Diễn viên Bảo Thanh và một lần mang kịch tới Trường Sa

Không phải là vai một người con giàu cảm xúc hay một cô gái lí lắc như phong cách thường thấy, diễn viên Bảo Thanh hóa thân vào vai bà mẹ với tình huống dở khóc, dở cười trong vở hài kịch 'Tình yêu lính đảo' trong chuyến đi công tác đặc biệt nhất đời diễn viên của mình tới Trường Sa.

Dí dỏm "Tình yêu lính đảo" trên sân khấu Trường Sa lớn

Trên sân khấu ở cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa lớn, các diễn viên Nhà hát kịch Công an nhân dân cuối tháng 4 vừa qua đã mang đến một tiểu phẩm hài đặc sắc "Tình yêu lính đảo" với sự có mặt của nữ diễn viên Bảo Thanh - vai người con xuất sắc trong "Về nhà đi con". Trong vở diễn, Bảo Thanh đảm nhận vai bà mẹ ở vùng miền núi trung du và có một cô con gái hết lòng yêu một chàng trai lính đảo. Việt Tùng và Trúc Mai vào vai diễn tung hứng với những nét diễn rất duyên dáng.

Vở “Tình yêu lính đảo” được xây dựng với một kết cấu chuyện giản dị, kể về chuyện tình yêu xa của một anh lính hải quân và một cô gái ở miền trung du xa xôi. Sự nhầm lẫn đáng yêu đã diễn ra khi chàng trai lần theo địa chỉ bức thư về tận quê hương để tìm cô gái. Nhưng tình huống trớ trêu là cô gái đã không dám mạnh dạn lấy tên thật mà lấy tên mẹ mình để thổ lộ tình cảm với chàng trai. Tình huống dở khóc, dở cười khiến chàng trai tưởng đã bị ai đó trêu đùa tình cảm…

Kết thúc vở diễn, những tiếng vỗ tay không ngớt. Có những chiến sĩ đã xúc động nghẹn ngào thổ lộ: “Em nhớ nhà, nhớ mẹ quá” - tân binh Nguyễn Thế Thìn thốt lên bên cánh gà. Có chàng trai mới một năm ra đảo, bẽn lẽn bảo: “Em nhớ người bạn gái vẫn thường nhắn tin động viên em hoàn thành nghĩa vụ quân sự”; “Em nhớ mẹ và vợ ở nhà luôn làm hậu phương vững chắc của mình”… Có chàng trai dí dỏm bảo: “Không biết ít nữa về đất liền mình có đi tìm gặp cô gái thường hay hỏi thăm mình bị nhầm lẫn như tình huống này không?”.

Trúc Mai, Bảo Thanh và Việt Tùng trình diễn kịch tại sân khấu đảo Trường Sa.

Bảo Thanh, kết thúc vai diễn, xúc động bảo, cô ít khi diễn hài và đây có lẽ lần đầu đảm nhiệm vai bà mẹ. Nhưng với hình tượng mới, cô hy vọng đã mang nét diễn tươi mới và nụ cười dí dỏm tới với các chiến sĩ ngoài hải đảo xa xôi.

“Diễn cho những chiến sĩ ở đảo xem, cảm xúc người diễn và người xem rất đặc biệt. Người diễn được diễn cho chính người đang xuất hiện trong vở kịch của mình xem, còn người xem được xem chính mình trên sân khấu. Tôi thấy bóng hình của mình đâu đó trong vai diễn, thấy tình yêu với người con gái hậu phương”, Thanh kể.

Nữ diễn viên "Về nhà đi con" đã có một hành trình đặc biệt ý nghĩa cùng với các nghệ sĩ nhà hát ra thăm quân, dân đảo Trường Sa và diễn kịch để tặng bà con biển đảo cuối tháng 4 vừa qua.

Dù vậy, lúc đầu, nữ diễn viên trẻ không khỏi tâm tư: “Trước đây, tôi chỉ nghe, đọc sách báo về Trường Sa nhưng chưa bao giờ được đặt chân đến những địa điểm thiêng liêng như thế này. Hai ngày trước khi đi công tác, tôi không ngủ được vì lo lắng sợ say sóng, nắng rát. Nhưng sau khi nghe ông xã phân tích có nói những nơi biển đảo thiêng liêng Tổ quốc đánh dấu lãnh thổ chủ quyền nên không phải ai muốn cũng đi ra được, nếu có cơ hội phải tận hưởng nó, cố gắng thư giãn để trải nghiệm hết chuyến đi trọn vẹn nhất".

