Hướng đi mới cho ngành vật liệu xây dựng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhớ lại thời xa xưa, khi muốn có gạch men, phải nhập khẩu; hay thời xi măng lò đứng; chúng ta phải ghi nhận ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở nước ta đã có những bước tiến dài, nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Không chỉ tốt về chất lượng, đẹp về mẫu mã, giá cả cạnh tranh, mà chuỗi cung ứng ngày càng hoàn thiện, phù hợp với xu thế phát triển logistics ở Việt Nam. 10 năm gần đây, ngành này đóng góp đến 6% GDP của cả nước, tương đương 24 tỷ USD.

Có thành công đó, ngoài yếu tố hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ; phải nói rằng, phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và VLXD nói chung tại nước ta luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Đáng tiếc, trong những năm gần đây, do nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước tác động; cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi; dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và VLXD suy giảm. Nhiều nhà máy thua lỗ và nợ xấu.

Sản phẩm sắt thép, xi măng và VLXD là đầu vào, là những vật liệu thiết yếu để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình dân dụng, công nghiệp, sân bay, bến cảng, các công trình quốc phòng, an ninh, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn... Như vậy, các mặt hàng này phụ thuộc vào đầu tư xây dựng (trong đó có mảng đầu tư công) và hạ tầng đô thị, nông thôn cả khu vực Nhà nước và tư nhân.

Trong VLXD có VLXD cao cấp và thông thường. Những năm gần đây, chúng ta đã đẩy mạnh đầu tư công, như tuyến đường bộ cao tốc phía Đông và nhiều tuyến đường bộ cao tốc khác trong cả nước. Thế nhưng, thời gian qua một số dự án thành phần trong số các dự án này gặp khó khăn về VLXD thông thường (điển hình là cát, đất, sỏi) để thi công. Vấn đề cho thấy, để tháo gỡ khó khăn của sắt, thép, xi măng, VLXD; cần rất nhiều giải pháp, chung và riêng với từng loại sản phẩm.

Nhận diện đúng khó khăn, nguyên nhân là yêu cầu quan trọng. Có ý kiến cho rằng, khó khăn của ngành này, ngoài nguyên nhân khách quan, còn phải nhắc đến nguyên nhân đầu tư theo “tư duy phong trào”; chưa coi trọng nguyên lý cơ bản phải là hàng hóa tốt, giá cả cạnh tranh, dịch vụ bán và chăm sóc khách hàng chu đáo.

Do vậy, khó khăn là lúc cho thấy một số cơ sở công nghiệp sản xuất sắt, thép, xi măng, VLXD cần phải đầu tư nâng cấp, cải tạo với công nghệ, thiết bị của các nhà máy. Ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên… là quy luật. Đây cũng là lúc cần cơ cấu lại nguồn vốn, tiết giảm chi phí để bảo đảm dòng tiền trả nợ ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/huong-di-moi-cho-nganh-vat-lieu-xay-dung-post515849.html