Hướng tới mục tiêu kho bạc số

Thực hiện chiến lược phát triển kho bạc hoạt động hoàn toàn trên môi trường số, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, hướng tới mục tiêu kho bạc số.

KBNN Lâm Thao là một trong những đơn vị đi tiên phong trong triển khai phần mềm ứng dụng DVCTT, góp phần thực hiện chiến lược kho bạc số.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành phương tiện không thể thiếu được trong hoạt động nghiệp vụ, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc, KBNN tỉnh đã tập trung trang bị đồng bộ các thiết bị tin học, thiết lập hệ thống mạng hạ tầng CNTT tốc độ cao, tạo ra cơ sở hạ tầng vững chắc cho việc triển khai các phần mềm ứng dụng hiện đại. Hệ thống thiết bị tin học được kết nối hình thành mạng diện rộng kết nối tất cả các mạng nội bộ của các đơn vị KBNN cấp huyện, tỉnh và Trung ương. Với việc đầu tư hệ thống nguồn tập trung cùng các điều kiện cơ sở vật chất đã giúp cho các phần mềm ứng dụng của KBNN hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu kết nối liên tục thông suốt 24/24h.

Các hệ thống ứng dụng như: TABMIS, thanh toán song phương điện tử, thanh toán điện tử liên kho bạc tập trung, thanh toán điện tử liên ngân hàng được KBNN tỉnh duy trì hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; việc đối chiếu số liệu, quyết toán cuối ngày với các ngân hàng thương mại được thực hiện theo đúng quy trình quy định và hoàn thành dứt điểm hàng ngày. Hệ thống trang thiết bị tin học, hạ tầng truyền thông, các phần mềm ứng dụng được duy trì thông suốt, cập nhật, nâng cấp kịp thời, đúng chỉ đạo của KBNN đã hỗ trợ tích cực cho công tác kế toán, thanh toán của hệ thống kho bạc tỉnh. Để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, KBNN tỉnh thực hiện nghiêm việc sao lưu dự phòng dữ liệu theo đúng chỉ đạo của cấp trên; duy trì công tác quản trị mạng, quản trị ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền, tài sản Nhà nước giao cho KBNN tỉnh quản lý.

Cùng với đồng bộ về hạ tầng công nghệ, bám sát chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính, UBND tỉnh và KBNN, KBNN tỉnh tích cực triển khai diện rộng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc KBNN tỉnh khẳng định: KBNN tỉnh đã triển khai các quy định chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống DVCTT KBNN đồng thời triển khai các tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát từ xa. DVCTT thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện chuyển/gửi hồ sơ thanh toán và nhận trả kết quả kiểm soát chi NSNN thông qua Internet online nhanh chóng, chính xác với quy trình thao tác đơn giản, nhanh gọn, tiện lợi.

Đây được xem như là “đòn bẩy” giúp công tác kiểm soát chi của hệ thống KBNN an toàn, hiệu quả, hướng tới tăng độ hài lòng, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại của đơn vị, chủ đầu tư, đặc biệt hạn chế được tình trạng giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu nhờ sử dụng chữ ký số, thông tin thanh toán được bảo mật…Cũng thông qua DVCTT, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý hồ sơ kiểm soát chi trên hệ thống, báo cáo thống kê qua DVCTT, từ đó làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng phục vụ của KBNN năm 2022, KBNN tỉnh được đánh giá xếp thứ tư toàn quốc.

Đến nay, KBNN tỉnh đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện DVCTT mức độ bốn, hoàn thành tích hợp 100% TTHC thuộc trách nhiệm triển khai của KBNN lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, 100% đơn vị giao dịch với hệ thống KBNN tỉnh thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT, tỉ lệ hồ sơ giao dịch qua DVCTT đạt 99,8% (không bao gồm khối an ninh, quốc phòng).

Bên cạnh đó, KBNN tỉnh thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai đầy đủ 11/11 thủ tục hành chính của ngành theo quy định, công khai số điện thoại đường dây nóng và hộp thư điện tử, địa chỉ tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về các quy định trong hệ thống KBNN; duy trì thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong lĩnh vực thu NSNN và kiểm soát chi NSNN theo đúng chỉ đạo của KBNN, duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong hoạt động hệ thống kho bạc.

Có thể thấy, việc cải cách TTHC, ứng dụng CNTT hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ đã giúp hệ thống kho bạc tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, năm 2023, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Kho bạc tỉnh là tiếp tục thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 đặt nền móng cho việc hình thành kho bạc số vào năm 2030. Theo đó, hệ thống KBNN tỉnh tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, tập trung hoàn thiện hiện đại hóa các quy trình, hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, gia tăng các tiện ích để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khi giao dịch với Kho bạc, giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian, vật chất xã hội; thường xuyên kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, đảm bảo xây dựng được đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có thái độ làm việc văn minh chuyên nghiệp, tiếp tục thực hiện lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng…

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chuyen-doi-so/huong-toi-muc-tieu-kho-bac-so/190049.htm