'Hương vị tình người'

'55 năm đã qua, bản thân trải nghiệm nhiều sự việc nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ mãi lần được thưởng thức bát phở gà đầu tiên trong đời. Bát phở tràn đầy nghĩa tình khiến tôi thay đổi nhận thức về con người. Đó là một bát phở mang hương vị tình người'-Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng mở đầu câu chuyện.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn là một người lính trưởng thành trong chiến đấu. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng có mặt trong sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 rồi đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trải qua nhiều cương vị công tác như: Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 1; Cục trưởng Cục Tổ chức-Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng... Mang trên mình vết thương chiến tranh với mảnh đạn vẫn còn trên người mỗi khi trái gió trở trời thường làm ông đau nhức, nhưng ông luôn sống lạc quan và sẵn sàng chia sẻ những kỷ niệm thời quân ngũ của mình với thế hệ trẻ.

Mới đây, gặp ông tại nhà riêng ở Khu đô thị Thành phố Giao lưu (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi đã được ông kể cho nghe kỷ niệm khi ông là cán bộ trung đội của Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Ông kể: "Chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta đã buộc đế quốc Mỹ phải dừng leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Tuy nhiên, trong tinh thần cảnh giác cách mạng cao, đề phòng các tình huống bất trắc có thể xảy ra nếu kẻ thù có những hành động gây hấn bất ngờ, tháng 11-1968, Sư đoàn 312 chúng tôi được lệnh về làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Lúc đó tôi là Phó trung đội trưởng Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165. Ở cương vị của mình, tôi không biết cụ thể các đơn vị trực thuộc sư đoàn đóng quân ở đâu, còn Đại đội 2 chúng tôi thì đóng quân tại Mai Lĩnh, Thanh Trì. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là huấn luyện theo tình huống giả định đánh địch đổ bộ đường không. Theo đánh giá của trên, rất có thể khi không đạt được ý định trước bàn hội nghị, sẽ có khả năng Mỹ cho quân đổ bộ ra Bắc và một trong những mục tiêu chủ yếu của chúng sẽ là đánh chiếm Thủ đô Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn. Ảnh: LÊ THÀNH

Mùa đông năm ấy trời rét căm căm. Chúng tôi vừa huấn luyện chiến thuật vừa tổ chức lực lượng đi trinh sát khu vực nội thành để chủ động trong các phương án tác chiến. Tôi cũng nằm trong thành phần đi trinh sát của đơn vị. Các tổ trinh sát hầu như hoạt động về đêm, thường phải đến 23-24 giờ mới về doanh trại nghỉ. Một hôm, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ ở khu vực gần chợ Mơ-Trương Định, Nhà máy Dệt 8-3… Trong lúc chờ đồng đội thực hiện nhiệm vụ để cùng về, chúng tôi ngồi nghỉ ở bên hè đường thì thấy hai người bán hàng rong đi đến. Một bà bán cháo đi qua mời chào đôi câu và đi luôn. Còn bà bán phở đi đến ngồi vào bến chờ của xe điện cạnh chỗ ngồi của chúng tôi. Tôi nhớ tối hôm ấy nhóm chúng tôi có 7 người, gồm 4 người ở Đại đội 2 và 3 người ở Đại đội 3. Nhóm của tôi có 3 anh em cùng quê: Ngồi sát phía trong là anh Phạm Ngọc Lan ở Đại đội 3; tôi và anh Nguyễn Văn Thì ở Đại đội 2, ngồi sau cùng sát về hướng chợ Mơ-Trương Định. Ngồi phía bên ngoài sát với bến chờ của xe điện là các anh Nguyễn Văn Kỷ, Bùi Văn Canh ở Đại đội 2 và 2 đồng chí ở Đại đội 3 mà tôi không nhớ tên.

Thấy chúng tôi, bà bán phở khéo léo mở lời mời các chú bộ đội ăn phở cho ấm bụng. Vừa mời, bà vừa giới thiệu về gánh phở gà của mình nấu ngon ra sao, nước dùng được chế biến thế nào, dụng cụ bát đũa đun qua nước sôi rất sạch sẽ. Bà nói bình thường bát phở gà bà bán 1 đồng nhưng nếu các chú bộ đội ăn bà chỉ lấy tám hào. Vừa nói bà vừa mở vung đậy nồi nước phở ra, hơi nóng từ nồi phở, mùi thịt gà quện với mùi gừng sả bốc lên ngào ngạt, thơm phức rất hấp dẫn.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn cùng em trai Nguyễn Đức Trường. Ảnh chụp khi ông mới từ chiến trường Quảng Trị ra Bắc học, tháng 7-1973. Ảnh do nhân vật cung cấp

Còn nhớ thời bấy giờ, phở mậu dịch không thịt giá 3 hào, có thịt giá 5 hào, nhưng chỉ là thịt lợn nhiều mỡ thái mỏng dính. Trong khi phụ cấp của bộ đội binh nhì cả tháng là 5 đồng, tôi là thượng sĩ, phụ cấp 12 đồng. Một tô phở gà giá 8 hào cũng là quá xa xỉ. Ngồi ở phía trong, tôi im lặng lắng nghe cuộc nói chuyện của bà. Qua đó, được biết nhà bà ở ngõ Giếng Mứt, Minh Khai (Hai Bà Trưng). Gia đình bà cũng vừa đi sơ tán mới về. Cuộc sống của gia đình dựa cả vào gánh phở rong này. Hằng ngày, bà chủ yếu bán cho các công nhân của Nhà máy Dệt 8-3 đi làm ca tan tầm…

