'Hương ngàn Đất Tổ'
Xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa có truyền thống trong nghề nuôi ong lấy mật và được biết đến với đặc sản mật ong thơm ngon có tiếng. Với uy tín sẵn có trên thị trường cùng nỗ lực của những người nuôi ong, năm 2020 sản phẩm mật ong 'Hương ngàn Đất Tổ' của Tổ hợp tác nuôi ong Đoàn Kết, xã Gia Điền đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, qua đó giúp người nông dân gia tăng thu nhập, nâng tầm giá trị và thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
Lợi thế từ nhiều trang trại trồng cây ăn quả như: Vải, nhãn, bưởi, cam ở các xã và gần khu vực Đầm Ao Châu đã tạo ra nguồn hoa phong phú để nghề nuôi ong trên địa bàn huyện Hạ Hòa ngày càng phát triển. Có truyền thống lâu năm trong nghề, người dân xã Gia Điền đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu và học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm mật ong tự nhiên, chất lượng vượt trội. Trước đây, sản phẩm mật ong làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu của người dân trong xã, lợi nhuận thu về không lớn.
Năm 2010, nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư không nhiều, rủi ro thấp, chính quyền xã đã vận động người dân tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như định hướng cho quá trình phát triển; đồng thời, thành lập Tổ hợp tác ong Đoàn kết tại khu 1 nhằm mục đích tăng cường sự liên kết, giúp đỡ nhau giữa các hộ nuôi ong, từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng mật ong.
Hiện nay, Tổ hợp tác ong Đoàn Kết xã Gia Điền có 7 thành viên. Thành viên ít nhất cũng có vài chục đàn, thành viên nhiều lên tới 100 đàn ong mật. Sản phẩm chính của tổ hợp tác là mật ong hoa theo mùa và mật ong hoa tổng hợp.
Theo kinh nghiệm của các thành viên nuôi ong lâu năm của Tổ hợp tác, mùa thu hoạch mật ong tốt nhất thường kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 5 hàng năm. Vì vậy, không chỉ cho ong lấy phấn, làm mật từ các vùng cây ăn quả trong xã, người nuôi ong ở Gia Điền còn di chuyển đàn ong đến các vườn cây ăn quả, các trang trại ở các xã, huyện lân cận. Nhờ đó đàn ong luôn tìm được những nguồn phấn hoa tốt nhất, chất lượng mật ong luôn đảm bảo tự nhiên, tinh khiết.
Quá trình thu hoạch, người thợ nuôi ong tại tổ hợp tác chỉ sử dụng những tầng sáp ong đã bít nắp, khi ấy mật đã già và đủ độ sánh, mật ngọt quyện chứ không bị chua. Trên từng tầng ong, người thợ sẽ dùng một dụng cụ đặc biệt để gạt bỏ lớp nắp đang phủ kín để mật ong sánh mịn trào ra. Tiếp theo, sáp ong sẽ được cho vào máy quay ly tâm để lấy mật, đóng chai đảm bảo an toàn vệ sinh để bảo quản lâu dài.
Trong cả quá trình thu mật và đóng chai tất cả các dụng cụ đều được xử lý đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhờ đó mật ong mang thương hiệu “Hương ngàn Đất Tổ” luôn đảm bảo về chất lượng và dù để trong thời gian dài vẫn giữ được độ sánh, vị ngọt đặc trưng và không bị lắng đường. Giá mật ong cũng được Tổ hợp tác duy trì ở mức 150-200 nghìn đồng/lít tùy từng thời điểm và vụ hoa trong năm.
Xác định mục tiêu lớn nhất của Chương trình OCOP là đánh thức lợi thế, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, vì vậy trong kế hoạch xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho mật ong “Hương ngàn Đất Tổ”, Tổ hợp tác nuôi ong Đoàn Kết đã cùng với chính quyền địa phương tăng cường xúc tiến, quảng bá qua các kênh thông tin, mạng xã hội, đưa sản phẩm tới gần hơn người tiêu dùng. Ngoài tiêu thụ trong huyện và tỉnh, sản phẩm mật ong “Hương ngàn Đất Tổ” của xã Gia Điền còn có mặt tại các cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch và các thị trường lớn ở ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Kỷ - Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ong Đoàn Kết cho biết: "Nghề nuôi ong mật chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, tạo nguồn thu nhập ổn định. Hàng tháng, Tổ hợp tác thường sinh hoạt định kỳ, cùng bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm nuôi ong nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thời gian tới các thành viên của tổ hợp tác tiếp tục học hỏi nâng cao kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch mật ong, đầu tư thêm máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời kết nạp thêm các thành viên mới, tăng đàn ong, tăng cường liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ ra một số tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang...".
Sản phẩm mật ong “Hương ngàn Đất Tổ” của Tổ hợp tác nuôi ong Đoàn Kết, xã Gia Điền nói riêng và sản phẩm mật ong Hạ Hòa nói chung đã và đang khẳng định thương hiệu với chất lượng ngày càng cao với người tiêu dùng. Từ hiệu quả của nghề nuôi ong mật mang lại, huyện Hạ Hòa sẽ tiếp tục vận động người dân khai thác lợi thế đồi rừng, tăng đàn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phát triển đàn và khai thác mật ong cùng các sản phẩm khác; hỗ trợ các kênh vay vốn sản xuất, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/huong-ngan-dat-to-216647.htm