Và trong 6 ngày cùng đoàn công tác, Bảo Thanh đã nhận thấy được tình cảm yêu mến và sự chăm sóc chu đáo của các chiến sĩ, nên thay vì những lo lắng nắng, gió, say sóng, cô chỉ còn cảm thấy sự gần gũi rất đáng yêu và cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi được đặt chân tới biển đảo xa xôi.

Những ngày lên đảo, cảm nhận sự thiếu thốn và sự khắc nghiệt của thời tiết vùng biển đảo xa xôi, Bảo Thanh càng thấm thía ý chí kiên cường, sự hy sinh của các chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vở diễn đã mang đến những tiếng cười sảng khoái cho quân, dân trên đảo.

Đảm nhận vai con gái trong vở diễn là diễn viên Trúc Mai. Trúc Mai cũng lần đầu tiên được đặt chân tới các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, biểu diễn tiểu phẩm ngắn phục vụ các cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên Đảo Trường Sa.

"Tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào khi được đại diện cho Nhà hát Kịch Công an nhân dân mang đến cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo một món ăn tinh thần từ đất liền. Đó cũng là tình cảm, là sự sẻ chia và lòng biết ơn sâu sắc của tôi cũng như tập thể Nhà hát Kịch Công an nhân dân tới sự hy sinh và cống hiến thầm lặng của những cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ đất trời Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió! Để khi quay trở lại đất liền, trong tôi vẫn mang theo những tình cảm yêu thương và trân quý ấy", Trúc Mai xúc động chia sẻ. Trong hành trình đến Trường Sa, Bảo Thanh và Trúc Mai nhận được sự đón nhận của rất nhiều chiến sĩ trẻ.

Các chiến sĩ trẻ lần đầu tiên được thưởng thức kịch trên đảo Trường Sa.

Diễn cho các chiến sĩ ở đảo, cảm xúc người diễn và người xem rất đặc biệt. Người diễn được diễn cho chính người đang xuất hiện trong vở kịch của mình xem, còn người xem được xem chính mình trên sân khấu. Tôi thấy bóng hình của mình đâu đó trong vai diễn, thấy tình yêu với người con gái hậu phương.

Diễn viên Bảo Thanh

Sẽ mang vở diễn gần gũi hơn nữa tới Trường Sa

Đứng phía bên cánh gà, nhìn dàn diễn viên nhà hát biểu diễn, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân không khỏi tự hào. Ngày nhận nhiệm vụ mang kịch ra diễn tại đảo Trường Sa lớn, cả đoàn ai cũng xúc động, tranh nhau đăng ký suất tham gia vở diễn vì đây là lần đầu tiên Nhà hát có cơ hội đặt chân tới nơi biển đảo xa xôi.

Với địa hình sân khấu không thể đầy đủ như đất liền, đoàn đã phải tính toán mang các đạo cụ sân khấu, âm thanh, ánh sáng giản tiện nhất, biến sân khấu ở cột mốc chủ quyền thành địa điểm biểu diễn tốt nhất.

Kịch bản “Tình yêu lính đảo” được xây dựng lại từ một vở diễn đã thành công của nhà hát, nhưng lần này, nhân vật chính được xây dựng cho một chiến sĩ hải quân nơi biển đảo xa xôi ở Trường Sa, để bất kỳ chiến sĩ nào đang xem vở kịch cũng thấy bóng dáng của mình trong vai nam chính, tạo nên sự gần gũi, giao thoa giữa nghệ sĩ với các chiến sĩ ngoài hải đảo xa xôi.

“Thông điệp chúng tôi muốn mang đến qua vở hài kịch ngắn không chỉ tiếng cười vui vẻ được mang đến từ những nghệ sĩ đã thành danh với việc đóng các phim truyền hình, mà thông điệp chính là những người ở đất liền luôn luôn hướng về các chiến sĩ hải quân và khẳng định với các chiến sĩ là những người mẹ, người bạn gái, người vợ của các anh luôn là hậu phương vững chắc để các anh vững vàng tay súng, giữ gìn biển đảo quê hương, giúp các anh yên tâm, vững chắc hoàn thành nhiệm vụ của mình với Tổ quốc”, Giám đốc Thu Hiền chia sẻ.

