Hơn 80% doanh nghiệp gỗ lo ngại doanh thu sụt giảm

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, nhu cầu của thị trường xuất khẩu giảm mạnh, tồn kho sản phẩm tăng, do đó doanh thu năm nay của các doanh nghiệp trong ngành sẽ sụt giảm.

Các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam

Các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam

Hiệp hội ngành gỗ gồm VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và tổ chức Forest Trends vừa công bố Báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp”.

Theo đó, trong số 52 doanh nghiệp tham gia khảo sát có tới hơn 80% doanh nghiệp dự báo mức doanh thu năm 2022 của họ sẽ sụt giảm so với năm 2021.

Trong đó, 19 doanh nghiệp dự báo có mức doanh thu giảm dưới 30%; 13 doanh nghiệp dự báo giảm từ 30 - 50% và 10 doanh nghiệp dự báo giảm trên 50%.

Chỉ có 3 doanh nghiệp dự báo doanh thu của họ sẽ tăng trong năm 2022 so với năm 2021 với mức tăng từ 10-20%. Còn lại 7 doanh nghiệp dự báo doanh thu trong năm 2022 không đổi so với năm 2021.

Nguyên nhân dẫn đến doanh thu sụt giảm là do nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính giảm mạnh, nhất là tại thị trường Hoa Kỳ. Cụ thể, có 45 trong tổng số 52 doanh nghiệp ngành gỗ tham gia khảo sát xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia thị trường Hoa Kỳ cho biết, trong những tháng đầu năm 2022 cho hay, có 33 doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường này giảm trung bình 39,6% trong những tháng đầu năm. Biên độ giảm rộng, doanh nghiệp có mức giảm ít nhất là 8% trong khi có doanh nghiệp có mức giảm cao nhất tới 80% doanh thu; 10 doanh nghiệp có doanh thu tăng trong những tháng đầu năm 2022. Mức tăng trung bình là 11%;

Có 39 trong số 52 doanh nghiệp được phỏng vấn có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU thì trong các tháng đầu năm nay, 24 doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm với mức giảm trung bình khoảng 42,2%. Trong đó, có một số doanh nghiệp mất hẳn nguồn thu từ thị trường này trong những tháng gần đây.

Với thị trường Anh, có 26/52 doanh nghiệp gặp khó khăn, mức giảm trung bình 42,8%.

Ngoài các thị trường chủ lực trên, nhiều doanh nghiệp còn xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường khác như: Nhật Bản, Singapore, Australia, Canada, Hàn Quốc, NewZeland, Trung Quốc… Xuất khẩu sang các thị trường này cũng ảm đạm dù mức giảm thấp hơn.

Kết quả khảo sát cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp trả lời chỉ cầm cự được thêm khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Để đối phó với tình hình này, hơn 70% doanh nghiệp lựa chọn giảm quy mô sản xuất để cắt giảm chi phí. Một số ít doanh nghiệp đã tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, giảm giá để kích cầu…

Về lâu dài, các doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn được hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; được giảm, chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăn nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp và giảm chi phí xuất nhập khẩu container cảng biển.

Vân Hằng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hon-80-doanh-nghiep-go-lo-ngai-doanh-thu-sut-giam-post514486.antd