Hội nhập quốc tế hải quan Việt Nam: Bài 1: Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Trong suốt những năm gần đây, hải quan Việt Nam đã ngày càng đạt được những thành công và dấu ấn quan trong hội nhập, hợp tác quốc tế được hải quan các nước trên thế giới đánh giá cao.

Chiến lược phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2030 lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành hải quan để xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Để thực hiện thành công Chiến lược trên và nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới, việc tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng. BNEWS xin giới thiệu chùm bài về những dấu ấn hội nhập và hợp tác quốc tế của hải quan thời gian qua.Bài 1: Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tếTrong suốt những năm gần đây, hải quan Việt Nam đã ngày càng đạt được những thành công và dấu ấn quan trong hội nhập, hợp tác quốc tế được hải quan các nước trên thế giới đánh giá cao.Theo đó, trong quý I/2024, các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được hải quan Việt Nam triển khai một cách chủ động, có kế hoạch. Thời điểm này, hải quan Việt Nam đang gấp rút hoàn thành các kế hoạch cho Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) lần thứ 33 sẽ diễn ra vào tháng 6 tới đây tại Phú Quốc (Kiên Giang).

Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn đã ký Thỏa thuận hợp tác hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Bộ Tài chính Việt Nam Chủ tịch OLAF Ville Itälä. Ảnh: nhandan.vn

Trong khuôn khổ đa phương, chỉ trong năm 2023, hải quan Việt Nam đã tham gia ký kết 3 văn bản hợp tác và đàm phán 5 thỏa thuận hợp tác như ký Thỏa thuận về công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa các cơ quan hải quan của các quốc gia thành viên ASEAN; ký Tuyên bố chung về hợp tác hải quan toàn cầu và hải quan số (Tuyên bố Seoul) với sự tham gia của 58 nước; ký Tuyên bố chung về hợp tác hải quan trong kiểm soát ma túy tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương bao gồm 18 nước tham gia. Trong khuôn khổ song phương, hải quan Việt Nam đã hoàn thành việc ký kết các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế với Hàn Quốc, Hà Lan và tiếp tục đàm phán với nhiều quốc gia khác.

Đặc biệt, việc đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm công nghệ của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã đánh dấu bước tiến quan trọng của hải quan Việt Nam trong vai trò thành viên WCO. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, thành công của Hội nghị đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, vị thế của hải quan Việt Nam và khẳng định vai trò tích cực, trách nhiệm của hải quan Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với WCO.

Hải quan Việt Nam tham gia hoàn thành và triển khai Danh mục Thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN); thực hiện trao đổi thông tin Tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch điện tử qua Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN, từ khâu hoàn thiện thể chế, ứng dụng phần mềm hệ thống, đào tạo sử dụng; tiếp nhận vai trò chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN vào năm 2024.
Đồng thời, hải quan Việt Nam tích cực phối hợp với các đối tác triển khai các chương trình hợp tác trong khối; tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) thuộc Liên hiệp quốc; chủ trì triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động, các chương trình, dự án hợp tác về kiểm soát hải quan phòng chống buôn lậu ma túy, đảm bảo an ninh, an toàn,…
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), thời gian qua, ASEAN đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến về hợp tác hải quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Theo đó, hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia và có đóng góp đáng ghi nhận vào kết quả chung về hoạt động kiểm soát của Hải quan ASEAN, trong đó nổi bật là Chiến dịch Con rồng Mêkông (OMD).
Đây là một sáng kiến về hoạt động chống buôn lậu do hải quan Trung Quốc và hải quan Việt Nam đồng khởi xướng với sự hỗ trợ điều phối của Văn phòng tình báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương (WCO-RILO AP) và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC). Chiến dịch đánh dấu điểm nhấn của hải quan Việt Nam trong việc chủ động hội nhập, hợp tác tăng cường kiểm soát chống buôn lậu và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Hải quan Việt Nam đóng vai trò là thành viên của nhóm điều phối (OCU) trong toàn bộ Chiến dịch.

Hội nghị tổng kết kết quả triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông lần thứ V. Ảnh: Tổng cục Hải quan

Tổng số vụ bắt giữ của Chiến dịch qua 5 giai đoạn là 4.535 vụ ma túy và động thực vật hoang dã, tang vật thu giữ gồm: 55,2 tấn ma túy các loại, 108 tấn tiền chất, 157 tấn gỗ và 4.479 sản phẩm động, thực vật hoang dã. Điển hình, qua 5 giai đoạn, hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 115 cảnh báo và 5 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên. Riêng trong Chiến dịch giai đoạn V, hải quan Việt Nam và các đơn vị phối hợp đã cập nhật tổng số 123 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã. Tháng 4/2024, hải quan Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị khởi động Chiến dịch Con rồng Mêkông giai đoạn VI tại Việt Nam.

Thời gian tới, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ đẩy mạng các hoạt động hợp tác song phương và đa phương; tập trung vào hợp tác trao đổi thông tin nghiệp vụ, thông tin tình báo, phục vụ việc kiểm soát, đảm bảo an ninh an toàn, phòng chống ma túy.Bên cạnh đó, hải quan Việt Nam sẽ kết nối thông suốt với các đối tác trong trao đổi thông tin, phối hợp xác minh C/O, xác minh các vụ việc nghi ngờ vi phạm pháp luật hải quan; tăng cường phối hợp trong kiểm soát ma túy, động thực vật quý hiểm, vận chuyển phế thải bất hợp pháp; tranh thủ nguồn lực quốc tế hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tiến tới mô hình hải quan thông minh; nghiên cứu và tiếp cận mô hình, kinh nghiệm hay của hải quan Việt Nam về xây dựng hải quan xanh; thí điểm trao đổi thông tin về hàng hóa theo một số mặt hàng trọng điểm và giữa các cặp cảng biển lớn của Việt Nam với các đối tác chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại với Việt Nam phục vụ yêu cầu quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu./.

Bài 2: Phát triển hải quan số, hải quan thông minh

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoi-nhap-quoc-te-hai-quan-viet-nam-bai-1-hai-quan-viet-nam-day-manh-hop-tac-quoc-te/331569.html