HoREA kiến nghị TP.HCM điều chỉnh lệnh cấm cho thuê ngắn hạn căn hộ chung cư
Trước quyết định cấm cho thuê ngắn hạn căn hộ tại các chung cư thuần cư trú từ ngày 27/2, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị UBND TP.HCM xem xét lại quy định này. HoREA cho rằng mô hình cho thuê ngắn hạn cần được nhìn nhận như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế chia sẻ và du lịch đô thị hiện đại.
Ngày 27/2, UBND TP.HCM ban hành quy định mới về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Theo đó, các căn hộ tại chung cư chỉ được phép cho thuê lưu trú ngắn ngày nếu thuộc các dự án sử dụng hỗn hợp hoặc được cấp phép kinh doanh dịch vụ lưu trú. Với các chung cư thuần cư trú, hoạt động cho thuê theo hình thức Airbnb và các nền tảng tương tự chính thức bị cấm.
Phản hồi quy định này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi văn bản kiến nghị, cho rằng quy định trên chưa phù hợp với tinh thần của Luật Nhà ở 2023 và có thể gây tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, cũng như ngành du lịch TP.HCM.

Chỉ 24 chung cư trên địa bàn TP.HCM đã có 8.740 căn hộ cho thuê ngắn hạn
Theo HoREA, quan điểm cho rằng “cho thuê ngắn hạn không nhằm mục đích để ở” là chưa chính xác. Luật Nhà ở không cấm việc chủ sở hữu sử dụng căn hộ vào mục đích cho thuê, miễn đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và nghĩa vụ tài chính. Người cho thuê phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế như các hoạt động kinh doanh bất động sản thông thường.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA dẫn chứng, hiện chỉ riêng 24 tòa nhà chung cư tại TP.HCM đã có tới 8.740 căn hộ đang cho thuê ngắn hạn qua ứng dụng Airbnb, góp phần tạo việc làm cho khoảng 8.740 - 17.480 lao động địa phương. Với giá trị đầu tư bình quân mỗi căn hộ khoảng 5 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản liên quan có thể lên tới gần 43.700 tỷ đồng, trong đó khoảng 30.590 tỷ đồng là dư nợ ngân hàng, với chi phí lãi vay hàng năm khoảng 2.753 tỷ đồng.
Lệnh cấm đột ngột đã khiến hàng nghìn chủ hộ phải chấm dứt hợp đồng thuê, mất nguồn thu nhập, gặp khó khăn trong trả nợ và trả lãi vay ngân hàng. Dù một số chuyển sang cho thuê dài hạn, nhưng với quy mô hàng nghìn căn hộ, việc lấp đầy là không khả thi trong ngắn hạn.
Ngoài ra, HoREA cho rằng việc cấm cho thuê ngắn hạn còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút du khách và làm suy giảm năng lực cạnh tranh của TP.HCM so với các địa phương khác, nơi hoạt động này vẫn được cho phép.
Ở góc độ phản biện, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng bản chất của căn hộ chung cư là không phù hợp để kinh doanh lưu trú ngắn ngày. Ông nhấn mạnh rằng mô hình này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, gây xáo trộn môi trường sống, và chỉ nên thực hiện ở các loại hình bất động sản chuyên biệt như officetel hoặc căn hộ dịch vụ.

Khu vực Vinhomes Central Park đang có khoảng 4.000 căn hộ cho thuê ngắn hạn
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng cần có hành lang pháp lý rõ ràng để điều chỉnh mô hình cho thuê ngắn hạn thay vì cấm đoán tuyệt đối. Việc công nhận đây là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp sẽ tạo điều kiện quản lý chặt chẽ, yêu cầu đăng ký kinh doanh, kê khai lưu trú và nộp thuế đầy đủ.
Hiện nhiều ban quản lý chung cư tại TP.HCM như Masteri Thảo Điền, Iris - HaDo Centrosa Garden, Opal Tower Saigon Pearl, Sunrise City North, Vinhomes Central Park, Lumìere Riverside… đã ra thông báo yêu cầu cư dân dừng hoạt động cho thuê ngắn ngày theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.