ngành, toàn dân và các tổ chức tôn giáo trong nhiều năm qua đã tạo nên những kết quả bước đầu quan trọng trong xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Tuy vậy, ở nhiều nơi, người dân vẫn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu bền vững...

Nhằm tăng cường đoàn kết, sự đồng hành của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác, phát huy thế mạnh của các tôn giáo, tổ chức tôn giáo tạo nên sức mạnh chung trong việc bảo đảm môi trường bền vững, theo các chuyên gia, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xóa bỏ những tập quán, thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần làm tốt việc xây dựng chương trình, kế hoạch với các mục tiêu, nội dung cụ thể. Thực tế hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đều ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp với các tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bước đầu đã tạo sự lan tỏa và phát huy được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân các tôn giáo. Tuy nhiên, cần chú trọng vào tính bền vững và hiệu quả của các chương trình phối hợp. Các chương trình hành động phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, liên tục, đều đặn qua từng năm, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, tính đặc thù của từng tôn giáo.

Bên cạnh đó, theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, cần có sự quan tâm, động viên của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, sự hỗ trợ về kinh phí, thông tin, tài liệu tuyên truyền. Trên cơ sở đó mới huy động, thu hút được sự tham gia của đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và của người dân trong cộng đồng; thu hút và xã hội hóa được các nguồn lực trong cộng đồng và nhất là của các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia đóng góp, có các giải pháp triển khai đồng bộ giữa vận động, phân loại, thu gom, xử lý chất thải...

Việc phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng cần được quan tâm. Qua đó, đẩy mạnh phòng chống, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự…

Các giải pháp được thực hiện đồng bộ sẽ phát huy thế mạnh của các tôn giáo, tổ chức tôn giáo, tạo nên sức mạnh chung trong xử lý các vấn đề quan trọng để bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Lê Thư - Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/huy-dong-toi-da-nguon-luc-i338335/