Nụ cười các chiến sĩ trẻ.

Đứng trong cánh gà, NSND Thu Hiền tâm sự, khi nhìn thấy những giọt nước mắt rơi của chiến sĩ và người dân ở đảo, chị thấy vô cùng vinh dự vì đã cùng một vài đại diện nhà hát mang được tác phẩm thật sự đi vào lòng người trình diễn cho các chiến sĩ tại đây, bởi vì ở mảnh đất xa xôi này, để được thưởng thức kịch là điều rất hiếm hoi và mới mẻ.

Nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo khác với đất liền, người nghệ sĩ nào cũng thấy thiêng liêng vô cùng. Nhìn các chiến sĩ trẻ măng, da đen như gỗ mun, những nghệ sĩ cũng xúc động vô cùng vì cảm nhận được sâu sắc những sương gió mà các chiến sĩ phải nếm trải. Họ đã say mê giao lưu, hát tặng các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn và thấy ánh mắt của các chiến sĩ long lanh niềm tin với đất liền.

NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân giao lưu với các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn.

Chia tay đoàn công tác, chị Lê Thị Hương Trâm, một hộ dân tại đảo Trường Sa lớn bịn rịn níu giữ chân nghệ sĩ, ngân ngấn lệ nói: "Từ ngày chúng tôi ra đây, được xem các chương trình văn nghệ rất nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên được xem kịch. Tôi thấy rất vui khi được xem các nghệ sĩ diễn kịch và đặc biệt là được gặp Bảo Thanh ngoài đời - một diễn viên tôi rất thích sau bộ phim "Về nhà đi con".

Chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp qua vở diễn, rằng những người ở đất liền luôn luôn hướng về các chiến sĩ hải quân và khẳng định với các chiến sĩ là những người mẹ, người bạn gái, người vợ của các anh luôn là hậu phương vững chắc để các anh vững vàng tay súng, giữ gìn biển đảo quê hương, giúp các anh yên tâm, vững chắc hoàn thành nhiệm vụ của mình với Tổ quốc.

NSND Nguyễn Thị Thu Hiền

Đại úy Trương Công Thành đã nhiều năm công tác ở các đảo như Sinh Tồn, Đá Tây... trước khi đến Trường Sa lớn, ngồi phía cuối hàng khán giả không bỏ sót bất kỳ hình ảnh nào trên sân khấu. Với anh, được xem các nghệ sĩ nổi tiếng truyền hình trình diễn kịch trên đảo Trường sa là cảm xúc vô cùng đặc biệt. Những tiếng cười hào sảng, những tiếng vỗ tay không ngớt, những cuộc chia tay bịn rịn... khiến cho đoàn công tác ai nấy đều nghẹn ngào khi phải rời đảo trong vài phút nữa.

Những dư âm sau đêm nghệ thuật, những cảm xúc rưng rưng của quân và dân trên đảo khi được thưởng thức nghệ thuật kịch nói rất hiếm hoi... còn kéo dài mãi. NSND Thu Hiền kỳ vọng vào một ngày không xa, Nhà hát Công an nhân dân sẽ tiếp tục được ra đảo xa, trình diễn những tác phẩm kịch ngắn ý nghĩa hơn, gần gũi hơn nữa với quân, dân trên đảo, để góp một phần nhỏ bé chia sẻ với khó khăn vất vả của người chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi.

Một số hình ảnh biểu diễn văn nghệ tại sân khấu đảo Trường Sa lớn:

Các chiến sĩ trên đảo thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ. (Ảnh: ĐÌNH KÝ)

Các chiến sĩ trên đảo tặng lại đoàn công tác tiết mục nghệ thuật đặc sắc. (Ảnh: ĐÌNH KÝ)

(Ảnh: ĐÌNH KÝ)

Quân, dân trên đảo kết hợp trong một tiết mục văn nghệ. (Ảnh: ĐÌNH KÝ)

Các em bé trên đảo Trường Sa dành tặng các cô, chú tiết mục văn nghệ đặc sắc. (Ảnh: ĐÌNH KÝ)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dien-vien-bao-thanh-va-mot-lan-mang-kich-toi-truong-sa-post807468.html