Ban đầu, bà gọi các chú bộ đội, sau chuyển thành xưng hô mẹ con. Qua nghe nói chuyện, tôi thấy bà rất khéo léo. Trong khi tiết trời giá lạnh lại lúc đêm muộn, tôi cũng giống như mọi người nửa muốn ăn nửa không. Muốn ăn vì vừa đói vừa rét mùi phở lại quá hấp dẫn nhưng nửa không muốn vì sâu xa tôi vốn không có cảm tình với cánh tiểu thương. Từ lâu trong thâm tâm tôi có sẵn thành kiến với tiểu thương Hà Nội, tôi cho rằng họ khéo léo quá nên không thật. Hơn nữa một bát phở khá đắt đỏ mà trong túi tôi lúc này chỉ còn hơn 2 đồng phụ cấp. Nhưng rồi sự hấp dẫn của phở một phần, phần khác cũng thương bà già bán hàng đêm khuya vất vả, anh Thì ngồi cạnh tôi cứ nói đi nói lại: “Thôi ăn một bát giúp mẹ già”. Thế là quyết định “tặc lưỡi ăn phở”.

Quả thật bát phở được làm gọn trong chiếc bát chiết yêu cổ của bà thơm nóng, rất ngon. Chúng tôi ai nấy đều ăn hết sạch. 7 người ăn 7 bát rất nhanh. Trong lúc chúng tôi ăn, bà bán phở vừa động viên anh em cố gắng ăn cho hết đừng để lãng phí rồi lại thêm nước và bánh phở cho. Thấy mọi người tấm tắc khen ngon, bà lại mời mỗi người ăn thêm một bát nữa. Anh em đồng tình nhanh chóng, riêng tôi dù vẫn còn thòm thèm nhưng nhất định từ chối. Nhìn lại nồi phở, còn một bát cuối cùng, anh Bùi Văn Canh xung phong ăn thêm. Như vậy là chúng tôi đã ăn tổng cộng 14 bát phở của bà. Ăn xong, mọi người nhắc nhau dồn tiền để trả cho bà. Lúc này bà mới xua tay từ chối và nói: “Ấy, từ nãy giờ mẹ nói thế cốt để các con ăn cho nó thoải mái chứ mẹ không lấy tiền của các con đâu. Mẹ cũng có con là bộ đội, mẹ coi các con cũng giống như con của mẹ vậy. Mẹ thương lắm, nhất là cứ phải đi tập trong đêm đông lạnh lẽo như thế này. Người ta có tiền ủng hộ cách mạng, mẹ có phở, mẹ ủng hộ phở. Các con nhận giúp mẹ!”.

Nghe bà nói vậy, tôi hẫng người. Những cảm xúc xen lẫn vào nhau khó diễn tả ào đến trong tôi: Xấu hổ, ngại ngùng, ân hận… Sau phút sững sờ đến ngỡ ngàng là cảm giác xấu hổ tận đáy lòng vì những suy nghĩ, đánh giá không đúng lúc ban đầu của mình. Cả gánh phở, bà mới bán được có mấy bát còn lại đã dành cả cho chúng tôi mà không toan tính. Tôi tin chắc những bát phở vừa rồi bát nào cũng đầy bánh phở và thịt hơn bình thường. Tôi nhận ra mình đã có những nhận định sai về người Hà Nội. Tôi nghĩ lại từ lời nói, việc làm của bà bán phở và nhận ra tình cảm, tấm lòng nhân ái, thể hiện tình quân dân thắm thiết đến từ bà bán phở đường phố nhỏ bé. Bát phở gà lần ấy không phải chỉ ngon bởi hương vị mà còn ngon hơn bởi chữ tình trong đó. Đó là bát phở của tình người, của tình quân dân. Chính bà bán phở đã khiến tôi dần nhìn nhận lại và thay đổi những suy nghĩ, đánh giá có phần không khách quan, chưa đúng và định kiến về người Hà Nội, về bộ phận tiểu thương ngày ấy!

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (thứ hai, từ phải sang) cùng người thân và đồng đội. Ảnh: NGỌC MAI

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, hai trong số 7 người được thưởng thức “bát phở tình người” năm đó đã hy sinh trên chiến trường là anh Nguyễn Văn Kỷ và Bùi Văn Canh. Còn tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của một người lính Bộ đội Cụ Hồ. Trong nhiều sự việc mình đã trải qua, cho đến giờ tôi vẫn nhớ mãi bát phở gà đầu tiên trong đời. Bát phở tràn đầy nghĩa tình, bát phở làm cho tôi thay đổi nhận thức về con người. Chỉ tiếc chúng tôi không ai biết được tên và địa chỉ của bà bán phở đầy tình nghĩa ấy. Không biết bà và gia đình hiện nay ra sao!".

TUẤN TÚ-BẢO LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/huong-vi-tinh-nguoi-718893